MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bối cảnh mới của ngành ngân hàng toàn cầu

22-01-2015 - 16:04 PM | Tài chính quốc tế

Mô hình hoạt động của các ngân hàng trên toàn cầu đã thay đổi hoàn toàn kể từ khủng hoảng tài chính 2008.

Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, mô hình ngân hàng đã chuyển từ ngân hàng toàn cầu, đa sản phẩm đến một mô hình với bốn loại hình ngân hàng. Việc giám sát pháp lý đã mang lại những cải cách tích cực và đảm bảo quản trị ngân hàng thận trọng hơn.

Tuy nhiên, việc thực thi này đôi lúc lại trở thành lực cản đối với hoạt động của các ngân hàng. Chương trình nới lỏng định lượng (QE) của Ngân hàng Trung ương châu Âu và đổi mới công nghệ cũng là những yếu tố quan trọng định hình lại cảnh quan ngân hàng toàn cầu.

“The new banking context” (tạm dịch: Bối cảnh mới của ngành ngân hàng) là chủ đề của một phiên thảo luận được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị thường niên lần thứ 45 của Diễn đàn kinh tế thế giới Davos 2015 diễn ra từ ngày 21 đến 24/1 tại Davos, Thụy Sĩ.

Tham dự cuộc thảo luận này là lãnh đạo của nhiều ngân hàng lớn trên thế giới: Liu Mingkang (Viện nghiên cứu quốc tế Fung), Brian T.Moynihan (Chủ tịch kiêm CEO của Bank of America), Andre Esteves (CEO của ngân hàng Banco, Brazil), Anshu Jain (CEO ngân hàng Deutsche, Đức), Douglas Flint (Chủ tịch tập đoàn HSBC).

Mô hình hoạt động của ngân hàng đã thay đổi

Theo các diễn giả, kể từ khủng hoảng tài chính 2008, mô hình hoạt động của ngành ngân hàng đã thay đổi trên toàn cầu. Trong quá khứ, các ngân hàng hoạt động theo mô hình toàn cầu, cố gắng đa dạng hóa sản phẩm cho tất cả các đối tượng khách hàng. Tuy nhiên, mô hình ngân hàng hiện nay được phân loại thành 4 loại chính: các ngân hàng địa phương, các ngân hàng toàn cầu chuyên về một hoặc hai dịch vụ, các ngân hàng trong bóng tối và các ngân hàng toàn cầu cung cấp một loạt các dịch vụ bán lẻ và bán buôn.

Đáng chú ý, hiện nay có tới 30% hoạt động ngân hàng toàn cầu được thực hiện qua hệ thống ngân hàng trong bóng tối. Sự phát triển này, theo ông Anshu Jain, Đồng Giám đốc điều hành, Deutsche Bank, Đức, đánh giá là tích cực, do “ngân hàng trong bóng tối đã có một vai trò quan trọng trong việc lưu thông nguồn vốn”. Đồng thời, các ngân hàng toàn cầu vẫn giữ vị trí chủ chốt trong toàn ngành nhờ sự hiểu biết sâu sắc về thị trường tài chính và khả năng cấp vốn, theo quan sát của ông Brian T. Moynihan, Chủ tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc điều hành, Bank of America , USA.

Trong số bốn loại hình ngân hàng này, các ngân hàng toàn cầu chứng kiến sự dao động thị trường ở mức thấp nhất và trải qua những tiêu chuẩn giám sát vốn và đòn bẩy ở mức cao nhất. Giám sát quản trị đã mang lại những cải cách tích cực trong các thị trường tài chính và đảm bảo quản lý thận trọng của các ngân hàng này.

Tuy nhiên, các ngân hàng nên duy trì đủ sự nhạy bén trong phục vụ khách hàng: "Quy định pháp lý phải bắt kịp với tốc độ thay đổi toàn cầu và luôn linh hoạt," Liu Minkang, Chuyên gia từ Viện nghiên cứu toàn cầu Fung, Hồng Kông cho biết. "Cần có một cuộc đối thoại mở giữa các ngân hàng và các nhà hoạch định chính sách để hạn chế những hậu quả không mong muốn từ một thị trường, khách hàng và quan điểm pháp lý," Moynihan nói. Số lượng và mức độ của quy định không nên hạn chế hoạt động cho vay của ngân hàng. Ngoài ra, cần có sự phối hợp nhịp nhàng hơn giữa các hệ thống quản lý trên toàn quốc.

Gói QE của ECB tác động như thế nào đến ngành ngân hàng?

Chương trình nới lỏng định lượng (QE) của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ tác động đáng kể vào ngành ngân hàng toàn cầu. Theo Douglas Flint, Chủ tịch Tập đoàn, HSBC, các ngân hàng sẽ thích nghi hiệu quả nếu họ có "một hệ thống quản lý bài bản và kinh nghiệm, cơ sở vốn lớn và thanh khoản tốt". Tuy nhiên, nới lỏng tiền tệ là một con dao hai lưỡi. "Các chính sách nới lỏng tiền tệ tạo ra thời gian cho những cải cách tài chính, kinh tế và chính trị", ông Liu nói.

Chương trình QE sẽ phát huy hiệu quả nếu các tổ chức chính trị tận dụng thời gian này để thực thi các chính sách phát triển sản xuất, năng lực cạnh tranh và cải cách cơ cấu. Điều nguy hiểm là phụ thuộc quá nhiều vào phương tiện chuyên biệt như QE có thể làm suy yếu ý chí chính trị để thực hiện cải cách kinh tế, che đậy những rủi ro kinh tế bất ngờ và khiến cho thị trường khó khăn hơn để bình thường hóa.

Vai trò của công nghệ

Andre Esteves, Giám đốc điều hành, Banco BTG Pactual, Brazil, cho biết nhìn chung "công nghệ không gây ra nhiều vấn đề tiêu cực tại ngân hàng so với các ngành khác." Thị trường ngân hàng bán buôn đã sớm ứng dụng công nghệ, nhờ đó cải thiện an ninh và giảm chi phí.

Cho tới nay, việc áp dụng công nghệ tiên tiến diễn ra chậm hơn trong ngành ngân hàng bán lẻ đại chúng. Vì vậy, ngân hàng bán lẻ được mong đợi sẽ bắt đầu triển khai các công nghệ mới và đột phá trong tương lai gần.

Vân Hằng

Thu Hương

World Economic Forum

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên