MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chiến lược kinh tế 2016 của Trung Quốc sẽ là gì?

23-12-2015 - 15:10 PM | Tài chính quốc tế

Cuộc họp quan trọng cuối cùng của năm 2015 của các nhà lãnh đạo Trung Quốc vừa kết thúc vào cuối ngày thứ Hai 21/12/2015 đã vạch ra những chiến lược phát triển kinh tế chủ đạo của nước này trong năm 2016.

Theo đó, Hội nghị kinh tế trung ương Trung Quốc nhấn mạnh vào việc tăng cường chính sách tài khóa như một đòn bẩy chủ đạo để cơ cấu nền kinh tế và kích thích tăng trưởng. Trọng tâm về tăng cường đầu tư được nhấn mạnh đến mức, Bắc Kinh sẵn sàng chấp nhận tăng mức thâm hụt ngân sách để thực hiện chiến lược cơ cấu kinh tế dựa trên con át chủ bài là đầu tư này. Chỉ có điều, chiến lược ấy của Trung Quốc đang có quá nhiều nghịch lý.

Theo đó, Tân Hoa Xã dẫn lời một số nhà lãnh đạo Trung Quốc sau khi hội nghị kinh tế trung ương kết thúc, rằng trong năm 2016 Trung Quốc tăng cường hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, thậm chí chấp nhận tăng mức thâm hụt ngân sách để cơ cấu lại nền kinh tế. Chủ yếu trong đó là kích thích để phá băng thị trường nhà đất, và tăng cường đầu tư để kích thích tăng trưởng kinh tế. Theo đó, mục tiêu cụ thể mà Trung Quốc cần đạt được theo chủ tịch Tập Cận Bình yêu cầu là nước này phải duy trì được tốc độ tăng trưởng trung bình 6,5% mỗi năm kể từ nay đến năm 2020.

Bằng việc phá băng thị trường nhà đất và thúc đẩy đầu tư công, Trung Quốc hy vọng thị trường nội địa sẽ tăng trưởng theo hướng tiêu dùng mà chính phủ nước này mong muốn. Song song với động thái đó là tăng cường đầu tư ra nước ngoài. Thủ tướng Lý Khắc Cường tuyên bố vào cuối tháng 11 sau khi IMF chính thức xếp nhân dân tệ vào giỏ tiền quốc tế, rằng Trung Quốc sẽ chi 1000 tỷ USD đầu tư ra nước ngoài trong 5 năm tới. Chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế dựa trên tiêu dùng nội địa và đầu tư ra thị trường nước ngoài là chiến lược mà chính phủ Trung Quốc đang hướng tới để thay thế cho mô hình tăng trưởng trước đó là dựa trên xuất khẩu.

Xu hướng này bắt đầu được khởi động vào giai đoạn quý 4 năm 2015, khi chính phủ Trung Quốc tăng gấp đôi chi tiêu công vào tháng 11 so với mức thu ngân sách. Chi tiêu công của Bắc Kinh vào tháng 11 đạt 1,61 ngàn tỷ nhân dân tệ (tăng 25,9% so với cùng kỳ năm 2014), trong khi thu ngân sách chỉ đạt 1,11 ngàn tỷ nhân dân tệ (tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2014). Nói cách khác, chính phủ Trung Quốc đang chấp nhận mức thâm hụt ngân sách ngày càng tăng để đặt cược cho chiến lược tăng trưởng kinh tế mới.

Tuy nhiên, chiến lược mới này mà vấn đề chủ đạo trong đó là đầu tư ra nước ngoài của Bắc Kinh đang bị đặt khá nhiều dấu hỏi. Thứ nhất, đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc dù đạt quy mô tương đối lớn (khoảng hơn 560 tỷ USD trong 10 năm qua), nhưng số lĩnh vực đầu tư thì hết sức hạn chế. Chủ yếu chỉ tập trung vào các lĩnh vực xây dựng, năng lượng và khai khoáng. Thứ hai, một phần lớn trong số đó là nhằm mục đích đảm bảo nguyên vật liệt và năng lượng cho quá trình phát triển kinh tế của Trung Quốc hơn là vì mục đích tìm kiếm lợi nhuận.

Theo thống kê có khoảng trên 70% các dự án ở nước ngoài của Trung Quốc là không có lợi nhuận. Và khi mà kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại và nhu cầu nguyên vật liệu và năng lượng đã không còn nhiều như trước, thì các dự án đầu tư này bắt buộc phải thoái vốn và chấp nhận chịu lỗ.

Không giống như nhóm các dự án đầu tư ra nước ngoài trước năm 2015, khi Trung Quốc chưa quyết định đổi mới mô hình tăng trưởng và thay đổi cách thức đầu tư ra nước ngoài, nhưng các dự án đầu tư kể từ năm 2015 của Trung Quốc cũng đang đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng. Họ thiếu các tập đoàn đủ sức cạnh tranh ở nước ngoài.

Các tập đoàn lớn nhất Trung Quốc hiện nay hầu hết là các tập đoàn trong lĩnh vực xây dựng và khai khoáng, trong khi chính phủ nước này lại muốn tăng cường đầu tư ở các lĩnh vực công nghệ và tài chính như các nước phát triển đang làm. Ngoại trừ một số tập đoàn điện tử viễn thông như Huawei, Trung Quốc gần như không có các tập đoàn đủ sức cạnh tranh trong các lĩnh vực công nghệ và tài chính ở nước ngoài. Trung Quốc không có những Sony, Toyota hay Honda như Nhật; cũng không có những Samsung hay Hyundai như Hàn Quốc.

Điều này dẫn tới việc Trung Quốc đang hướng tới chiến lược mua lại các công ty nước ngoài để bù đắp điểm yếu đó. Các công ty lọt vào tầm ngắm của Trung Quốc đang là các công ty nước ngoài ăn nên làm ra ngay tại thị trường quốc nội, và bằng cách thâu tóm các công ty này Trung Quốc sẽ tiếp quản thị phần ngay tại thị trường nội địa của các quốc gia đó. Các lĩnh vực được Trung Quốc ưa thích là các ngành công nghệ cao, tài chính, y tế.

Mức vốn mà Trung Quốc bỏ ra để thâu tóm các công ty nước ngoài này đang tăng lên đáng kể trong những năm gần đây, chỉ ở riêng Hàn Quốc mức đầu tư của Trung Quốc trong việc thâu tóm các công ty của nước này trong năm 2015 đã tăng 119% so với năm 2014, đạt mức 1,9 tỷ USD. Hầu hết các lĩnh vực được Trung Quốc quan tâm là bảo hiểm, y tế, công nghệ và mỹ phẩm, vốn là các lĩnh vực then chốt trong đề án phát triển các ngành công nghiệp không khói mà chính phủ Hàn Quốc bắt đầu phát triển từ 20 năm trước.

Điều tương tự cũng đang diễn ra ở Singapore, Nhật Bản, Mỹ và các nước châu Âu. Mức chi mà Trung Quốc bỏ ra để thâu tóm các doanh nghiệp ở nước ngoài trong năm 2015 đã tăng 83% so với năm 2014. Từ các tập đoàn danh tiếng như hãng lốp Pirelli danh tiếng của Ý cho đến hãng chip Western Digital của Mỹ.

Tổng cộng số tiền mà Trung Quốc bỏ ra để mua bán, sáp nhập, thâu tóm các doanh nghiệp trên thế giới trong những năm qua đã lên tới khoảng 500 tỷ USD. Trong đó 2 mục đích chủ đạo mà Trung Quốc hướng đến là: các công ty đang ăn nên làm ra ở thị trường nội địa và trên thế giới, và các công ty này đang sở hữu những công nghệ đáng giá.

Việc các công ty nước ngoài đang ăn nên làm ra ở thị trường nội địa và thế giới sẽ đảm bảo lợi nhuận về tài chính cho các ông chủ Trung Quốc, cũng tương đương với việc các tập đoàn Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài. Còn việc các công ty này đang sở hữu những công nghệ đáng giá là để các ông chủ Trung Quốc đưa về thị trường trong nước, để rút ngắn khoảng cách về công nghệ và khoa học với các nước trên thế giới.

Đây có thể được xem là một chiến lược khôn khéo để bù đắp việc các tập đoàn Trung Quốc không thể cạnh tranh ở nước ngoài, nhưng nó cũng tiềm ẩn những rủi ro rất lớn.

Thứ nhất, các tập đoàn quốc nội Trung Quốc không thể cạnh tranh ở nước ngoài sẽ buộc phải tiết giảm quy mô khi phạm vi hoạt động chủ yếu là ở trong nước, nó sẽ dẫn đến tăng tỷ lệ thất nghiệp cũng như hàng loạt các hệ lụy khác.

Vì suy cho cùng, một tập đoàn Trung Quốc với nhân lực là người Trung Quốc ra đầu tư ở nước ngoài vẫn khác với việc một tập đoàn có ông chủ là người Trung Quốc nhưng nhân lực lại là người nước ngoài. Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch chuyển mô hình kinh tế sang tiêu dùng nội địa của Bắc Kinh, thậm chí thị trường nội địa cũng nước này cũng sẽ gặp những xáo trộn lớn, thu nhập giảm có thể dẫn tới giảm tổng cầu.

Thứ hai, kinh tế Trung Quốc sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào các tập đoàn hoạt động ở nước ngoài mà chỉ có ông chủ là người Trung Quốc. Nó đồng nghĩa với việc kinh tế Trung Quốc sẽ chịu ảnh hưởng từ các biến động kinh tế thế giới nhiều hơn.

 

Theo Nhàn Đàm

Một thế giới

Trở lên trên