MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chân dung phù thủy marketing John Quelch

25-02-2011 - 11:45 AM | Tài chính quốc tế

Cuối tháng này, ông sẽ trở thành hiệu trưởng Trường kinh doanh quốc tế Trung Quốc – Châu Âu tại Thượng Hải.

Khi rời văn phòng của Rupert Murdoch tại tờ Sun với một tờ séc giá trị trong tay, John Quelch nhận ra rằng mình yêu việc kinh doanh.

Ông từng là sinh viên khoa lịch sử tại Oxford nhưng trước đó chưa bao giờ để tâm nhiều đến lĩnh vực này.

Năm 1972, ông tới tăng cường cho tờ báo lá cải dành cho sinh viên Cherwell sau khi những biên tập viên tự mãn ở đây đã đẩy tờ báo rơi vào thế hết sức khó khăn.

Quelch khi ấy đã khá liều lĩnh khi xuất hiện tại văn phòng của Murdoch với một kế hoạch kinh doanh sơ sài “không thể lọt qua vòng kiểm tra của bất kỳ một kế toán viên nào” nhưng lại đi ra với một số vốn đáng kể trong tay.

Các biên tập viên tại Cherwell nhanh chóng được giải quyết. Peter Stothard chuyển sang làm biên tập viên cho Times. Một người khác, Howard Daives, sau này trở thành Chủ tịch Cơ quan dịch vụ tài chính Anh.

Tờ Cherwell nằm dưới sự quản lý của Quelch.

Những kinh nghiệm đầu tiên với công việc kinh doanh này khuyến khích Quelch lấy bằng MBA.

Nhưng trong những ngày u ám của thập niên 70, một sinh viên thể hiện sự hứng thú của mình đối với công tác quản lý là chẳng hợp thời chút nào. Thực tế, mãi 24 năm sau Oxford mới mở trường kinh doanh.

Vì thế ông chuyển tới Mỹ, đầu tiên tới Wharton rồi sau đó tới Trường Kinh doanh Havard. Phần lớn sự nghiệp của ông là dành cho Havard và ông cũng trở thành một giáo sự nổi tiếng về marketing ở đây.

Quelch cũng làm hiệu trưởng Trường Kinh doanh London trong một thời gian ngắn.

Nay ông sắp chuyển tới Trung Quốc. Cuối tháng 1/2011, ông sẽ trở thành hiệu trưởng Trường kinh doanh quốc tế Trung Quốc – Châu Âu (CEIBS) tại Thượng Hải. Đây có lẽ là trường kinh doanh tốt nhất ở Trung Quốc đại lục.

Ngành giáo dục ở Trung Quốc xôn xao khi CEIBS có thể mời được một người tầm cỡ như Quelch.

Tuy vậy, ông khó thể được hưởng nhiều quyền tự chủ như hồi còn ở Havard. Toàn ngành giáo dục ở Trung Quốc đều bị giám sát chặt chẽ.

CEIBS thành lập năm 1994 dưới sự hỗ trợ của Ủy ban Châu Âu là ngôi trường tự do bậc nhất ở nước này. Nhưng dù sao thì cũng cần một đối tác từ phía nhà nước, ĐH Jiao Tong Thượng Hải.

Tại CEIBS, GS Quelch cũng có một đồng hiệu trưởng người Trung Quốc.

Công tác đào tạo về kinh doanh ở Trung Quốc vẫn còn ở giai đoạn phôi thai, nhưng thị trường này đang tăng trưởng nhanh chóng. Nhu cầu cực kỳ ghê gớm.

May Haiyong từ ĐH Khoa học công nghệ Changchun nói có hơn 30.000 sinh viên theo học 184 chương trình MBA được cấp phép.

Tuy vậy, chất lượng đào tạo không được cao. Chỉ khoảng năm chương trình đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế. Nhều sinh viên vẫn thích đi du học nếu có thể, vì họ tin rằng bằng MBA tại Mỹ, Hong Kong hay Singapore có nhiều giá trị hơn.

CEIBS là một trong số ít các cơ sở đào tạo tại Trung Quốc muốn cạnh tranh với các trường hàng đầu thế giới. Chương trình MBA của ngôi trường này đã thu hút nhiều sinh viên và giảng viên quốc tế.

Không giống như một số trường kinh doanh khác tại Trung Quốc, CEIBS đào tạo sinh viên để sau này công tác tại các công ty đa quốc gia chứ không phải các công ty nhà nước.

Người ta thường nói đùa rằng Hoa Kỳ do giới luật sư lãnh đạo, còn ở Trung Quốc, giới kỹ sư nắm quyền. GS Quelch cho rằng tư duy này cũng tồn tại cả trong công tác đào tạo về kinh doanh.

Rất nhiều học giả Trung Quốc nghiên cứu các môn định lượng như tài chính và kinh tế, ông nói, và sinh viên Trung Quốc cũng thường chuyên về mảng này hơn.

Vì thế các trường đại học ở Trung Quốc vẫn phải dựa vào giảng viên từ phương Tây như GS Quelch trong các môn định tính như nguồn nhân lực, marketing hay kỹ năng lãnh đạo.

Giáo sư trong các môn này thích sử dụng phương pháp “case study” (nghiên cứu tình hướng), nhưng một số sinh viên Trung Quốc cảm thấy không thoải mái với những buổi tranh luận nóng bỏng trong lớp học.

CEIBS cũng sử dụng các case study nên GS Quelch sẽ hài lòng vì ông đã tổng kết rất nhiều tình huống như vậy và cho đến nay đã bán được 3,4 triệu cuốn sách với chủ đề này.

Ở bên ngoài lớp học, giới doanh nhân Trung Quốc vẫn chậm áp dụng các kỹ năng quản lý “mềm”.

GS Quelch cho rằng hậu quả là thiếu hụt nghiêm trọng các nhà quản lý có thể hoạt động trong môi trường quốc tế. Khi các công ty Trung Quốc mở rộng ra khắp thế giới, chắc chắn sẽ cần ngày càng nhiều những con người như thế.

Năm ngoái CEIBS đào tạo được 740 sinh viên từ khóa học MBA “dành cho doanh nhân”, nhiều nhất trên thế giới. Nhưng con số này vẫn có thể tăng lên thêm nhiều nữa.

GS Quelch hy vọng sẽ truyền bá được phong tục cựu sinh viên hiến tặng tiền cho trường cũ như ở Hoa Kỳ. Đây có thể là một chuyện khá tế nhị.

Những người hiến tặng ở Trung Quốc có thể hy vọng sẽ được ưu đãi một điều gì đó, ví dụ như con cái họ dù học hành thế nào vẫn được nhận vào trường chẳng hạn. (Nhiều người Mỹ hiến tặng cũng là vì điều này).

GS Quelch ắt sẽ có một thời gian thú vị ở Trung Quốc.

Minh Tuấn
Theo Economist


ngocdiep

Trở lên trên