MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Cuộc chiến" giành “bát cơm vàng” của thanh niên Trung Quốc

30-11-2012 - 16:03 PM | Tài chính quốc tế

Con đường trở thành công chức nhà nước thực sự gian nan nhưng nhiều người Trung Quốc cho rằng đây là con đường dẫn đến sự ổn định và giàu có. Tuy nhiên, liệu thực tế có tươi đẹp đến như vậy?

Chen chân dự thi

Cùng với sự bùng nổ của nền kinh tế trong 3 thập kỷ gần đây, số lượng người trẻ tuổi Trung Quốc làm việc tại các doanh nghiệp tư nhân cũng tăng lên đáng kể. Làm việc tại khu vực tư nhân được coi là con đường kiếm tiền và thăng tiến dễ dàng. Sự quan tâm dành cho việc làm trong khu vực nhà nước cũng giảm xuống. Tuy nhiên, xu hướng này lại đang bị đảo ngược trong 10 năm trở lại đây. Những người trẻ tuổi ồ ạt nộp đơn vào các cơ quan nhà nước. 

Ngày 25/11 vừa qua, kỳ thi công chức đã diễn ra với khoảng 1,4 triệu người tham dự, cao gấp 20 lần so với cách đây 1 thập kỷ. Trong số đó, sẽ chỉ có 20.800 người được tuyển. 

Điều gì khiến các công việc này hấp dẫn đến vậy? Không thể không tính đến việc số sinh viên tốt nghiệp đại học đã tăng mạnh trong 1 thập kỷ vừa qua và khiến cuộc cạnh tranh trên thị trường lao động càng trở nên khốc liệt hơn. Năm nay, có tới 7 triệu sinh viên tốt nghiệp trong khi cách đây 1 thập kỷ con số chỉ là 1,5 triệu. 

Thêm vào đó, viên chức nhà nước cũng được hưởng rất nhiều lợi ích với nhiều loại trợ cấp: trợ cấp y tế, lương hưu và đôi khi là cả trợ cấp nhà ở. Đây là những điều rất có lợi, đặc biệt là trong 1 xã hội có hệ thống an sinh xã hội chưa phát triển đầy đủ như ở Trung Quốc. 

Đối với một số vị trí, đặc biệt là vị trí cấp cao, là đảng viên Đảng cộng sản Trung Quốc là điều kiện bắt buộc. Có được bạn bè hoặc người nhà làm ở vị trí cấp cao cũng có thể tạo nên nhiều thuận lợi. Con đường trở thành công chức nhà nước khá gian nan nhưng quan điểm cho rằng đây là con đường dẫn đến sự ổn định và giàu có vẫn chưa bao giờ tắt. Tuy nhiên, liệu thực tế có tươi đẹp đến như vậy?

Bức tranh màu xám

Zhang Minfu không đủ giàu có để có những thứ đồ đắt tiền như xe Ferrari hay “tình nhân” như những gì người ta thường nghĩ về 1 công chức nhà nước. Thậm chí, anh còn không có bạn gái. Thực tế thì anh chính là 1 ví dụ xác đáng cho những gì đang chờ đợi rất nhiều ứng viên háo hức với việc trở thành công chức nhà nước. Zhang là một người đeo kính, có khuôn mặt khá bầu bĩnh và hút loại thuốc lá bình dân. Chiếc điện thoại anh đang dùng cũng chỉ là 1 chiếc Nokia đời thấp. Anh cũng không có căn hộ riêng. 

27 tuổi, Zhang bắt đầu trở thành công chức nhà nước tại Sơn Tây –  tỉnh nằm ở phía Tây Nam của thủ đô Bắc Kinh và được cho là 1 trong những tỉnh tham nhũng nhiều nhất ở Trung Quốc.

Zhang cho biết công việc của anh kéo dài từ 8h sáng đến nửa đêm, soạn thảo những báo cáo khô khan về các vấn đề như tình hình sản xuất và kinh doanh than đá. Các báo cáo này được dùng để phục vụ cho các quan chức cấp cao hơn. 

Mức lương hàng tháng của Zhang vào khoảng 2.800 nhân dân tệ (tương đương 450 USD) -khá thấp so với mức sống ở thành thị. Chi phí thuê nhà đã chiếm tới 2/3 số lương này. Do đó, Zhang đã gặp thất bại trong các cuộc hẹn hò bởi mức lương của anh không hấp dẫn. 

Hình ảnh của Zhang đối lập với những gì người ta thường nghĩ về viên chức nhà nước với cuộc sống giàu có nhờ vào tham nhũng. Tuy nhiên, Zhang cho biết không chỉ có anh mà rất nhiều viên chức khác cũng đang làm việc ở vị trí không có chút quyền lực nào để có thể lạm dụng. Trưởng phòng của anh thậm chí còn làm việc nhiều hơn anh nhưng hàng ngày vẫn phải đi làm bằng xe máy. 

Thậm chí, một người bán mì dạo sau khi hỏi về mức lương của anh đã cho rằng anh ta thà đi bán mì còn hơn. Tuy nhiên, Zhang phản pháo rằng anh đã rất cố gắng trong các kỳ thi chỉ để không kết thúc cuộc đời như 1 người bán mì. “Đây là vấn đề thuộc về vị thế xã hội. Nếu bạn là 1 công chức nhà nước, bạn có cơ hội thăng tiến mặc dù cơ hội là rất nhỏ”, Zhang khẳng định. 

Đúng là cơ hội thăng tiến là rất nhỏ. Trong số 6,9 triệu công chức của Trung Quốc, có tới 900.000 người đang sống cuộc sống như Zhang. Khoảng 40.000 người khác làm việc trong chính quyền cấp thành phố hoặc cấp bộ. Trong khi đó, sự thăng tiến lại được quyết định dựa trên các mối quan hệ và quà tặng. Kể cả khi bằng cấp đóng vai trò quan trọng đối với quá trình thăng tiến, người ta có thể dễ dàng làm giả bằng cấp ấy. 

Có lẽ, nếu như những sinh viên vừa tốt nghiệp đại học hiểu được điều gì đang thực sự chờ đón họ sau kỳ thi công chức, họ sẽ phải cân nhắc lại lựa chọn nghề nghiệp của mình. 

Thu Hương

huongnt

Economist

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên