MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chiến tranh tiền tệ phiên bản 2010

03-10-2010 - 08:45 AM | Tài chính quốc tế

Mỹ tấn công Trung Quốc bằng lạm phát, Trung Quốc phản đòn bằng cách đẩy giảm phát sang Mỹ. Brazil thiệt hại nặng nề nhất.

“Chúng ta đang ở giữa một cuộc chiến tranh tiền tệ quốc tế, ai cũng muốn phá giá đồng tiền. Chúng tôi bị đe dọa vì hàng hóa mất sức cạnh tranh.” - Hoàn toàn có thể hiểu được lời than thở ấy của Bộ trưởng Tài chính Brazil Guido Mantega.

Giữa thời thiếu hụt sức cầu, các quốc gia sở hữu đồng tiền dự trữ thực hiện chính sách tiền tệ mở rộng còn nước nào không có đồng tiền dự trữ phản ứng bằng cách can thiệp vào tỷ giá. Những nước không có đồng tiền dự trữ nhưng không thích can thiệp tỷ giá như Brazil thấy đồng tiền nước mình tăng giá mạnh. Họ lo sợ hậu quả của nó.


Đây không phải lần đầu những cuộc xung đột về tỷ giá diễn ra. Tháng 09/1985, chính phủ các nước Pháp, Tây Đức, Nhật Bản, Mỹ và Anh họp tại Khách sạn Plaza, New York và đồng thuận phá giá đồng USD.

Trước đó vào tháng 08/1971, TT Mỹ Richard Nixon thi hành “liệu pháp sốc Nixon” áp thêm 10% thuế đối với hàng nhập khẩu và chấm dứt việc đổi USD ra vàng.

Cả hai sự kiện ấy đều phản ánh mong muốn hạ giá đồng USD của người Mỹ. Ngày nay họ cũng muốn điều tương tự.

Nhưng tình hình đã khác. Trung tâm của sự chú ý không còn là một đồng minh dễ bảo như Nhật Bản mà là siêu cường tiếp theo của thế giới: Trung Quốc. Mà thường trâu bò đánh nhau, ruồi muỗi lại chết (!).

Có ba điều liên quan tới cuộc chiến tranh tiền tệ hiện nay:

Thứ nhất, do hậu quả của khủng hoảng, các nước phát triển phải chịu thiếu hụt sức cầu trong thời gian dài.

Quý II này chưa nền kinh tế nào trong số 6 nước có thu nhập cao là Mỹ, Nhật, Đức, Pháp, Anh và Italy phục hồi được GDP trở về mức của quý I/2008. Các nền kinh tế trên đang hoạt động dưới mức GDP tiềm năng 10%.

Một chỉ báo của việc dư cung là lạm phát lõi giảm xuống gần 1% ở Mỹ và khu vực sử dụng đồng tiền chung Châu Âu (eurozone). Những nước này trông chờ vào tăng trưởng nhờ xuất khẩu.

Điều này đúng cả với những nước thâm hụt thương mại (như Mỹ) và các nước có thặng dư (như Đức và Nhật). Tuy vậy, nói chung chuyện đó chỉ có thể diễn ra nếu các nền kinh tế mới nổi chuyển sang thâm hụt tài khoản vãng lai.

Thứ hai, khu vực tư nhân đang tự động điều chỉnh để hướng tới điều này. Theo dự báo từ tháng 4 của Viện Tài chính quốc tế tại Washingto cho thấy dòng vốn ròng chảy vào các nước mới nổi của khu vực tư nhân năm nay sẽ là 746 tỷ USD (xem đồ thị).


Con số này được bù đắp một phần nhờ dòng vốn ròng 566 tỷ USD của khu vực tư nhân chảy ra khỏi các nước này.

Tuy nhiên, với thặng dư tài khoản vãng lai 320 tỷ USD và dòng vốn vào của khu vực chính thức, cán cân thanh toán của các nước mới nổi sẽ thặng dư 535 tỷ USD nếu không có can thiệp từ phía nhà nước.

Nhưng nếu không có can thiệp từ phía nhà nước, điều này không thể xảy ra: tài khoản vãng lai phải cân đối với dòng vốn ròng. Sự điều chỉnh diễn ra thông qua việc tỷ giá tăng.

Cuối cùng, tài khoản vãng lai của các nước mới nổi chịu thâm hụt và được tài trợ bởi dòng vốn vào ròng của khu vực tư nhân các nước thu nhập cao. Thực tế, đây chính là điều người ta mong muốn.

Thứ ba, sự điều chỉnh tự nhiên này tiếp tục bị cản trở bởi các kho dự trữ ngoại hối. Các kho dự trữ này thể hiện dòng vốn chảy ra của khu vực nhà nước (xem đồ thị).


Từ tháng 1/1999 tới tháng 7/2008, tổng dự trữ ngoại hối của thế giới tăng từ 1.615 tỷ USD lên 7.534 tỷ USD, tức gần 5.918 tỷ USD. Có người cho rằng mức tăng này là một biện pháp tự bảo hiểm sau cuộc khủng hoảng trước đó.

Thực tế, dự trữ cũng được sử dụng trong cuộc khủng hoảng lần này: từ tháng 7/2008 tới tháng 2/2009, dự trữ ngoại hối đã giảm 472 tỷ USD. Không nghi ngờ gì nữa, nó đã giúp các nước không có dự trữ ngoại hối hạn chế tác động của khủng hoảng.

Nhưng chỉ có 6% kho dự trữ tiền khủng hoảng được sử dụng tới. Hơn nữa, từ tháng 2/2009 tới tháng 5/2010, dự trữ ngoại hối đã tăng thêm 1.324 tỷ USD tới con số gần 8.385 tỷ USD.

Trung Quốc là nước can thiệp nhiều nhất vào tỷ giá. Kể từ tháng 2/2009, 40% số dự trữ ngoại hối tăng thêm là của nước này. Cho đến tháng 10/2010, họ đã dự trữ 2.450 tỷ USD, tức bằng 30% dự trữ toàn cầu và 50% GDP của chính mình. Kho dự trữ ấy phải được coi là một khoản trợ cấp xuất khẩu khổng lồ.

Trong lịch sử loài người chưa bao giờ chính phủ của một siêu cường lại cho một siêu cường khác vay nhiều đến thế.

Một số người như Komal Sri-Kumar từ Trust Company of the West cho rằng ngược với quan điểm của Quốc hội Mỹ, điều hành tỷ giá không phải là thao túng vì sự điều chỉnh có thể diễn ra qua “thay đổi giá và chi phí nội địa”.

Lập luận này sẽ thuyết phục hơn nếu Trung Quốc không nỗ lực hết mình và đã thành công trong việc ngăn ngừa các tác động tới tiền tệ và lạm phát trong quá trình can thiệp tỷ giá của mình.

Cùng lúc đó, phần thâm hụt tài khoản vãng lai không thể tránh khỏi của khu vực thị trường mới nổi bị đẩy sang các nước vừa thu hút dòng vốn vào vừa không muốn hoặc không thể can thiệp đủ mạnh vào thị trường ngoại hối.

Tội nghiệp Brazil! Liệu chúng ta có đang chứng kiến những bước khởi đầu cho một cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo tại các nước mới nổi?

Bộ trưởng Tài chính Mỹ thời Nixon John Connally từng nói với Châu Âu một câu nổi tiếng rằng USD là “Đồng tiền của chúng tôi, nhưng là vấn đề của các ông”.

Không có điều chỉnh tỷ giá nên chúng ta đang chứng kiến một cuộc chiến tiền tệ: thực tế, Mỹ đang muốn thổi bùng lên lạm phát ở Trung Quốc còn Trung Quốc muốn Mỹ phải chịu giảm phát. Cả hai phía đều tin rằng minh đúng; cả hai đều chưa thành công; còn cả thế giới đang lãnh hậu quả.

Không khó để nhận ra quan điểm của Trung Quốc: họ đang cố hết sức tránh cái mà họ cho là số phận hẩm hiu của Nhật Bản sau hiệp định Plaza.

Trước việc sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu bị tổn hại do đồng tiền tăng giá mạnh và áp lực từ phía Mỹ yêu cầu giảm thặng dư tài khoản vãng lai, thay vì cải cách cơ cấu kinh tế, Nhật Bản chọn mở rộng cung tiền.

Bong bóng kinh tế sau đó góp phần tạo ra “thập kỷ mất mát” 1990 của nước này. Một thời từng ở đỉnh cao thế giới, Nhật Bản rơi vào suy thoái. Với Trung Quốc, bất kỳ kịch bản nào như thế sẽ đều là thảm họa. Cùng lúc đó, nếu không có dòng vốn ròng chảy mạnh từ các nước có thu nhập cao tới các nước khác, nền kinh tế thế giới không thể có nhiều đổi thay.

Dù vậy khó mà tưởng tượng được điều đó sẽ diễn ra một cách bền vững nếu nền kinh tế mới nổi lớn và thành công nhất thế giới đồng thời cũng là nhà xuất khẩu vốn mạnh nhất thế giới.

Điều cần thiết bây giờ là một lộ trình điều chỉnh cho toàn thế giới. Yêu cầu không chỉ là một tinh thần hợp tác có vẻ như hiện đang rất thiếu mà còn cả những cải cách cả trong nước lẫn trên trường quốc tế.

Tôi rất muốn lạc quan nhưng không thể: một thế giới cùng áp dụng chính sách “ăn xin hàng xóm” khó có thể có một kết cục tốt đẹp.

Minh Tuấn
Theo FT

ngocdiep

Trở lên trên