MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đảo chính quân sự ở Thái Lan: Chân trời màu đen

26-05-2014 - 19:15 PM | Tài chính quốc tế

Cuộc đảo chính quân sự vừa diễn ra ở Thái Lan có thể được coi là dấu mốc mới mở ra một thời kỳ tồi tệ hơn rất nhiều cho đất nước này.

Ở Thái Lan, nhiều nhân vật chính trị bị bắt giữ, truyền thông ngừng hoạt động và những người lính mặc quân phục cai quản các cơ quan nhà nước. 

Ít nhất 155 người (trong đó bao gồm nhiều chính trị gia và nhà hoạt động) bị cấm rời khỏi đất nước. Ngày 24/5, Thượng viện bị giải tán và quân đội nắm toàn quyền kiểm soát. Ở thời điểm hiện tại, tất cả quyền lực nằm trong tay Ủy ban bảo vệ hòa bình và trật tự quốc gia (NPOMC) với người đứng đầu là tướng Prayuth Chan-ocha.

Vào ngày thứ ba sau cuộc đảo chính, Hoàng gia Thái Lan tuyên bố công nhận chính phủ mới. Đây không phải là điều lạ. Trong quá khứ, cung điện tán thành hầu hết các cuộc đảo chính. Cuộc đảo chính vào ngày 1/4/1978 không giành được “cái gật đầu” của nhà vua và đã thất bại. Trong 64 năm trị vì, vua Bhumibol Aduljadej đã chứng kiến tổng cộng tới 20 cuộc đảo chính. 

Hàng chục chính trị gia và lãnh đạo đã bị giam giữ trong các doanh trại quân đội. Nhân vật đáng chú ý nhất là Yingluck Shinawatra – người trước đó vẫn là Thủ tướng và là em gái của cựu Thủ tướng Thaksin. Đúng như lời tuyên bố sẽ không giam giữ bà Yingluck quá 1 tuần, đến nay nhân vật này đã được trả tự do.

Bà Yingluck cùng với gia đình đã trở thành mục tiêu chính của phong trào nhằm xóa bỏ nhà Shinawatra khỏi chính trường Thái Lan – một lần và mãi mãi. Nhà của họ bị khám xét. Con trai của ông Thaksin bị bắt hôm 24/5 và được tự do vào buổi sáng ngày hôm sau. Trong khi đó, đảng của ông Thaksin bị cấm hoạt động chính trị và chỉ có thể hoạt động dưới cái tên khác. 

35 trí thức và nhà hoạt động phải khai báo với quân đội. Một đội quân đặc biệt cũng được thành lập để kiểm soát mạng xã hội. Pravit Rojanaphruk – nhà báo và bình luận viên nổi tiếng – cũng phải hầu tòa. Các cơ quan truyền thông Thái Lan được triệu tập để bàn về giới hạn đưa tin trong khi một số trang nước ngoài như BBC, CNN và Human Rights Watch bị chặn.

Ở phần lớn các khía cạnh, có vẻ như cuộc đảo chính lần này không có điểm gì khác biệt. Cuối cùng, những người lãnh đạo mới sẽ thất bại trong cả việc đạt được mục đích của bản thân và kéo Thái Lan thoát khỏi tình trạng trì trệ về kinh tế hay hỗn loạn về mặt xã hội. 

Có hai điều mà bất kỳ ai lên làm lãnh đạo ở Thái Lan đều phải chú ý.  Thứ nhất, họ không thể lãnh đạo đất nước trừ khi họ sẵn sàng sử dụng quân đội. Thứ hai, kể từ năm 2006 tới nay, Thái Lan đã có những chuyển biến sâu sắc. Điều đặc biệt là cùng những thay đổi như vậy trong xã hội, các nước châu Âu phải mất hàng trăm năm trong khi ở Thái Lan chỉ mất 50 năm. 

Khi tầng lớp tinh hoa của Thái Lan cho thấy họ không biết cách điều hành đất nước vào năm 1997 (năm mà khủng hoảng tài chính châu Á khiến phép màu kinh tế Thái Lan chấm dứt), người dân Thái Lan bắt đầu tìm kiếm quyền lực và tầm ảnh hưởng. Cựu Thủ tướng Thaksin trở thành nhân vật mà người dân có thể tin cậy. Lên nắm quyền năm 2001, ông xây dựng bộ máy chính trị hoạt động trên một quy luật hết sức đơn giản: tìm thứ mà người dân muốn và đưa cho họ thứ đó. Ông Thaksin đã biết cách “nhảy lên đoàn tàu đang chạy”. 

Rõ ràng là, không phải ông Thaksin mà chính những thay đổi sâu sắc trong xã hội Thái Lan đã giúp ông có được quyền lực. 

Trong khi đó, tướng Prayuth không phải là một người mạnh mẽ có thể thiết lập lại trật tự chính trị và xã hội Thái Lan. Ông là một người lính đã “chán ngấy” các chính trị gia không mang lại hi vọng cho đất nước. 

Những vấn đề này khiến tương lai của Thái Lan trở nên mù mịt. Liệu tầng lớp tinh hoa có tiếp tục tạo nên sự thay đổi trong đời sống chính trị xã hội của Thái Lan? Câu hỏi này lại dẫn đến một câu hỏi khác về quân đội Thái Lan. Sau cuộc đảo chính, quân đội Thái Lan sẽ hất cẳng chính phủ và thế chân bằng cách nào: bạo loạn khiến đất nước thụt lùi thêm nhiều năm nữa hay bằng sự thỏa hiệp và những thỏa thuận?

Thu Hương

huongnt

Economist

Trở lên trên