MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bretton Woods - Ngày này năm xưa

02-07-2014 - 20:22 PM | Tài chính quốc tế

Ngày 1/7/1944, các chuyên gia tài chính của các nước phát triển đã tụ họp tại một khách sạn nằm giữa những dãy núi ở New Hampshire để thảo luận về hệ thống tiền tệ thời kỳ hậu chiến tranh.

Hội nghị kết thúc, hệ thống Bretton Woods ra đời, đi kèm với đó là hai định chế toàn cầu cho tới nay vẫn đóng vai trò quan trọng: Quỹ tiền tệ thế giới (IMF) và Ngân hàng thế giới (World Bank). Hội nghị này cũng đánh dấu sự ra đời của hệ thống tỷ giá cố định được duy trì cho đến đầu những năm 1970. 

Động lực chính thúc đẩy các đại biểu tham gia hội nghị là quan điểm cho rằng hệ thống tài chính hiện tại quá hỗn độn với những sự kiện như chế độ bản vị vàng sụp đổ, Đại suy thoái và chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy. 

Bộ trưởng Tài chính Mỹ lúc đó là Henry Morgenthau đã tuyên bố rằng hội nghị này cần gạt bỏ rào cản thương mại và những yếu tố làm giảm cạnh tranh vốn vẫn tồn tại trước khi cuộc chiến xảy ra. Để làm được điều này, hội nghị phải trở thành cầu nối giữa hai thái cực. Vấn đề chuyên môn thuộc về nhà kinh tế học người Anh John Maynard Keynes nhưng sức mạnh tài chính lại thuộc về Harry Dexter White – người đại diện cho Tổng thống Mỹ Roosevelt. 

Quá khứ đã chứng minh duy trì tỷ giá cố định là một điều khá khó khăn đối với nhiều nước, đặc biệt là khi ở trong tình trạng thâm hụt cán cân thương mại. Ban đầu, IMF được tạo ra với vai trò là giải quyết vấn đề này bằng cách hành động như một người cho vay cuối cùng. Tuy nhiên, White (với vai trò là đại diện của nước chủ nợ và có thặng dư cán cân thương mại) muốn đặt gánh nặng các con nợ, Keynes muốn chủ nợ cũng phải chia sẻ gánh nặng này. Ông đưa ra gợi ý thành lập hệ thống thanh toán toàn cầu không dựa vào USD mà vào 1 loại tiền mới có tên gọi là bancor. White lo ngại rằng như vậy thì cuối cùng Mỹ phải chịu thiệt và do đó Keynes không bảo vệ được quan điểm của mình. Mỉa mai thay, giờ đây, khi Mỹ là con nợ, những người kế nhiệm White lại kêu gọi các chủ nợ cùng gánh chịu khi cán cân thương mại thâm hụt.

Hệ thống Bretton Woods chứng kiến tất cả các tiền tệ trên thế giới đều được kết nối với USD và sau đó USD lại được kết nối với vàng. Để ngăn chặn đầu cơ ăn theo neo tỷ giá, dòng chảy vốn bị giới hạn chặt chẽ. Hệ thống này cũng chứng kiến hơn 2 thập kỷ kinh tế thế giới tăng trưởng như vũ bão cùng với một vài cuộc khủng hoảng tài chính. Cuối cùng thì hệ thống Bretton Woods tỏ ra quá cứng nhắc trước sự trỗi dậy của Đức và Nhật Bản, đồng thời chính người Mỹ cũng lưỡng lự không muốn điều chỉnh chính sách kinh tế trong nước để giữ lấy chế độ neo vào vàng. Cựu Tổng thống Nixon buộc phải xóa bỏ mối liên hệ giữa USD và vàng vào năm 1971, chế độ tỷ giá cố định bị phá vỡ.

Cả IMF và World Bank vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Tuy nhiên, cả hai đều vấp phải nhiều chỉ trích. IMF bị phàn nàn vì những điều kiện đính kèm với các khoản vay quá tập trung vào thắt lưng buộc bụng và quyền lợi của chủ nợ mà không quan tâm đến người nghèo, trong khi World Bank bị chỉ trích không chú ý đến hệ lụy về mặt xã hội và môi trường mà các dự án được tài trợ gây ra. 

Thu Hương

huongnt

Economist

Trở lên trên