MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chứng khoán Trung Quốc gặp may nhờ... thế chiến?

28-08-2015 - 22:36 PM | Tài chính quốc tế

Trung Quốc có thể đã tìm cách để thị trường không giảm điểm trong dịp kỷ niệm kết thúc thế chiến thứ hai...

Trung Quốc từng có một quyết định được hoan nghênh là đóng cửa nhà máy và cấm ôtô ra đường để đảm bảo một bầu không khí trong lành cho sự kiện Thế vận hội diễn ra ở Bắc Kinh, năm 2008.

Tuy vậy, thông tin nước này cố gắng cứu chứng khoán để thị trường không giảm điểm trong dịp kỷ niệm kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai sắp tới, có vẻ lại không được đánh giá cao như vậy.

Hôm qua, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã tăng điểm mạnh trở lại, chấm dứt chuỗi 5 phiên giảm điểm chóng mặt khiến thị trường tài chính toàn cầu chao đảo theo trước đó.

Theo một số nguồn tin thân cận của hãng tin Bloomberg, sự phục hồi này có được một phần là nhờ động thái can thiệp của Chính phủ Trung Quốc.

Nguồn tin nói, Chính phủ Trung Quốc muốn ổn định thị trường chứng khoán trước khi diễn ra lễ diễu binh lớn ở thủ đô Bắc Kinh kỷ niệm 70 năm ngày nước này chiến thắng phát xít Nhật trong chiến tranh thế giới thứ hai.

Buổi lễ dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 3/9 với sự tham dự của nhiều nhà lãnh đạo các quốc gia trên thế giới.

Động thái can thiệp là biện pháp mới nhất để đảm bảo không một điều gì có thể ảnh hưởng xấu tới cuộc diễu binh - một sự kiện mà Bắc Kinh coi là dịp để thể hiện sức mạnh quân sự và chính trị đang lên của mình.

Song theo nhà bình luận Justin Fox của Bloomberg, một thông điệp cũng có thể nhận thấy từ động thái trên là: hãy bán cổ phiếu, trước khi thị trường có thể sụt giảm trở lại vào ngày 4/9.

Một thông điệp nữa là Chính phủ Trung Quốc sẽ còn tiếp tục dò dẫm khi phản ứng trước sự lao dốc của chứng khoán và giảm tốc tăng trưởng.

Thứ Tư tuần này, chuyên gia về Trung Quốc Nicholas R. Lardy có một bài bình luận trên tờ New York Times, cho rằng nỗi lo về sự sụt giảm của chứng khoán Trung Quốc đã bị thổi phồng, bởi thị trường chứng khoán không có nhiều liên hệ với nền kinh tế thực của Trung Quốc, về nền kinh tế thực của nước này vẫn đang tăng trưởng.

Có thể Lardy đúng, nhưng nhà bình luận Fox của Bloomberg cho rằng, chính phản ứng lúng túng của Chính phủ Trung Quốc trước sự tăng giảm của thị trường chứng khoán nước này trong năm nay mới là điều đáng lo ngại.

Cách phản ứng của Bắc Kinh khiến giới quan sát có ấn tượng rằng đang có một điều gì đó tồi tệ hơn những gì người ta tưởng, nhưng các nhà lãnh đạo Trung Quốc không thực sự biết rõ về điều đó.

Fox cũng thích thú với một câu nói của một sếp công nghệ Ấn Độ về tình hình Trung Quốc hiện nay.

“Trung Quốc hắt hơi, và chúng ta không biết họ bị dị ứng, nhiễm virus hay điều gì nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, bệnh nhân này cũng rất bí hiểm, nên chúng ta không thể biết gì về bệnh sử của họ”, ông Rostow Ravanan, Giám đốc điều hành Mindtree, một công ty dịch vụ IT tầm trung ở Ấn Độ, nói.

Theo An Huy

Vneconomy

Trở lên trên