MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đến lượt chứng khoán Nhật Bản rơi vào “thị trường con gấu”

20-01-2016 - 15:20 PM | Tài chính quốc tế

Sau khi chứng khoán Trung Quốc rơi vào “thị trường con gấu” trong tuần trước, giờ đến lượt thị trường Nhật Bản tiến vào vùng thể hiện xu hướng tiêu cực này.

Chỉ số chứng khoán Nikkei của Nhật Bản đóng cửa ngày 20/1 giảm 3,7% xuống 16.416,19 điểm. Tính từ mốc cao gần đây là hồi tháng 6/2015, chỉ số này đã giảm hơn 20%, chính thức bước vào “thị trường con gấu”.

Tuần trước, chứng khoán Trung Quốc cũng chính thức rơi vào xu hướng giảm khi chỉ số Shanghai Composite Index mất hơn 20% so với mức đỉnh ghi nhận vào tháng 12/2015.

Các thị trường Châu Á khác cũng giảm đồng loạt trong phiên ngày thứ Tư khi giá dầu tuột khỏi mốc 28 USD/thùng và trượt xuống mức thấp nhất trong hơn 12 năm là 27,56 USD/thùng.

Việc giá dầu giảm đang gây đau đầu cho thị trường tài chính khi nó khiến lợi nhuận của các công ty năng lượng giảm, gây lo ngại về nguy cơ phá sản trong ngành dầu mỏ và gây lo ngại về sức khỏe của nền kinh tế toàn cầu.

Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai và cũng là nước tiêu thụ hàng hóa chủ chốt của thế giới, ngày 19/1 đã công bố GDP tăng trưởng chậm nhất trong vòng 25 năm.

Cổ phiếu ngành năng lượng nằm trong số những mã giảm mạnh nhất trên thị trường Hồng Kông, khiến chỉ số Hang Seng rớt 3,5%.

Thị trường chứng khoán Australia cũng giảm đáng kể, với chỉ số ASX 200 chốt phiên mất 1,3% còn 4.841,50 điểm, mức đóng cửa thấp nhất kể từ tháng 7/2013. Chỉ số này đã giảm 19,07% so với đỉnh của 52 tuần là 5.982,69 điểm đạt được vào tháng 4/2015, cho thấy thị trường này cũng đang tiệm cận vùng “con gấu”.

Trên một số thị trường khác ở Châu Á, chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 2,3%, còn chỉ số Shanghai Composite Index của Trung Quốc giảm hơn 1% lúc 14h30 giờ Việt Nam. Chỉ số VN-Index của Việt Nam cũng mất hơn 1%.

* Một thị trường chứng khoán được coi là rơi vào trạng thái thị trường con gấu (bear market) khi sụt giảm ít nhất 20% so với mức đỉnh được lập cách đó không lâu. Lúc đó giá cổ phiếu sẽ liên tục sụt giảm, tâm lý bi quan lan rộng vì nhà đầu tư dự đoán thị trường sẽ tiếp tục xuống giá và áp lực bán ra càng tăng mạnh.

Theo Trung Nghĩa

Người đồng hành

Trở lên trên