MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Câu hỏi bí ẩn nhất trong cuộc khủng hoảng con tin Mali

21-11-2015 - 16:42 PM | Tài chính quốc tế

Giới chức Mali tuyên bố cuộc khủng hoảng con tin ở Radisson Blue tại thủ đô Bamako đã kết thúc song vẫn còn nhiều câu hỏi chưa thể trả lời.

Bộ An ninh Mali cho hay các tay súng đang bị truy đuổi sau khi không còn cầm giữ bất cứ con tin nào. Phát biểu trước nội các đêm 20-11, Tổng thống Mali Ibrahim Boubacar Keita công bố tình trạng khẩn cấp từ nửa đêm 20-11 và kéo dài 10 ngày, kèm theo đó là 3 ngày quốc tang.

Theo ông Keita, có 21 người thiệt mạng trong vụ này, bao gồm 2 tay súng. Trong số nạn nhân có ông Geoffrey Dieudonne, thành viên nghị viện ở vùng Wallonia – Bỉ.

Theo Tân Hoa Xã, có 3 người Trung Quốc thiệt mạng, còn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết có 2 công dân nước này chết trong vụ tấn công. Những thông tin trước đó nói có ít nhất 27 người chết với 12 thi thể ở tầng hầm và 15 thi thể ở tầng 2.

Nhóm phiến quân al-Murabitoun có liên hệ với Al-Qaeda đã lên tiếng nhận trách nhiệm.

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian thừa nhận khả năng trên, đồng thời cho rằng phần tử phiến quân khét người Algeria Mokhtar Belmokhtar – thủ lĩnh nhóm al-Murabitoun - “có khả năng đứng sau” vụ tấn công đẫm máu tại khách sạn Radisson Blu.

Ông Le Drian cho biết một số nước từ lâu đã truy lùng Belmokhtar.

Hiện chưa rõ vụ việc ở Mali có liên quan đến các vụ khủng bố ở Paris tối 13-11, làm 130 người chết, hay không.

Theo đài BBC, câu hỏi lớn nhất trong vụ này là làm sao bọn tấn công có được một chiếc xe có biển số ngoại giao, giúp chúng vào sân khách sạn trót lọt.

“Chúng đeo mặt nạ. Khi chúng đến cửa khách sạn thì bị bảo vệ chặn lại và chúng bắt đầu xả súng” – người làm vườn của khách sạn kể lại.

Số tay súng tham gia cũng không thống nhất. “Mất khoảng 7 giờ kể từ khi vụ tấn công bắt đầu cho đến khi sơ tán được toàn bộ khách trong khách sạn nhưng vẫn không rõ có bao nhiêu kẻ tấn công” – phóng viên BBC tại hiện trường tường thuật.

Theo một nguồn tin quân đội của BBC, chỉ có 2 tay súng song nhiều nhân chứng khẳng định có đến 13 tên và chúng hô to “Đấng tối cao vĩ đại” bằng tiếng Ả Rập.

Trước khi lực lượng an ninh xông vào khách sạn, một số con tin được thả nhờ có thể đọc kinh Koran. Một nhân chứng nói bọn bắt cóc trao đổi bằng tiếng Anh.

Con tin được giải thoát. Ảnh: BBC

Người dân Mali tập trung quanh hiện trường khen ngợi lực lượng an ninh. Ảnh: Reuters

Hồi tháng 8, các tay súng đã giết chết 13 người, gồm 5 nhân viên Liên Hiệp Quốc, trong một vụ bắt cóc con tin tại khách sạn ở TP Sevare, miền Trung Mali. Trước đó, vào tháng 3 năm nay, một quán bar ở Bamako bị tấn công, làm 5 người chết.

Tháng 1-2013, Pháp can thiệp quân sự vào Mali, chặn đứng đà thâu tóm của các phiến quân có liên hệ với al-Qaeda. Lúc này, phiến quân đã chiếm miền Bắc Mali và đe dọa tiến về Bamako.

Đến tháng 7-2013, lực lượng Liên Hiệp Quốc tiếp quản nhiệm vụ đảm bảo an ninh tại Mali.

Theo Hải Ngọc

Người Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên