MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điên đầu vì bằng MBA

13-03-2011 - 08:44 AM | Tài chính quốc tế

Đi học MBA có lẽ là quyết định đầu tư lớn nhất cả về khía cạnh tài chính lẫn thời gian. Chọn đúng trường quan trọng có khi còn ngang với chọn vợ.

Chỉ riêng học phí cho hai năm học tại Trường Wharton, ĐH Pennsylvania, một trong những trường kinh doanh danh giá nhất thế giới, hiện đã là 107.922 đôla. Và chuyện không chỉ có học phí.

Nếu quyết định theo học toàn thời gian tại Châu Âu, bạn sẽ phải rời chỗ làm ít nhất 1 năm. Chọn một trường ở Bắc Mỹ và thời gian đó kéo dài ra 2 năm. Sinh viên Wharton đến lớp tức là phải từ bỏ mức lương cơ bản trung bình 76.193 đôla/năm.

Vì thế chọn đúng trường, đúng chương trình cũng quan trọng chẳng kém gì chọn hướng nhà, có khi còn ngang với chọn vợ.

Thực ra nhìn gương nhiều doanh nhân và quan chức doanh nghiệp có thể thấy, chẳng cần bằng MBA bạn vẫn có thể thành đạt trong sự nghiệp.

Cho dù nhu cầu đối với bằng cấp này đã lên tới mức chưa từng có tại những nước như Ấn Độ và phần lớn chỉ được thỏa mãn bởi hàng trăm trường kinh doanh cấp địa phương đang tràn ngập thị trường nhưng thị trường việc làm bất ổn và xu hướng thích lập tức lao vào kinh doanh của giới trẻ khiến nhiều người phương Tây cảm thấy bất an.

Các chương trình MBA khẳng định rằng họ có thể nâng cao cơ hội nghề nghiệp của sinh viên và mở ra những chân trời tri thức và sự nghiệp mới. Ắt hẳn bằng cấp chỉ đáng đeo đuổi nếu nó giúp ta phát triển bản thân và nghề nghiệp ở một mức độ nhất định.

Nhưng liệu MBA vẫn có thể coi là chìa khóa dẫn đến “quyền cao chức trọng”? Liệu MBA có giúp đào tạo nên những học viên tự tin nhưng vẫn “biết mình là ai”, những người sau này sẽ có một sự nghiệp ấn tượng? Nếu các trường dạy chẳng khác gì nhau mấy và MBA nay chẳng hơn gì một món hàng, thì việc học trường nào có khác gì nhau không?

Câu trả lời là có: MBA vẫn cực kỳ có ý nghĩa. Thị trường khắc nghiệt hơn, bằng cấp cũng bị “soi” kỹ hơn, nhưng với nhiều nghề, lấy bằng MBA tại đúng trường giúp kiếm được việc làm tốt hơn và thăng tiến cũng nhanh hơn.

Không phải chỉ nhìn vào xếp hạng hay dựa vào “sự danh giá” mới là chọn đúng trường. Vấn đề cơ bản là phải hiểu vì sao mình đi học MBA, bạn kỳ vọng nó sẽ mang lại cho bạn cái gì. Sau đây là một số lý do cơ bản để đi học MBA và hướng đi bạn nên chọn:

“Tôi muốn đổi nghề khác”

Đa phần các học viên MBA, và chắc chắn là gồm toàn những người thành công nhất, đi học là để củng cố các kỹ năng và kinh nghiệm họ đã có.

“Ít ai lại đi thuê bạn làm thứ bạn chưa từng làm chỉ vì sau tên bạn có thêm ba chữ cái mới”, Graeme Read từ công ty chuyên tuyển dụng nhân sự cao cấp Antal nói. Nếu muốn hoàn toàn thay đổi hướng đi của mình, bạn sẽ phải nhắm tới những trường “hàng khủng”.

Nhà tuyển dụng khi ấy sẽ nghĩ tới tiềm năng tương lai thay vì khả năng hiện tại. Tuy vậy, hãy nhớ là có học ở đâu thì MBA sẽ luôn chỉ là một phần nhỏ bé chứ chẳng phải tíc kê giữ sẵn ghế trong HĐQT.

“Tôi muốn tự kinh doanh”

Chẳng trường kinh doanh có tiếng tăm nào lại nói với bạn rằng họ tạo ra doanh nhân từ không khí. Nhưng điều họ có thể làm là phát triển bất kỳ một kỹ năng doanh thương nào bạn đã có.

Những trường danh tiếng nhất ở mảng này thường có một khoa kết hợp các học giả hàn lâm với những doanh nhân đã phát triển thành công công việc kinh doanh của chính mình.

Cũng đáng tìm một trường kinh doanh có sinh viên đến từ nhiều nền văn hóa, nhiều dân tộc khác nhau.

Như Hiệu trưởng Trường EMYLON tại Pháp Patrice Houdayer nói: “Ngày nay doanh nghiệp trẻ có thể ngay lập tức vươn tới toàn cầu, vì thế biết được việc kinh doanh diễn tiến thế nào ở các thị trường trọng điểm trên thế giới là một điều cực kỳ quan trọng.”


“Tôi muốn tìm việc tốt hơn/kiếm tiền nhiều hơn/dễ nhảy việc hơn”

Khó mà kiếm được học viên MBA nào thực sự mất tiền (hay đúng hơn là thú nhận mình đã tốn tiền) khi học MBA. Tuy vậy, thời đại của lương khủng và thưởng đậm ngay sau khi được nhận vào làm đã qua, hoặc ít nhất là cũng tạm dừng.

Chỉ có thời gian mới hé lộ được giá trị thật sự của bằng cấp, thế nên hãy tìm trường nào giúp bạn phát triển các kỹ năng cần thiết trong dài hạn chứ không chỉ “mì ăn liền” ngay sau khi ra trường.

Trường ở đâu cũng là vấn đề, vì thế hãy nghĩ thật kỹ bạn muốn làm việc ở đâu trong tương lai. Nhiều trường có liên hệ mật thiết với một ngành hoặc một nhà tuyển dụng cụ thể, nhưng chỉ một số ít các trường có danh tiếng và ảnh hưởng trên toàn cầu.

“Tôi muốn mở rộng quan hệ”

Nhiều cựu học viên MBA sẽ nói với bạn rằng thứ hữu dụng nhất họ có được từ trường kinh doanh là quyển sổ địa chỉ.

Hãy nghĩ xem mạng lưới quan hệ nào sẽ giúp bạn nhiều nhất. Nhiều trường hàng đầu đã đầu tư mạnh tay để xây dựng các lớp học thật đa dạng, để sau này học viên tỏa đi khắp toàn cầu.

Tuy vậy, thật tuyệt nếu bạn dự định theo nghiệp kinh doanh quốc tế, nhưng sẽ chẳng mấy tác dụng nếu bạn nhắm tới khu vực công ở chính nước mình.

“Tôi muốn phát triển kỹ năng và kinh nghiệm của mình nhưng học hành tốn kém quá”

Như chúng ta đã thấy, MBA cực đắt. Nhưng nếu bạn sẵn sàng bỏ qua những tên tuổi lớn và cân nhắc các lựa chọn kém hơn một chút, có một số con đường rất hấp dẫn.

Nhiều trường có học phí tương đối thấp. Hơn nữa, sau thắt chặt tín dụng, các trường đang phát triển các dạng hỗ trợ tài chính mới cho học viên quốc tế.

Trong khi Havard tận dụng các hiệp hội tín dụng thì Duke (Fuqua) đã đồng ý tự mình bảo đảm cho các khoản vay.

Ở Châu Âu, Insead và Vlerick Leuven đã chọn cho vay lãi suất thấp dựa trên khả năng kiếm tiền trong tương lai của sinh viên thay vì lịch sử tài chính, sinh viên cũng có 7 năm kể từ sau khi ra trưởng để trả nợ.

Phần lớn các trường đều có học bổng cho sinh viên xứng đáng, đôi khi lên tới toàn bộ chi phí của chương trình học.

Chưa hết đau đầu

Vị trí của trường cũng là một tiêu chí quan trọng, không chỉ vì sau khi tốt nghiệp bạn muốn làm ở đâu.

Không bất ngờ khi các trường kinh doanh tại Chicago, New York và London đều có danh tiếng nổi trội trong lĩnh vực tài chính.

Chúng nằm ngay ở cạnh các thị trường tài chính và có thể dễ dàng mời được khách từ các định chế tài chính tới nói chuyện, hoặc có thể liên hệ tìm kiếm chương trình thực tập hè hay cơ hội nghề nghiệp hậu MBA.

Các trường tại bờ biển phía Tây nước Mỹ hưởng lợi nhờ quan hệ với thung lũng Sillicon, trong khi các vùng khác mở ra cánh cửa vào một số ngành như hàng không vũ trụ, quản lý nhãn hiệu hạng sang hay công nghệ sinh học.

Bạn cũng có thể đánh giá một trường dựa trên sự chuyên sâu của nó.

Ngoài bản chất “chung chung” của một bằng MBA, các trường còn có tiếng về những mảng riêng như khởi nghiệp, tài chính, marketing, hoạt động phi lợi nhuận, bất động sản, công nghệ thông tin hay chăm sóc sức khỏe.

Các trường đó không chỉ liên kết chặt chẽ với từng ngành mà còn có chuyên khoa dành riêng cho lĩnh vực đó.

Chúng có thể giúp thu hút vốn đầu tư mạo hiểm cho các dự án kinh doanh mới hay tìm kiếm các chương trình vừa học vừa làm giúp sinh viên có kinh nghiệm khi làm việc trực tiếp với các tổ chức phi chính phủ.

Minh Tuấn
Theo Economist

ngocdiep

Trở lên trên