MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dân nghèo Bangladesh bán thận trả nợ tổ chức phi chính phủ

04-11-2013 - 17:30 PM | Tài chính quốc tế

Làng Kalai mang vẻ yên bình như bao làng quê khác ở Bangladesh. Thế nhưng, tại đây, rất nhiều dân làng đang phải bán thận để trả tiền cho những khoản nợ mà họ được cho vay với mục đích xóa nghèo.

Bán thận trả nợ

Làng Kalai cách thủ đô Dhaka 6 tiếng lái xe về phía bắc. Trong một nỗ lực giảm nghèo, rất nhiều người dân quê tại Bangladesh đã vay các khoản nợ ưu đãi của nhiều tổ chức phi chính phủ (NGOs) để làm ăn, kết quả họ lại rơi vào tình thế khó khăn hơn là không thể trả được nợ. Vì vậy, không ít người quyết định bán đi các bộ phận nội tạng trên cơ thể mình để trả nợ.

Anh Mohammad Akhtar Alam, 33 tuổi mang một vết sẹo dài trên bụng - dấu tích để lại sau lần bán đi một quả thận của mình. Giờ đây, anh gần như bị liệt nửa người, mù một bên mắt và không thể bê vác, làm những việc nặng nhọc. Phần lớn số tiền bán thận anh đem trả nợ và dùng số ít ỏi còn lại để mở một cửa hàng nhỏ bán gạo, bột, đường để kiếm sống qua ngày. 

Cách đây vài năm, anh Alam rất nghèo và nợ khoảng 100 nghìn taka (khoảng 1.142 USD) từ 7 - 8 tổ chức NGOs. Tuy nhiên, việc lái xe tải của anh không thể giúp anh trả được khoản nợ này. Bỗng một ngày, một người đến tìm anh và hỏi anh có muốn bán thận với giá 400 nghìn taka/quả thận (khoảng 6.360 USD) không. 17 ngày sau đó, Alam từ một bệnh viện tư trở về nhà với một cơ thể thiếu đi một quả thận và trong túi có 400 nghìn taka. 

Anh Mohammad Moqarram Hossen, cũng ở làng Kalai, cũng rơi vào cảnh bán thận trả nợ: “Tôi cũng vay tiền của các tổ chức NGOs và buộc phải bán thận đi để trả nợ. Bác sĩ kêu không có nguy hiểm gì nhưng giờ đây tôi không thể làm việc nặng. Tôi thực sự ân hận về quyết định của mình”.

Xóa nghèo thêm khổ

Khoản vay ưu đãi Microcredit, được coi là cứu tinh của hàng triệu người nghèo, được lập ra với mục tiêu xóa đói nghèo bằng cách thúc đẩy các hoạt động tăng cường thu nhập thông qua các hoạt động cho vay ưu đãi. Thế nhưng, cách thức trả nợ và sự bất ổn của các cơ quan tài chính đã tạo ra cảnh nhiều người mượn với những khoản nợ khác nhau từ nhiều cơ quan tài chính khó có thể kiểm soát nổi. 

Nó tạo ra vòng luẩn quẩn rằng, người đi mượn tiền từ tổ chức NGOs này để trả nợ cho tổ chức NGOs khác và dần dà nhiều người mượn tiền rơi vào cảnh không thể trả nợ, đành bán nội tạng đi để có tiền. 

Giáo sư Monir Moniruzzaman thuộc Khoa Nhân loại học của trường Đại học bang Michigan, Mỹ đã tìm hiểu nạn mua bán nội tạng người tại Bangladesh trong suốt 12 năm qua.

Ông thừa nhận rằng, nhiều người dân nước này rơi vào trạng thái không biết làm gì ngoài việc bán thận để trả nợ: “Rất nhiều người vay mượn từ các tổ chức NGOs bị mất kiểm soát”. 

Tuy nhiên, Ngân hàng Grameen bác bỏ cáo buộc. Trong khi đó, ông Mohammad Ariful Hoq - một nhà phân tích của BRAC - một trong tổ chức phát triển lớn nhất trên thế giới cho biết, việc trả nợ của các thân chủ của họ không phải là “một vấn đề lớn”. BRAC cũng chối bỏ việc gây áp lực cho người vay nợ.  

Song ông Hoq thừa nhận 1/3 trên tổng số 4,3 triệu khách vay nợ của BRAC vay được những khoản nợ khác nhau: “Bạn có thể tìm thấy những người có 3 khoản vay từ các tổ chức khác nhau”. 

Theo ông này, không có cách thức hệ thống nào để kiểm tra xem liệu người đi vay có những khoản nợ chồng chéo không để người cho vay quyết định cho vay hay không. Hiện BRAC đang dùng cách gõ cửa hàng xóm những người đi vay và hỏi tình hình kinh tế của người đi vay, hoặc kiểm tra xem người đi vay có vay nhiều khoản nợ hay không. 

Theo các chuyên gia kinh tế, cách thức kiểm tra này mang tính rủi ro rất cao và có thể hoàn toàn khác xa thực tế, vì vậy dẫn tới tỉ lệ những người đi vay mất kiểm soát cao tại Bangladesh như hiện nay.

Theo H.Long

huongnt

Lao Động

Trở lên trên