MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cái gì, tiền à?

09-06-2014 - 17:35 PM | Tài chính quốc tế

Thế mới hay, kinh tế World Cup không chỉ thể hiện ở chỗ có rất nhiều tiền, mà còn ở chỗ sử dụng đồng tiền ấy công bằng và minh bạch.

Vâng, tiền. Chuyện xương máu, chuyện sống còn, trong xã hội và trong bóng đá. Chẳng thế mà có hẳn một ngành gọi là kinh tế bóng đá. Nói kinh tế cho nó chỉn chu, chứ thật ra chỉ là chuyện kiếm tiền và tiêu tiền.

Kiếm tiền có nhiều cách, và kiếm tiền kiểu nào thì tiêu tiền kiểu ấy. Cầu thủ kiếm tiền bằng lương trong hợp đồng, bằng thưởng theo kết quả thi đấu, may mắn ra thì có thêm các hợp đồng quảng cáo. Sống hợp lý thì cũng đủ, kể cả để dành. Nhưng tiêu hoang phí thì lại phải tìm thêm cách khác. Cá độ, có thể lúc đầu là vui, nhưng chuyển sang tội đánh bạc lúc nào không biết, mà tệ nhất là bán cả trận đấu cho các ông trùm. Tiền lúc ấy thì lúc được lúc không, mà có được thì cũng đội nón ra đi theo những trò vô bổ, nguy hại. Ấy là chưa kể mối nguy hiểm khi đứng trước pháp luật. Suy cho cùng, việc của cầu thủ là tập bóng và đá bóng, chứ kiếm tiền là nghề của người đại diện, là việc của CLB.

CLB mới là một đơn vị kinh tế hoàn chỉnh. Có nhiều khoản thu: Chuyển nhượng cầu thủ, bản quyền truyền hình, quảng cáo, vé xem bóng đá, kinh doanh trên sân (ăn uống, đồ lưu niệm…). Làm ra tiền đã đành, mà tiêu tiền cũng phải đúng cách. Cho nên phải có cả giám đốc kinh doanh lẫn giám đốc tài chính. Chưa thấy CLB nào bị kết tội về đánh bạc, nhưng phá sản do thất bại trong kinh doanh thì nhiều, và tài chính không minh bạch thì cũng có, nhất là tội trốn thuế. Mùa bóng 2013-2014 ở châu Âu có tới 3 lãnh đạo chủ chốt của các CLB nổi tiếng phải đi tù, và cũng có cả ông chủ từ chức để trốn tù. Cá nhân đi tù, nhưng CLB vẫn tồn tại. Đó là do người ta kinh doanh trong một cấu trúc pháp lý vững chắc, chứ không trông chờ vào những thỏa thuận hết sức tùy hứng của các ông chủ.


Phải kể ra dài dòng như vậy để nói rằng, ở cấp cầu thủ và CLB, hiểm họa luôn rình rập. Nhưng tới cấp liên đoàn bóng đá thì khác. Đặc biệt với FIFA, ông chủ của World Cup, thì tất cả chỉ là sáng sủa và rực rỡ. Quyền đăng cai cũng đã trở thành một món hàng được bán ra không chính danh nên tạo điều kiện cho tham nhũng lẩn trốn. Mỗi World Cup lại bị ràng buộc bởi hàng loạt tiêu chí theo khuôn mẫu FIFA, bất chấp đặc trưng văn hóa và khả năng kinh tế của nước sở tại. Danh sách các tiêu chí thì rất dài, nhưng ai cũng hiểu tiêu chí gốc, tiêu chí quan trọng nhất là đảm bảo mọi nguồn tiền, cho tới từng đồng xu nhỏ, đều chảy vào túi FIFA. Nguyên tắc kinh doanh văn minh “win - win” (thắng - thắng) không còn chỗ đứng trong FIFA.



Năm 2013, trước các cuộc biểu tình phản đối của người dân Brazil, Blatter tuyên bố lạnh lùng: "Phải trách chính Brazil đã đặt bút ký vào những điều khoản đó”. FIFA cũng có tổ chức một số chương trình hỗ trợ bóng đá thế giới, nhưng con số đó chưa thấm gì với những khoản thu khổng lồ đang tăng dần. Đấy là lý do vì sao đời sống quan chức FIFA rất phong lưu, chẳng mấy ai chịu từ chức, mọi chuyện xấu xa thường được giải quyết trong khuôn khổ nội bộ và cuộc chiến “tuyệt đỉnh tranh tài” tại FIFA lại vô cùng khốc liệt.

Thế mới hay, kinh tế World Cup không chỉ thể hiện ở chỗ có rất nhiều tiền, mà còn phải ở chỗ sử dụng đồng tiền ấy công bằng và minh bạch. Đây cũng là điều kiện để FIFA ổn định, để bóng đá thế giới phát triển lành mạnh. Bóng đá không chỉ là các giải đấu, các trận đấu, mà còn là đồng tiền làm ra trận đấu ấy và sinh ra từ giải đấu ấy.


Theo Vũ Công Lập

huongnt

Công An Nhân Dân

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên