MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Công xưởng” thế giới dịch chuyển sang ASEAN

23-02-2013 - 08:23 AM | Tài chính quốc tế

Mức lương tối thiểu tại Trung Quốc tăng lên cùng với căng thẳng quan hệ Trung-Nhật và những thiệt hại do hàng giả hàng nhái tràn lan khiến các công ty nước ngoài dời nhà máy khỏi Trung Quốc.

Đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc giảm

Theo số liệu của Bộ Thương mại Trung Quốc đưa ra ngày 20-2, đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) vào Trung Quốc trong tháng 1-2013 giảm 7,3% so với cùng kỳ năm 2012. Lĩnh vực sản xuất, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong FDI của Trung Quốc thu hút được 4,43 tỷ USD trong tháng 1-2013, giảm 5,8% so với cùng kỳ. Đặc biệt, FDI trong lĩnh vực dịch vụ giảm 9,8%, còn 4,03 tỷ USD vào tháng 1-2013, trong khi vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản giảm 14%.

Các dòng vốn FDI từ các nước ASEAN vào Trung Quốc vào tháng 1-2013 giảm 9%, còn 7,82 tỷ USD. Các dòng FDI từ Mỹ và Nhật Bản vào Trung Quốc giảm 20%, lần lượt còn 270 triệu USD và 640 triệu USD, tương ứng, FDI từ Hồng Kông giảm 10,2% còn 5,71 tỷ USD. Chỉ có FDI của EU vào Trung Quốc trong tháng 1-2013 đạt 820 triệu USD, tăng 81,8% so với năm trước.

Ngoài một mối quan hệ căng thẳng với Bắc Kinh, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản cho biết chi phí lao động tại Trung Quốc đã tăng mạnh hơn các nước Đông Nam Á. Mức lương tối thiểu ở Thâm Quyến đang đứng ở mức 1.500 nhân dân tệ (238 USD)/tháng, đây là mức tiêu chuẩn cho toàn bộ Trung Quốc đại lục. 

Bên cạnh đó, chính sách mới của Trung Quốc về thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, đặc biệt theo kế hoạch 5 năm lần thứ 12 (2011-2015), Trung Quốc kêu gọi các nhà xuất khẩu sản xuất hàng cao cấp hơn, cũng khiến một số ngành công nghiệp gia công rút khỏi Trung Quốc. Không chỉ vậy, nạn hàng giả hàng nhái các thương hiệu lớn có nhà máy tại Trung Quốc đang làm thiệt hại cho các nhà đầu tư nước ngoài. 

Một doanh nghiệp Nhật Bản giấu tên nói với báo China Daily rằng gần 1/3 các nhà sản xuất dệt may, giày dép và nón tại Trung Quốc đã chuyển một phần hoặc tất cả nhà máy ra bên ngoài Trung Quốc. Điểm đến ưa thích thường là ASEAN, đặc biệt là Việt Nam, Indonesia và Malaysia. Liang Shiyu, giám đốc của cơ quan hành chính tại Phòng Thương mại Trung Quốc phụ trách nhập khẩu và xuất khẩu hàng dệt may, xác nhận rằng một loạt các nhà sản xuất đã di chuyển một phần hoặc tất cả ra nước ngoài. 

Ngay cả nhiều doanh nghiệp Trung Quốc cũng đang dời nhà máy tới Đông Nam Á. Ông Xiao Yujing, tổng giám đốc của Công ty TNHH Trung Sơn Liancheng, phàn nàn rằng ngày càng khó khăn cho công ty tìm khách hàng vì người tiêu dùng Trung Quốc cũng đang chú ý hơn đến hàng hóa từ các nhà sản xuất ở Đông Nam Á. 

Điều này đã buộc ông lên kế hoạch di dời một phần kế hoạch kinh doanh của mình sang Đông Nam Á. “Chúng tôi sẽ cố gắng đến Campuchia, nơi có chi phí lao động chỉ khoảng 1/4 những gì chúng tôi phải trả ở Trung Quốc”. Các tập đoàn đa quốc gia ở Trung Quốc cũng lên chiến lược di dời. Adidas đóng cửa nhà máy ở Tô Châu, tỉnh Giang Tô; Nike đóng cửa nhà máy sản xuất giày dép cũng có trụ sở ở Tô Châu.

Lợi thế của Đông Nam Á

Theo một cuộc khảo sát do Công ty Tư vấn tài chính Mỹ Capital Business Credit tiến hành, 40% của các công ty lớn được phỏng vấn cho biết họ có kế hoạch để di chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang các địa điểm khác ổ Đông Nam Á. 

Theo công ty Đức Bayer MaterialScience (BMS), thiếu hụt lao động và lạm phát lương ở Trung Quốc, cộng với hậu quả trong tương lai gần của chính sách một con của Trung Quốc, ASEAN sẽ trở thành động cơ mới của công nghiệp toàn cầu. Theo BMS, các quốc gia như Thái Lan có nhiều nhân công lành nghề có thể được đào tạo cho ngành lắp ráp chính xác. Ông Patrick Thomas nói: “Mọi người đều rất có kỷ luật, chi phí lao động tương đối thấp. Đó là sức thu hút xây dựng nhà máy sản xuất thiết bị điện tử”. 

Song song đó, một số quốc gia Đông Nam Á, đã mở rộng chính sách ưu đãi trong sử dụng đất và các tiện ích cho đầu tư nước ngoài, bao gồm cả từ Trung Quốc.

Cùng với dòng vốn FDI vào Trung Quốc giảm, Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới và đối tác thương mại lớn thứ 3 của Trung Quốc đã và đang tăng tốc đổ vốn vào Đông Nam Á, tìm kiếm sự tăng trưởng năng động thay thế cho Trung Quốc, nơi họ đang có căng thẳng xunh quanh tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. 

Điều đó đã được khẳng định thông qua chuyến thăm đầu tiên ra nước ngoài của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tới các nước ASEAN gồm Việt Nam, Thái Lan và Indonesia. Các bộ trưởng của ông Abe cùng lúc tới Singapore, Brunei, Philippines và Myanmar. 

Về phía ASEAN, Nhật Bản phát triển thì họ cũng hưởng lợi vì lúc đó thị trường Nhật Bản sẽ giúp tăng trưởng xuất khẩu từ ASEAN. Indonesia và Malaysia sẽ là hai nước hưởng lợi lớn nhất trong xuất khẩu của họ sang Nhật Bản vì đây là hai nước xuất khẩu nhiều hàng tiêu dùng và các mặt hàng thiết yếu vào Nhật Bản. 

Phát biểu trên báo Financial Times, ông Koichi Miyata, chủ tịch tập đoàn tài chính Nhật Bản Sumitomo Mitsui (SMFG) cho rằng khu vực Đông Nam Á có tốc độ tăng trưởng cao nên sức mua ô tô hoặc TV rất mạnh mẽ... nhưng hiện tại ở khu vực này không nhiều mô hình kinh doanh tài chính và bán lẻ phục vụ người tiêu dùng. 

Ông cho biết tập đoàn của ông sẽ thành lập liên minh với các ngân hàng địa phương để phát triển một mô hình như vậy. Đó sẽ là một sáng kiến mới quan trọng cho ngân hàng lớn thứ hai của Nhật Bản. Các ngân hàng khác của Nhật Bản cho tới nay chỉ mở rộng làm ăn quốc tế chủ yếu trong lĩnh vực tài chính doanh nghiệp, dự án tài chính và ngân hàng đầu tư nhưng chưa chú ý đến lĩnh vực tiêu dùng như SMFG. Hiện tại ở Nhật Bản, SMFG tham gia trong lĩnh vực tài chính phục vụ người tiêu dùng thông qua thẻ mua sắm-tín dụng Cedyna. 

Theo Khánh Minh
SGGP

huongnt

Trở lên trên