Tác giả bài viết
là Jeffrey Sachs, Giám đốc Viện Trái đất trực thuộc Đại học Columbia. Bài viết thể
hiện quan điểm của tác giả, một người chống lại các quan điểm kinh
tế của Keynes.
Kinh tế học theo Keynes dòng chính sắp hết được ăn
mừng. Gói kích thích tài khóa toàn cầu lên ngôi năm ngoái nhưng nay
đang bị dỡ bỏ dần.
Trong bối cảnh khủng hoảng nợ quốc gia lan rộng, cần
phải loại bỏ ngay lối suy nghĩ ngắn hạn để đầu tư dài hạn phục vụ
cho tăng trưởng bền vững.
Kích thích kiểu Keynes dựa trên bốn giả định mơ hồ
rằng nó cần để ngăn một cuộc đại suy thoái toàn cầu; kích thích
tài khóa ngắn hạn sẽ làm hồi sinh cả nền kinh tế; các “dự án sẵn
sàng khởi công” có thể kết hợp cả các mục tiêu ngắn hạn và dài
hạn; cuối cùng là không cần quan tâm tới việc nợ công tăng nhanh vì
không phải lúc nào cũng phải kích thích kinh tế.
Những tư tưởng ấy trở thành thánh kinh cho những
chính quan điểm chính trị ưa cắt giảm thuế và tăng chi tiêu. Thực tế,
những liên tưởng tới cuộc Đại suy thoái năm ngoái còn nhan nhản đã
quá phóng đại còn các nhà hoạch định chính sách đã quá hoảng
loạn.
Một ngân hàng trung ương khéo léo có thể và sẽ ngăn
chặn được suy thoái. Gói kích thích được thông qua vội vã là một
bước lùi về chủ nghĩa Keynes ngây thơ.
Sự thật là Mỹ, Anh, Ailen, Tây Ban Nha, Hy Lạp đã vay
mượn quá nhiều suốt một thập kỷ, vì thế tiêu dùng có giảm sau năm
2007 không phải điều dị thường gì cần tránh mà là một sự điều
chỉnh phải chấp nhận.
Về mặt xã hội, chắc chắn chi tiêu chính phủ là rất
quan trọng. Nhưng những biện pháp kích thích như cắt giảm thuế tạm
thời cho hộ gia đình hay chương trình đổi xe cũ lấy xe mới đã lãng
phí cả thời gian lẫn tiền bạc, mà cả hai hiện đều đang khan hiếm.
Chúng phản ánh một hy vọng rằng một công cụ tài
khóa tạm thời sẽ đưa nước Mỹ quay
trở về với tăng trưởng nhờ nhà đất và tiêu dùng.
Câu chuyện về tăng trưởng xanh theo đó mức giảm trong
tiêu dùng sẽ được bù đắp bởi đầu tư vào các nguồn năng lượng bền
vững mới có ý nghĩa. Dù vậy,
chúng nhanh chóng bị các nhà chính trị vốn đang nhấn mạnh tới các
dự án “sẵn sàng khởi công” bỏ qua.
Chuyển sang những nguồn năng lượng bền vững là một
nhiệm vụ sống còn nhưng lâu dài. Đó không bao giờ có thể là một kế
hoạch việc làm ngắn hạn. Có thể ở Trung Quốc mới có những dự án
“sẵn sàng khởi công” đủ quy mô, nhưng ở Mỹ thì không.
TT Barack Obama nhậm chức năm 2009 với một ngân sách
thời bình thâm hụt nặng nền nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Ông và những cố vấn của mình lờ đi vấn đề cốt lõi
của kinh tế vĩ mô hiện đại: kết quả của chính sách tài khóa không
chỉ dựa vào thuế và chi tiêu hiện nay mà còn cả những điều mà họ
kỳ vọng trong tương lai.
Tình thế của nước Mỹ
không cho phép tăng số thâm hụt “tạm thời” vốn đã khổng lồ vì
tương lai của việc cắt giảm thâm hụt vẫn còn rất u ám.
Mỹ rõ ràng vẫn chưa
đồng thuận được xem nên cân bằng ngân sách thế nào, quốc gia
này đang mắc kẹt giữa một chính quyền liên bang cung cấp dịch vụ và
đầu tư công quá ít và một dân tộc luôn nổi đóa khi nói tới chuyện
tăng thuế.
Không ai có thể xây dựng chính sách tài khóa dài
hạn nếu đã sai hướng ngay từ khi bắt đầu.
Giờ Mỹ đang đối mặt với một nền kinh tế thế giới
với tổng cầu yếu từ Mỹ và EU, thâm hụt ngân sách tăng cao, chứng
khoán nợ quốc gia bị đánh tụt hạng và người tiêu dùng không muốn vay
mượn.
Chính phủ đang cố dành lại niềm tin từ thị trường
bằng cách mạnh tay cắt giảm chi tiêu. Đây cũng là một cách tiếp cận
sai lầm.
Không nên chỉ đơn giản thắt lưng buộc bụng sau khi đã
kích thích một cách cũng quá giản đơn như năm ngoái. Sau đây là một
số đề xuất của người viết bài này.
Thứ nhất, chính phủ nên làm việc với một ngân sách
trung hạn trong 5 năm và một chiến
lược chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong một thập kỷ. Cắt giảm thâm hụt
nên bắt đầu ngay từ bây giờ để có được một tỷ lệ nợ trên GDP kiểm
soát được trước năm 2015.
Thứ hai, chính phủ nên giải thích cho công chúng biết
rằng chính sách kinh tế chẳng làm được bao nhiêu trong việc tạo ra
các công việc chất lượng cao trong ngắn hạn.
Công việc tốt phải từ giáo dục tốt, công nghệ hàng
đầu, cơ sở hạ tầng đáng tin cậy và chi tiêu hợp lý từ vốn tư nhân.
Do đó, công việc tốt phải đến từ hàng năm trời đầu tư bền
bỉ của cả nhà nước và tư nhân.
Chính phủ nên tích cực hỗ trợ cho giáo dục sau phổ thông.
Thứ ba, chính phủ phải
đảm bảo lưới an sinh xã hội: hỗ trợ thu nhập cho người nghèo,
nhu cầu y tế và giáo dục cơ bản phải được đáp ứng hoàn toàn, tăng
các chương trình dạy nghề và khuyến khích học lên cao.
Thứ tư, chính phủ nên hướng nền kinh tế tới việc
chuyển dịch cơ cấu trong dài hạn. Các quốc gia thâm hụt thương mại
như Mỹ và Anh sẽ cần phải thúc
đẩy xuất khẩu trong các năm tới còn tất cả các nước phải hỗ trợ
cho năng lượng sạch và cơ sở hạ tầng giao thông mới.
Thứ năm, chính phủ và
công chúng nên đánh thuế thật mạnh hơn vào thu nhập và tài sản
của người giàu. Quá trình tái phân phối thu nhập trong 25 năm qua đã
biến nền kinh tế Mỹ trở thành nơi phô trương của những kẻ siêu giàu.
Giới chính trị cả
tả lẫn hữu ở Mỹ và Anh xun xoe bợ
đỡ những người đã trả tiền cho chiến dịch tranh cử của họ
bằng cách cắt giảm thuế.
Nói tóm lại, Mỹ cần điều chỉnh lại kế hoạch kinh
tế vĩ mô của mình. Không có một phép lạ nào trong ngắn hạn hết mà
chỉ có nguy cơ sẽ có thêm những bong bóng mới nếu cứ đuổi theo những
ảo mộng kinh tế.
Để xây dựng lại nền kinh tế, khẩu lệnh phải là
“đầu tư” chứ không phải “kích thích”
Minh Tuấn
Theo Economist