MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại suy thoái và câu hỏi chưa có lời đáp

19-04-2014 - 16:32 PM | Tài chính quốc tế

Cho đến thời điểm ngay trước khủng hoảng 1929 (cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất mà nước Mỹ từng phải đối đầu), mọi thứ vẫn đang rất tốt đẹp.

Các cuộc khủng hoảng sẽ khiến thị trường tài chính chao đảo. Đó là điều không phải bàn cãi. Tuy nhiên, có một khía cạnh khác của khủng hoảng ít được bàn luận đến: chính khủng hoảng góp phần định hình thị trường tài chính. 5 cuộc khủng hoảng trong quá khứ sẽ cho chúng ta thấy những khía cạnh của hệ thống tài chính ngày nay bắt nguồn từ đâu. Các nhà quản lý cũng có thể học được nhiều bài học từ các sự kiện này.

Đây chính là nội dung của chùm bài viết được đăng tải trên tờ The Economist mà chúng tôi sẽ lần lượt giới thiệu tới bạn đọc.

Bài viết này nói về Đại khủng hoảng trong những năm 1930.

Cho đến thời điểm ngay trước khủng hoảng 1929 (cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất mà nước Mỹ từng phải đối đầu), mọi thứ vẫn đang rất tốt đẹp. Ngành công nghiệp xe hơi và xây dựng phát triển mạnh mẽ, giúp lương của người lao động cũng như tiêu dùng tăng trưởng. Ford sản xuất 9.000 chiếc Model T trong 1 ngày trong khi chi tiêu cho việc xây dựng các ngôi nhà mới lên tới 5 tỷ USD vào năm 1925. Mặc dù có những đợt suy giảm nhẹ trong những năm 1923 và 1926, cỗ máy kinh tế Mỹ vẫn rất khỏe mạnh.

Các ngân hàng cũng vậy. Đến năm 1929, tổng giá trị bảng cân đối kế toán của 25.000 ngân hàng Mỹ là 60 tỷ USD. Tài sản mà họ nắm giữ cũng có vẻ khỏe mạnh: chỉ 60% là các khoản nợ và tiền mặt chiếm 15%. Trong số 20% tài sản là chứng khoán, phần lớn là trái phiếu và trái phiếu kho bạc (loại tài sản siêu an toàn) chiếm đến hơn một nửa. Với các tài sản có chất lượng vượt trội, các ngân hàng có thể hoàn toàn an tâm.

Sai lầm của Fed

Tuy nhiên, những năm 1920 lại khiến Fed (thời bấy giờ còn rất non trẻ) đối mặt với 1 câu đố hóc búa: giá cổ phiếu và giá hàng hóa đang diễn biến theo chiều hướng trái ngược nhau. Các thị trường đang bùng nổ với cổ phiếu của các công ty khai thác các công nghệ mới (radio, nhôm và hàng không) đặc biệt được ưa chuộng. 

Thế nhưng, rất ít trong số này có truyền thống chi trả cổ tức, và nhà đầu tư rót tiền vào đây với hi vọng chúng sẽ tiếp tục tăng giá. Cùng lúc đó, cổ phiếu của các công ty tiêu dùng yếu thế hơn bởi chỉ số giá tiêu dùng sụt giảm. Do đó, câu đố đối với Fed là nên nâng lãi suất để hạ nhiệt thị trường hay phải hạ lãi suất để thúc đẩy nền kinh tế. Cuối cùng, các nhà quan sát thị trường chiến thắng và NHTW đã nâng lãi suất vào năm 1928. 

Đây là một sai lầm khủng khiếp. Mức tăng lãi suất từ 3,5% lên 5% là quá nhỏ để hạ nhiệt thị trường. Giá cổ phiếu vẫn liên tục tăng cho tới tận tháng 9/1929, với chỉ số Dow Jones chạm mốc cao kỷ lục 381 điểm. 

Tuy nhiên, những ngành trọng điểm của nền kinh tế Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề. Cuối mùa hè năm đó, sản lượng công nghiệp sụt giảm tới 45%. Thêm vào đó là những tin tức tồi tệ từ thị trường nước ngoài. Tháng 9, TTCK London sụp đổ khi Clarence Hatry bị bắt giữ. TTCK Mỹ xảy ra hiện tượng bán tháo. Chỉ trong 2 ngày (28 và 29/10), chỉ số Dow Jones mất 25%. Đến ngày 13/11, Dow Jones chỉ ở còn 198 điểm – giảm 45% trong 2 tháng. 


Vẫn còn những điều tồi tệ hơn ở phía trước. Làn sóng ngân hàng phá sản ập đến. Đầu năm, năm 1930, tiền bị rút ra ồ ạt khỏi các ngân hàng ở những bang nặng về phát triển nông nghiệp như Arkansas, Illinois và Missouri. Tổng cộng có 1.350 ngân hàng phá sản trong năm này. Làn sóng thứ hai diễn ra ở Chicago, Cleveland và Philadelphia trong tháng 4/1931. 

Áp lực từ bên ngoài càng khiến tình hình tồi tệ hơn. Do Anh từ bỏ chế độ bản vị vàng, tỷ giá lao dốc mạnh và khiến các nhà xuất khẩu Mỹ lao đao. Các ngân hàng Áo và Đức cũng lâm vào cơn hoảng loạn. Vì niềm tin biến mất, người Mỹ bắt đầu cất trữ tiền mặt. Chiến dịch phát động mua trái phiếu của Fed không thể giúp ích gì. 

Cơn bão ập đến

Tháng 2/1933, khủng hoảng trở nên rõ ràng hơn. Lần này, nhiều ngân hàng trên cả khắp nước Mỹ phải tạm thời đóng cửa. Theo lẽ tự nhiên, các ngân hàng quay sang cầu cứu Fed. Tuy nhiên, điều không ngờ đến đã xảy ra. Ngày 4/3, Fed đã làm điều mà nó được lập ra để ngăn chặn. Fed từ chối cho vay và đóng sập cánh cửa trước mặt các ngân hàng. Nhiệm vụ là người cho vay của Fed đã thất bại. 

Kỳ nghỉ khẩn cấp kéo dài trong 1 tuần được áp dụng trên toàn liên bang và đó là tuần lễ đen tối nhất trong thời kỳ tối tăm nhất của ngành tài chính Mỹ. Các nhà quản lý kiểm tra sổ sách của các ngân hàng và hơn 2.000 ngân hàng đóng cửa trong tuần lễ này đã không bao giờ trở lại. 

Sau cơn bão này, mọi thứ bắt đầu cải thiện. Gần 11.000 ngân hàng phá sản từ năm 1929 đến 1933, và lượng cung tiền giảm hơn 30%. Tỷ lệ thất nghiệp vốn chỉ ở mức 3,2% trong thời kỳ trước khủng hoảng giờ đây tăng lên hơn 25%. Chỉ số Dow Jones mất 25 năm để lấy lại số điểm đã mất. 

Rõ ràng là cải cách cần được đưa ra. Gỡ bỏ rủi ro khỏi hệ thống là bước đầu tiên. Trong ngắn hạn, bước này được thực hiện thông qua việc bơm vốn. 1 tỷ USD được bơm vào hơn 6.000 ngân hàng còn sống sót trong số 14.000 ngân hàng trước đó. Những rủi ro trong tương lai được kiểm soát bằng luật lệ mới. Đạo luật Glass-Steagall ra đời nhằm tách bạch các hoạt động của ngân hàng khỏi TTCK và Fed có thêm quyền lực để kiểm soát các ngân hàng. 

Một cơ quan mới được thành lập để đối phó với hiện tượng rút tiền ồ ạt: Cơ quan bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC). FDIC được thành lập ngày 1/1/1934. Bằng cách bảo vệ 2.500 USD tiền gửi của mỗi khách hàng, cơ quan này có nhiệm vụ giảm thiểu chi phí nếu ngân hàng phá sản. Hạn chế lỗ của người gửi tiền sẽ bảo vệ thu nhập, nguồn cung tiền và sức mua của nền kinh tế. Và, bởi vì người gửi tiền có thể tin tưởng vào FDIC, họ sẽ không xếp hàng rút tiền nếu có vấn đề phát sinh. 

FDIC đã hoạt động hiệu quả. Các ngân hàng nhanh chóng bắt đầu quảng cáo họ được bảo hiểm bởi FDIC, và khách hàng dần lấy lại niềm tin. Trong suốt 70 năm, cụm từ “bank run” chỉ là chuyện của quá khứ. 

Tuy nhiên, đây chưa phải là tất cả những gì Hamilton mong muốn. Ông muốn một hệ thống tài chính giúp chính phủ trở nên ổn định hơn, các ngân hàng và thị trường hỗ trợ nợ công sẽ được phép chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và quân sự với mức lãi suất thấp. Đến năm 1934, một hệ thống hoàn toàn trái ngược ra đời: đảm bảo hệ thống tài chính ổn định là công việc của nhà nước chứ không phải ngược lại. Bằng cách chuyển rủi ro cho người nộp thuế, sự tiến hóa của ngành tài chính đã tạo nên cơ chế bao cấp trong chính “trái tim” của chủ nghĩa tư bản. 

Cải cách hệ thống tài chính

Số phận của các ngân hàng lớn nhất Mỹ và Anh trong cuộc khủng hoảng 2008 cho thấy cái giả phải trả của xu hướng trợ cấp. Năm 2008, Citigroup và RBS là những gã khổng lồ với tổng tài sản lên đến gần 6.000 tỷ USD, cao hơn tổng GDP của 150 nền kinh tế nhỏ nhất thế giới. Trong khi đó, đệm vốn của các ngân hàng này rất nhỏ. Khi các ngân hàng này gặp rắc rối, gói cứu trợ mà chính phủ đưa ra lên tới hơn 100 tỷ USD. Chi phí cho cả cuộc khủng hoảng còn lớn hơn rất nhiều khi tình trạng nền kinh tế trì trệ, nợ và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao có thể còn kéo dài trong nhiều thập kỷ nữa ở một số nước. 

Tuy nhiên, các gói cứu trợ không phải là sai lầm. Để cho những ngân hàng ở tầm cỡ này sụp đổ còn gây nên hậu quả tồi tệ hơn. Vấn đề không nằm ở hành động của chính phủ mà chính phủ buộc phải làm như vậy. Biết rằng các chính phủ sẽ phải giải cứu các ngân hàng có nghĩa là nhiều phần của tài chính đã trở thành canh bạc một chiều. Nợ của các ngân hàng là một ví dụ xác đáng. Mới đây IMF vừa đưa ra ước tính các ngân hàng lớn nhất thế giới được hưởng tổng cộng 630 tỷ USD từ trợ cấp tiềm ẩn của chính phủ trong năm 2011 – 12. Điều này khiến nợ rẻ hơn và khuyến khích ngân hàng sử dụng đòn bẩy. Trong khi đó, ở Mỹ có những đề nghị cho rằng chính phủ nên hành động như cứu cánh cuối cùng của thị trường thế chấp, chịu 90% lỗ trong khủng hoảng. Một lần nữa, rủi ro lại thuộc về công chúng.

Để giải quyết vấn đề này, cần chuyển rủi ro về khu vực tư nhân và điều này đòi hỏi những lựa chọn khó khăn. Loại bỏ trợ cấp cho các ngân hàng sẽ khiến nợ đắt đỏ hơn, có nghĩa là người nắm giữ cổ phiếu bị cắt giảm cổ tức và chi phí tín dụng tăng lên. Xóa bỏ bảo hiểm tiền gửi có nghĩa là nhà đầu tư có thể mất trắng. 

Trong bối cảnh các nhà làm luật đang triển khai hàng loạt cải cách sau khủng hoảng như hiện nay, họ đang có cơ hội đảo ngược xu thế trên và xác định lại vai trò của nhà nước trong ngành tài chính. Tuy nhiên, đây là một công việc không hề dễ dàng. Như những câu chuyện chúng tôi vừa kể, suốt hàng trăm năm lịch sử vừa qua, ngành tài chính vẫn đi theo một hướng hoàn toàn khác. 


Thu Hương

huongnt

Economist

Trở lên trên