MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

CEO ngân hàng Barclays bị đổ tội oan và ép từ chức như thế nào?

05-05-2013 - 23:19 PM | Tài chính quốc tế

“Tôi từng không thể mở lời,” cựu CEO Robert “Bob” Diamond của ngân hàng Barclays nói. “… và nghĩ cứ cứ im lặng mà sống tiếp thôi.”

Người viết là nhà báo Andrew Ross Sorkin của tờ New York Times, tác giả cuốn “Too Big to Fail”.

Xem thêm: “Đứng sang một bên và giữ mồm giữ miệng”

Vừa đi vòng tròn trong văn phòng mới tại Midtown Manhattan, cựu CEO Barclays Robert E. Diamon Jr. vừa kể lại ông đã từ quan chức quyền lực nhất và được trả lương hậu hĩnh nhất nước Anh trở thành một người bình thường đi làm bằng tàu điện ngầm và xếp hàng mua cà phê như thế nào.

Ông không có ý phàn nàn gì về cuộc sống, dù sao tiền của Diamond vẫn đủ cho vài đời sau sống sung túc. Nhưng với con người từng góp công lớn thay đổi diện mạo ngành tài chính nước Anh, đây là một cú ngã đau đớn.

“Tôi từng không thể mở lời,” Diamond nói. “… và nghĩ cứ cứ im lặng mà sống tiếp thôi.”

Scandal thao túng lãi suất

Người ta vẫn nghĩ Diamond bị lật khỏi ghế CEO sau khi cơ quan quản lý ở cả Anh lẫn Mỹ phát hiện thấy kế hoạch thao túng lãi suất liên ngân hàng tại London (Libor) của một số ngân hàng, trong đó có Barclays.

Nay Bob Diamond đi làm bằng tàu điện ngầm như bao người bình thường khác.

Cuộc điều tra kéo dài nhiều năm trời này cho thấy các giao dịch viên tại Barclays thường xuyên trình báo thông tin sai lạc nhằm tăng lãi tự doanh của ngân hàng và trong một số trường hợp, giúp chất lượng tài sản trông có vẻ lành mạnh hơn.

Âm mưu này khiến Barclays phải trả 450 triệu USD phí dàn xếp và vẫn được coi là “scandal của mọi scandal” trong thế giới tài chính. Nó đã xóa sạch chút lòng tin còn sót lại đối với toàn ngành.

Dù cho các tít báo có viết gì thì vai trò của Bob Diamond trong scandal này cũng rất nhỏ, và có lẽ đã bị thổi phồng quá mức.

Có thể đó chỉ là cái cớ để đuổi việc ông, nguyên nhân thực sự khiến Diamond phải ra đi là vì ông là “khuôn mặt không chấp nhận nổi của giới ngân hàng” như lời một nghị sỹ Anh.

Không giống các CEO khác từng mất việc kể từ thời khủng hoảng tài chính, Diamond không bị HĐQT đuổi việc. Ông phải ra đi là vì chính phủ Anh, đặc biệt là Thống đốc NHTW Mervyn King, muốn thế.

Vì Thống đốc muốn thế

Vào ngày 2/7/2012, chưa tới một tuần sau khi vụ scandal Libor bùng phát, King gọi Chủ tịch Barclays Marcus Agius tới văn phòng mình. Theo Agius, King đã nói “Bob Diamond không còn nhận được sự ủng hộ của cơ quan quản lý.”

"...tôi thậm chí còn chẳng biết người ta xác định lãi suất Libor thế nào ..."

Sáng hôm sau, Diamond từ chức. Ngày hôm sau nữa, Bộ trưởng Tài chính George Osborne tuyên bố “Tôi hy vọng đây là bước đầu tiên hướng tới một nền văn hóa trách nhiệm mới trong ngành tài chính Anh.”

Diamond lộ rõ vẻ đau đớn khi nghe lại lời bình luận trên của Osborne. “Anh có muốn biết sự thật không?” ông hỏi.

“Sự thật là tôi thậm chí còn chẳng biết xác định lãi suất Libor thế nào. Nếu hỏi tôi ở Barclays ai chịu trách nhiệm hàng ngày báo cáo loại lãi suất ấy, tôi chịu. Tôi cá là nếu anh hỏi CEO của bất kỳ ngân hàng nào trên Phố Wall, câu trả lời cũng giống hệt thế.”

Biện hộ kiểu “Tôi không thể biết hết cấp dưới đang làm gì” không phải mới, dù cho nó hoàn toàn chính xác. Nhưng ở Anh cũng như trên toàn thế giới, người ta cho rằng chính cái văn hóa “tất cả vì lợi nhuận” mà Diamond tạo ra ở Barclays đã đẻ ra vụ scandal Libor.

“Sau khủng hoảng tài chính, giới tinh hoa nước Anh vẫn chưa thống nhất được chuyện các ngân hàng lớn nên hoạt động theo mô hình nào,” cây bút bình luận Martin Wolf của tờ Financial Times nói với người viết.

“Bob đại diện cho thời vàng son của ngành ngân hàng đầu tư, nhưng ông ấy cũng khiến người ta nghĩ tới tính rủi ro và có chút gì đó lừa lọc của ngành này. Bob tượng trưng cho cái cách kinh doanh mà cả xã hội đang mạnh mẽ lên án.”

Đơn giản mà dễ dàng nhất là cứ nghĩ một tay người Mỹ liều lĩnh đã đầu độc cả hệ thống tài chính Anh. Nhưng có một sự thực không thể phủ nhận: dưới thời Diamond, Barclays là ngân hàng lớn duy nhất ở Anh không nhận cứu trợ.

Kỳ tiếp theo: “Đứng sang một bên và giữ mồm giữ miệng”

Minh Tuấn

tuannm

New York Times

Trở lên trên