MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cha kẻ khủng bố Paris đến Syria cứu con nhưng bất thành

29-11-2015 - 13:19 PM | Tài chính quốc tế

Người cha của một tên khủng bố trong vụ tắm máu thủ đô Pháp đêm 13-11 từng đến Syria năm 2014 để cứu con mình khỏi vòng kiềm tỏa của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) nhưng thất bại.

Theo CNN, lần cuối cùng Samy Amimour nói chuyện với chị gái Anna qua điện thoại là hồi tháng 8. Hắn hỏi thăm gia đình, cho biết có rất nhiều việc phải làm và sẽ gọi lại sớm. Nhưng lần kế tiếp Anna nghe về cậu em trai là khi biết hắn cùng hai tên khủng bố khác thực hiện cuộc thảm sát tại nhà hát Bataclan ở Paris đêm 13-11 khiến 90 người thiệt mạng.

“Tôi bị sốc nặng. Tôi gào thét trong nỗi đau và sự giận dữ - Anna kể - Cả gia đình tôi cứ tự hỏi điều gì đã xảy ra. Chúng tôi sinh ra và lớn lên cùng nhau, tại sao con đường của tôi và em trai mình lại trái ngược như vậy. Nó từng là một đứa trẻ ngoan, nhạy cảm, hơi rụt rè nhưng rất hào phóng”.

Hộp thư của Samy Amimour tại khu căn hộ cũ hắn từng sống ở khu dân cư Drancy - Ảnh: Reuters

Dính vào cực đoan từ Internet

Anna cho biết Samy Amimour bắt đầu đi theo con đường cực đoan từ bốn năm trước khi đọc các tài liệu tuyên truyền trên mạng Internet. “Chúng tôi nhận ra nó thay đổi từ bốn năm trước, từ cách ăn mặc, nghe nhạc cho đến cách nói về bản thân mình” - cô kể. Trước đó, Samy Amimour làm nghề lái xe buýt tại Paris.

Một số kẻ cực đoan ở khu dân cư Drancy tiếp cận Samy Amimour. “Bọn chúng nói chuyện với em tôi và yêu cầu nó đi hành lễ ở nhà thờ Hồi giáo nhiều hơn. Rồi chúng dẫn nó đến các nhà thờ cực đoan hơn” - Anna nói. Năm 2012, Samy Amimour tính đến Yemen nhưng bị nhà chức trách Pháp chặn lại. Gia đình tìm cách giúp hắn nhưng bất thành.

Năm 2013, Samy Amimour biến mất và bị truy nã quốc tế. Tình báo Pháp xác định hắn đã đến Syria để gia nhập tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).

Theo báo Le Monde, lo sợ con trai mình có thể mất mạng ở Syria, ông Azzedine Amimour quyết tâm đến quốc gia Trung Đông tìm con và đưa về Pháp. Trong khoảng thời gian này, ông nói chuyện với Samy Amimour mỗi tháng một lần qua Skype.

Tháng 12-2014, ông Azzedine lên máy bay tới Istanbul, rồi đi đường bộ đến biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ. Mãi đến lúc đó ông mới gọi điện báo cho Samy Amimour rằng ông đến Syria. Hắn nhờ bọn buôn người đưa ông tới Minbej, Syria, nơi cờ đen của IS tung bay khắp nơi. Các thành viên IS tưởng ông đến gia nhập khủng bố bất chấp tuổi tác nên chào đón ông nồng nhiệt.

Nhưng ông Azzedine chỉ muốn giải thoát cho con mình. Samy Amimour đến Minbej từ Raqa, “thủ đô” của IS ở Syria. Hắn đi cùng một người đàn ông lạ và người này không bao giờ để hai cha con nói chuyện một mình. Cuộc gặp giữa hai cha con diễn ra vô cùng lạnh lùng. Samy Amimour không đưa cha mình đến nhà của hắn, không kể gì về cuộc sống của hắn.

Không chịu nổi sự tàn bạo

Hắn chỉ cho biết mình đã lấy bí danh là Abu Hajia và đã kết hôn. Ông mô tả con trai mình rất lạnh nhạt. “Nó cười một cách lạnh lùng, xa cách” - ông Azzedine nhớ lại. Ông Azzedine đưa cho con phong bì có chứa bức thư của mẹ hắn và một ít tiền bên trong. Hắn đọc thư rồi trả lại ông số tiền này, nói rằng không cần.

Để hiểu cuộc sống của con mình, ông Azzedine nói chuyện với một số tay súng IS. Chúng cho ông xem các đoạn video quay cảnh giết người tàn bạo, khiến ông kinh hoàng. “Tôi nhìn thấy những hình ảnh khủng khiếp. Tôi không thể chịu đựng nổi” - ông kể.

Hai ngày sau, ông Azzedine rời Syria về Thổ Nhĩ Kỳ, trong lòng trĩu nặng. Từ đó, ông về Pháp mà không gặp rắc rối gì. Chuyến đi mạo hiểm đã thất bại hoàn toàn. Nhưng vợ ông vẫn hi vọng có ngày con trai sẽ thay đổi. Bà dự tính cùng chồng đến Syria một lần nữa. “Bà ấy vẫn nghĩ tôi có thể thuyết phục được nó. Tôi cũng không muốn nó chôn đời tại đó” - ông Azzedine khẳng định.

Nhưng đã quá muộn. Hai vợ chồng chưa thể quay lại Syria thì vụ tắm máu đêm 13-11 xảy ra. Samy Amimour chết trong vụ tấn công sau khi sát hại rất nhiều người.

“Gia đình tôi nghĩ rằng có lẽ đó là lỗi của chúng tôi chăng. Lẽ ra chúng tôi đã có thể làm được điều gì đó - chị gái Anna nghẹn ngào - Nhưng dù chúng tôi có nói gì đi nữa thì cũng không thể đưa những người bị sát hại trở lại với gia đình họ”.

Theo SƠN HÀ

Tuổi trẻ

Trở lên trên