MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cái bẫy của nước giàu

08-01-2014 - 19:17 PM | Tài chính quốc tế

Các nước giàu có như Mỹ và Anh gặp nhiều khó khăn hơn so với các nước có thu nhập trung bình trong việc khắc phục hậu quả của khủng hoảng tài chính.

Tác giả của bài viết này là Simon Johnson. Ông từng là chuyên gia kinh tế trưởng tại Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), là giáo sư tại ĐH MIT. 

Cách đây khoảng 10 năm, các nhà hoạch định chính sách có xu hướng nghĩ rằng những nước giàu có đã đạt đến hoặc vượt qua ngưỡng mà nhờ đó họ không thể bị tổn thương trước khủng hoảng tài chính. Lý do được đưa ra là các thị trường tài chính đã trở nên phức tạp, các công ty lớn biết cách đa dạng hóa danh mục và tránh được rủi ro. Thêm vào đó, với nền kinh tế được toàn cầu hóa và vươn ra khắp thế giới, không điều gì có quy mô đủ lớn để có thể khiến hệ thống tài chính của Mỹ hay châu Âu chao đảo. 

Rõ ràng là nhận định này hoàn toàn sai. Ở cả Mỹ và châu Âu, hệ thống tài chính đã chứng tỏ khả năng có thể khiến các nền kinh tế chao đảo. Thậm chí, các mối nguy hiểm còn lan tràn trên diện rộng. Những ngân hàng lớn nhất nhanh chóng lâm vào rắc rối.

Vấn đề không nằm ở sự thông minh sáng suốt. Trong bối cảnh mọi thứ được đánh giá dựa vào tỷ suất ROE mà không được điều chỉnh rủi ro một cách hợp lý, cách làm thông minh nhất là đi vay nhiều nhất có thể. 

Khi các nước có thu nhập trung bình phải đối mặt với khủng hoảng tài chính với nguyên nhân xuất phát từ hệ thống ngân hàng, phản ứng rõ ràng nhất sẽ là thực hiện cải cách để ngân hàng an toàn hơn. Những người điều hành ngân hàng sẽ phản đối sự thay đổi này bởi không ai muốn nhìn thấy cơ chế tạo ra nguồn tiền khổng lồ phải chấm dứt. Tuy nhiên, họ không còn nhiều quyền lực sau khủng hoảng. 

Và, ở các nước này, khu vực tài chính mới chỉ đóng góp một phần nhỏ cho tăng trưởng GDP. Những nhóm lợi ích lớn nhất là lĩnh vực sản xuất hướng tới các thị trường xuất khẩu. 

Ngược lại, ở những nước như Mỹ hoặc Anh, khu vực tài chính chiếm tỷ trọng lớn hơn nhiều, Đây là kết quả trực tiếp của việc tích lũy tài sản tài chính. Điều này lại xuất phát từ trạng thái thịnh vượng và nhu cầu tiết kiệm tiền cho quãng đời sau khi nghỉ hưu. 

Thêm vào đó, bởi vì các nước giàu có thể phát hành lượng lớn trái phiếu chính phủ trong ngắn hạn và cũng có các NHTW đủ mạnh để kiềm chế lạm phát, họ có thể giải cứu các công ty tài chính khỏi kịch bản sụp đổ. Lãnh đạo ngân hàng vẫn tiếp tục hưởng đặc quyền đặc lợi và là nguồn tài trợ lớn cho các con đường chạy đua của các chính trị gia. 

5 năm sau khi nước Mỹ trải qua cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ Đại khủng hoảng trong những năm 1930, Washington lại tiếp tục cho rằng nước Mỹ là “pháo đài bất khả xâm phạm” tạo sự ổn định cho kinh tế toàn cầu và hệ thống tài chính nên được duy trì ở tình trạng hiện tại. 

Các chính trị gia và nhà hoạch định chính sách không hề mong muốn thảo luận liệu các cuộc khủng hoảng tài chính sẽ ảnh hưởng như thế nào đến thâm hụt ngân sách và khiến nợ chính phủ tăng lên. Không ai nhận ra rằng hỗ trợ khu vực tài chính sẽ khiến triết lý của NHTW bị xói mòn. Như vậy là không công bằng. 

Dẫu vậy, 5 năm qua cũng là bằng chứng rõ ràng cho thấy nước Mỹ cũng như nhiều nước phát triển khác vẫn sẽ bị “mắc kẹt” trong một thời gian dài nữa.  Khu vực tài chính gắn bó quá chặt chẽ với các chính trị gia. 

Các nước có thu nhập trung bình đã làm tốt hơn trong việc giải quyết hậu quả của khủng hoảng, nhưng họ cũng sẽ rơi vào cái bẫy này khi trở nên giàu có hơn. 

Ngành tài chính đóng vai trò quan trọng hơn trong nền kinh tế là một dấu ấn của thành công, và ngành tài chính cũng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, quyền lực chính trị của khu vực tài chính là điều mang lại rắc rối. 

Thu Hương

huongnt

New York Times

Trở lên trên