MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các nước Eurozone dự kiến góp 40-50 tỷ euro cứu trợ Hy Lạp

15-07-2015 - 08:57 AM | Tài chính quốc tế

Một quan chức châu Âu ngày 14/7 cho biết chính phủ các nước Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ đóng góp khoảng 40-50 tỷ euro (44-55 tỷ USD) cho gói cứu trợ tài chính kéo dài 3 năm dành cho Hy Lạp, dự kiến lên tới 86 tỷ euro.

Theo nguồn tin trên, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sẽ đóng góp một khoản cứu trợ lớn khác khi định chế tài chính có trụ sở tại Washington (Mỹ) này dự kiến sẽ giải ngân cho Athens 16 tỷ euro trong một chương trình có thời hạn tới tháng 3/2016. Số còn lại sẽ trích từ lợi nhuận của các doanh nghiệp được tư nhân hóa của Hy Lạp và các thị trường tài chính.

Trước đó, sau 17 giờ đàm phán căng thẳng các nhà lãnh đạo 19 nước Eurozone đã nhất trí về chương trình cứu trợ mới cho Hy Lạp tại hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp ngày 13/7.

Như vậy, các nước đã sẵn sàng để áp dụng chương trình Cơ chế bình ổn châu Âu (ESM) cho Hy Lạp với những yêu cầu cải cách và sự hỗ trợ tài chính nghiêm túc. ESM - quỹ cứu trợ của Eurozone được thành lập trong cuộc khủng hoảng tài chính, sẽ bơm từ "40-50 tỷ euro" vào gói cứu trợ thứ ba dành cho Hy Lạp tính từ năm 2010.

Người đứng đầu ESM Klaus Regling ​tuyên bố IMF sẽ thực hiện khoản cứu trợ trên nếu Hy Lạp hoàn trả đúng hạn 2 khoản vay trị giá 2 tỷ euro trong tháng này.

Vẫn còn nhiều ý kiến chia rẽ giữa các bên trong việc cứu trợ cho Hy Lạp. Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne tái khẳng định ông sẽ từ chối bất kỳ nỗ lực nào của Liên minh châu Âu (EU) dùng tiền giải cứu. Anh, quốc gia không sử dụng đồng euro, sẽ chống lại việc đóng góp vào bất kỳ khoản vay bắc cầu nào.

Bộ trưởng Tài chính Phần Lan Alexander Stubb cho rằng sẽ "rất khó khăn cho bất kỳ quốc gia thành viên nào chi tiền mặt mà không kèm điều kiện." Trong khi đó, một nguồn tin EU cho rằng việc sử dụng ESM vẫn là một trong những biện pháp khả thi nhất giúp Hy Lạp vượt qua được cuộc khủng hoảng tiền mặt hiện nay.

Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras cuối cùng đã chấp thuận các biện pháp cải cách khắc khổ do Eurozone yêu cầu để đổi lấy gói cứu trợ thứ 3 trị giá tới 86 tỷ euro (96 tỷ USD). Phát biểu sau khi đạt thỏa thuận với các nhà lãnh đạo Eurozone hôm 13/7, ông Tsipras cho rằng thỏa thuận này sẽ giúp đất nước ổn định tài chính và phục hồi tăng trưởng, đồng thời tin tưởng đại đa số người dân Hy Lạp sẽ ủng hộ nỗ lực này của chính phủ./.

PV

Theo Vietnam+

Trở lên trên