MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Địa chấn chính trị ở Triều Tiên

04-12-2013 - 09:11 AM | Tài chính quốc tế

Với nền tảng quyền lực khổng lồ, việc ông Jang Song-thaek mất chức không thể thiếu cái gật đầu của nhà lãnh đạo Kim Jong-un

Hãng tin Yonhap và kênh YTN dẫn nguồn tin tình báo Hàn Quốc cho biết ông Jang Song-thaek đã bị bãi chức phó chủ tịch Ủy ban Quốc phòng quốc gia Triều Tiên.

“Nhiếp chính” mất ngôi?

Nếu tin này xác thực thì việc loại ông Jang khỏi hàng ngũ lãnh đạo có thể coi là biến động chính trị lớn nhất tại Triều Tiên kể từ khi ông Kim Jong-un lên thay cha mình vào tháng 12-2011.

Theo nghị sĩ Hàn Quốc Jung Cheong-rae, trong một cuộc họp khẩn với các nghị sĩ, cơ quan tình báo Hàn Quốc thông báo “ông Jang đã bị bãi chức; hai cộng sự thân tín của ông là Ri Yong-ha và Jang Soo-kil đều bị xử tử công khai giữa tháng 11” vì tham nhũng.

Cơ quan tình báo quốc gia Hàn Quốc cho biết việc xử tử đã được thông báo tới mọi binh lính. Kể từ đó, ông Jang biến mất. “Đây là dấu hiệu cho thấy ông Jang bị cách chức dù không rõ lý do” - một quan chức tình báo cấp cao Hàn Quốc tiết lộ.

Phóng viên đài BBC cho rằng rất khó xác minh tính thực hư của thông tin nói trên. Hơn nữa, tình báo Hàn Quốc từng phạm sai lầm trước đây. Nhưng nếu đúng, diễn tiến này đánh dấu một bước chuyển hết sức quan trọng.

Các nhà phân tích theo dõi cơ cấu quyền lực Triều Tiên đều nhất trí rằng việc cách chức ông Jang không thể tiến hành nếu thiếu cái gật đầu của người cháu vợ Kim Jong-un. Lần lại vết tích, sự rạn nứt giữa 2 người có thể xuất hiện từ đầu năm nay, cụ thể là tháng 1-2013, khi hãng thông tấn KCNA cho biết ông Jang Song-thaek vắng mặt trong cuộc họp thảo luận về tác động và phản ứng đối với các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc sau vụ phóng tên lửa hôm 12-12-2012. Không chỉ vậy, tin đồn còn cho rằng gần đây, ông Jang có mối quan hệ lạnh nhạt với vợ.

Nga trừng phạt, Triều Tiên đe dọa

Trong một diễn biến khác, Triều Tiên hôm 3-12 lại đe dọa tăng cường khả năng răn đe hạt nhân để đối phó với “các hành động khiêu khích liên tục” từ Mỹ và Hàn Quốc. Trong một bài xã luận đăng trên nhật báo Rodong Sinmun - cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động cầm quyền - Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ bảo vệ chương trình vũ khí hạt nhân của mình. Không chỉ thế, Triều Tiên còn xem đó là “thanh bảo kiếm” giúp bảo vệ người dân khỏi chiến tranh.

Bài xã luận cho rằng Bình Nhưỡng xem việc Mỹ - Hàn triển khai các tàu sân bay hạt nhân gần bán đảo Triều Tiên cũng như liên tục tập trận là sự chuẩn bị cho chiến tranh xâm lược nước này. Rodong Sinmun nhấn mạnh Triều Tiên sẽ tiếp tục theo đuổi mục tiêu hạt nhân song song với đẩy mạnh kinh tế.

Trước khi Triều Tiên đưa ra đe dọa, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh thực hiện các biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đối với Triều Tiên. Theo trang web thông tin pháp lý của chính phủ Nga ngày 2-12, tất cả tàu thuyền Triều Tiên muốn cập các hải cảng của Nga phải trải qua một loạt kiểm tra. Ngoài ra, các cơ quan nhà nước, tổ chức thương mại của Nga cũng bị cấm trợ giúp Bình Nhưỡng phát triển công nghệ tên lửa. Sắc lệnh của Tổng thống Putin còn khẳng định Nga cần tăng cường cảnh giác với hoạt động của các nhà ngoại giao Bình Nhưỡng.

Thăng tiến chóng mặt

Trước khi có tin đồn mất chức, ông Jang Song-thaek giữ chức Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Triều Tiên. Năm 1972, ông kết hôn với bà Kim Kyong-hui, cô em gái mà cố Chủ tịch Kim Jong-il yêu quý và tin tưởng hết mực. Với nền tảng quyền lực bên nhà vợ, ông Jang được coi là nhân vật có ảnh hưởng thứ 2 ở Triều Tiên, chỉ sau ông Kim Jong-un, thậm chí được báo giới phương Tây mệnh danh là “người đàn ông sau ngai vàng”.

Ngày 25-12-2011, ông Jang Song-thaek được chú ý đặc biệt khi lần đầu xuất hiện trong bộ quân phục đại tướng, đứng hàng đầu trong nhóm các tướng lĩnh quân sự cấp cao cùng tân lãnh đạo Kim Jong-un tại lễ tang nhà lãnh đạo quá cố Kim Jong-il. Ngay từ trước khi ông Kim Jong-Il qua đời, nhiều chuyên gia phân tích đã nhận định ông Jang Song-thaek cùng vợ sẽ đóng vai trò “vệ sĩ” cho quá trình tiếp nhận quyền lực của ông Kim Jong-un.



Theo Huệ Bình

huongnt

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên