MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cuộc khủng hoảng tị nạn châu Âu đang tạo ra ngành công nghiệp tỷ đô

14-09-2015 - 20:50 PM | Tài chính quốc tế

Từ năm 2000 tới tháng 6/2015, người tị nạn và di cư đã trả cho bọn buôn người hơn 16 tỷ euro để đến châu Âu, theo ước tính về quy mô thị trường buôn người của The Migrants’ Files.

Từ năm 2000 tới tháng 6/2015, người tị nạn và di cư đã trả cho bọn buôn người hơn 16 tỷ euro để đến châu Âu, theo ước tính về quy mô thị trường buôn người của The Migrants’ Files.

Từ đầu năm 2015 cho tới nay, hơn 381.000 người đã cố gắng vào châu Âu bằng đường biển, vượt xa những năm trước. Chỉ tính riêng tháng 8, đã có gần 130.000 người đến Địa Trung Hải, tăng từ 33.000 người vào tháng 8/2014. Với sự gia tăng theo cấp số nhân, bọn buôn người có thể kiếm được nhiều gấp bội so với ước tính của The Migrants’ Files.

Syria là quốc gia có nhóm người di cư và tị nạn nhiều nhất, chiếm hơn một nửa tổng số người di cư, tiếp theo là Afghanistan và Cộng hoà Đông Phi.

Bọn buôn người thu nhiều người hàng nghìn euro mỗi chuyến đi tới châu Âu. Các tuyến đường buôn lậu cũng thay đổi tuỳ theo từng vùng, có thể là một hành trình dài hàng ngàn dặm để đến Địa Trung Hải. Những người di cư và tị nạn châu Phi thường băng qua các trung tâm buôn lậu ở các thành phố như Agadez (Nigeria) hay Sabha (Libya). Khi tới nơi, bọn buôn lậu sẽ dồn họ vào xe tải chạy thẳng tới bờ biển Libya.

Một trong các tuyến đường quen thuộc hơn năm nay là chạy xuyên qua các nước Balkan. Nhiều người di chuyển từ Thổ Nhĩ Kỳ để đến Hy Lạp, và xa hơn nữa là vượt qua Hungary để đến các quốc gia thân thiện như Đức và Áo.

Một người có thể mất 2.500 euro để di chuyển từ Syria tới Đức, theo Der Spiegel, nhưng giá cả cũng đa dạng phụ thuộc vào quốc tịch của họ. Một tên buôn lậu Libya nói với Guardian hồi tháng 4 rằng những di dân từ châu Phi khu vực cận Sahara phải trả dưới 1000 euro, trong khi đó những người Ma Rốc phải trả khoảng 1.500 euro.

Bọn buôn lậu thường tổ chức thành mạng lưới chứ không hoạt động độc lập. Những tổ chức buôn người tổ chức thành nhiều cấp bậc, tất cả từ kẻ môi giới và tài xế cho tới những kẻ lên lộ trình và thu giữ tiền, mỗi người phụ trách công việc riêng biệt trong nhóm. Chúng thanh toán tiền thông qua hệ thống chuyển tiền không chính thức, sử dụng các văn phòng ngân hàng và hoá đơn đặt vé, theo Der Spiegel.

Trong khi đó, di dân phải trải qua những hành trình tới châu Âu có thể hoàn toàn khác so với những gì bọn buôn người hứa hẹn. Chúng thường sử dụng những phương tiện vận tải quá tải, những tàu thuyền ọp ẹp hay nhồi nhét di dân vào những chiếc xe tải có thể nghẹt thở tới chết. Một số di dân gặp phải bọn cướp có vũ trang trên biển.

Trong khi vẫn chưa có chính sách toàn diện để giải quyết các mạng lưới buôn lậu và cuộc khủng hoảng tị nạn, các nhà lãnh đạo châu Âu đã nhận thấy ngành công nghiệp buôn người ngày càng tăng.

Năm nay, EU đã tăng cường các biện pháp chống buôn bán người, trong đó bao gồm một hoạt động mới của hải quân mùa hè này ở Địa Trung Hải. Cuộc khủng hoảng sâu sắc cho thấy tầm quan trọng của phản ứng từ châu Âu đối với nạn buôn lậu. Các quốc gia châu Âu đã chi hàng tỷ euro trong thập kỷ qua để bảo vệ biên giới, theo một chính sách không chính thức, được gọi là "pháo đài châu Âu."

Báo cáo của The Migrants’ Files cho thấy EU và các nước châu Âu đã tiêu tốn hơn 1 tỷ euro cho các trang thiết bị, tường bao quanh biên giới và các chương trình hợp tác an ninh từ năm 2000 đến năm 2014. Con số này chưa bao gồm các dự án gần đây, như hàng rào dài 109 dặm dọc biên giới Hungary.

Trong thời gian này, EU cũng công khai tài trợ 39 dự án nghiên cứu và phát triển để tăng cường an ninh biên giới, với chi phí là 230 triệu euro.

Các nước châu Âu cũng đã chi thêm 11,3 tỷ từ năm 2000 cho riêng công tác trục xuất, mặc dù The Migrants’ Files lưu ý rằng đây chỉ là ước tính, bởi vì chỉ có Bỉ lưu trữ đầy đủ các khoản chi tiêu của họ cho công tác trục xuất.

Theo các nhóm nhân quyền và các chuyên gia di cư, châu Âu đang chi tiền để chống lại ngành công nghiệp buôn người. Họ cho rằng các chính sách thắt chặt biên giới của các quốc gia châu Âu đã buộc những người tị nạn và di dân phải tìm đến những tuyến đường buôn lậu nguy hiểm.

"Các chính sách này chỉ giúp mở ra một thị trường mới hấp dẫn cho các đường dây buôn lậu, một thị trường sẽ không thể tồn tại nếu không có lệnh cấm này," François Crépeau, một chuyên gia Liên Hợp Quốc về di cư, đã tuyên bố vào tháng Sáu.

Trong khi các nước như Đức và Áo dự định chấp nhận hàng trăm ngàn người tị nạn trong năm nay, các quan chức EU và các nước khác tỏ ra ngần ngại với những ý kiến cho rằng họ phải có trách nhiệm nhân đạo chấp nhận yêu cầu tị nạn.

Các Bộ trưởng EU sẽ nhóm họp vào ngày 14 tháng 9 để thảo luận phương án giải quyết cuộc khủng hoảng, thống nhất một chính sách tị nạn giữa các quốc gia.

Jean-Claude Juncker, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, kêu gọi những cải cách sâu rộng, thiết lập các kênh pháp lý cho việc di dân và sửa đổi chính sách kiểm soát biên giới.

Theo Vũ Khắc Thành

Trí Thức Trẻ/Cafebiz

Trở lên trên