MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đổi thay ở Yangon

02-02-2015 - 20:38 PM | Tài chính quốc tế

Sau nhiều năm trì trệ, cuối cùng thì thành phố lớn nhất của Myanmar đang phát triển với tốc độ “như vũ bão”.

Nội dung nổi bật:

- Yangon đang phát triển phát triển mạnh khi thu hút được phần lớn lượng vốn đầu tư đổ vào Myanmar nhờ những cải cách chính trị bắt đầu vào năm 2011

- Thành phố vẫn còn nhiều vấn đề phải giải quyết như cơ sở hạ tầng thiếu thốn, giá đất quá cao, bảo tồn di tích lịch sử ... nếu không muốn trở thành một thành phố đông đúc chật hẹp và đầy rẫy các khu ổ chuột


Hàng ngày, những chuyến tàu ồn ào ì ạch chạy trên tuyến đường sắt dài 46km xuyên qua thành phố Yangon của Myanmar. Trên đường tới Danyingon – khu chợ náo nhiệt là nơi xuất phát của những người bán hàng rong thấp thoáng trên các vỉa hè của Yangon, đoàn tàu chạy qua những phố xá đông đúc ở vùng lân cận. Sau đó, khung cảnh hiện ra trước mặt bạn sẽ là những con trâu kéo cày trên cánh đồng ruộng bậc thang. Thỉnh thoảng vài mái nhà tranh ọp ẹp cũng xuất hiện ngoài khung cửa sổ.

Cuộc hành trình này đem đến cảm giác Yangon có vẻ khá nhỏ bé và lạc hậu. Tuy nhiên, trên thực tế thành phố này đang bùng nổ với dân số tăng gấp 3 kể từ năm 1983 đến nay, lên 7,4 triệu người. Yangon cũng là điểm đến của dòng vốn đầu tư nước ngoài ồ ạt chảy vào Myanmar kể từ những cải cách chính trị bắt đầu vào năm 2011. Số vốn đã tăng từ mức hơn 900 triệu USD của năm 2010 lên mức 5 tỷ USD dự báo cho năm tài khóa 2015. Nhiều cánh đồng sẽ trở thành khu công nghiệp trong tương lai gần.

Ở trung tâm thành phố, tiếng còi xe hơi đã thay thế tiếng chuông của xe xích lô. Các quán bar và nhà hàng mọc lên như nấm trong các tòa nhà thuộc địa cũ nay được khôi phục và cả ở những nơi độc đáo hơn. Một quán được mở ở gầm cầu thang của tòa nhà, trong khi một quán bar khá nổi tiếng khác được mở ra ở một nhà kho nằm bên dòng sông Irrawaddy..

Đến Yangon, bạn vẫn có thể thưởng thức món bún cá mohinga (món ăn được coi là “quốc thực” của Myanmar) từ những gánh hàng rong với nồi nước lèo được đặt trên bếp lửa hay mua những điếu xì gà giá 50 kyat từ những quầy hàng nhỏ. Tuy nhiên, giá thuê văn phòng ở đây đã ngang bằng với bất cứ nơi nào ở châu Á. Trên bầu trời Yangon, chùa vàng Shwedagon vẫn tỏa sáng nhưng ở đó cũng xuất hiện những chiếc cần trục vươn lên trên những mái nhà lụp xụp.

Một số người lo lắng rằng thành phố sẽ mất đi điều gì đó trong quá trình phát triển. Thant Myint-u, người sáng lập Quỹ di sản Yangon, khẳng định người dân thành phố sẽ phải thảo luận về mô hình mà Yangon sẽ theo đuổi. “Thành phố sẽ đông đúc và chật chội? Quy mô như thế nào là tốt nhất?” Quỹ của ông đang cố gắng bảo tồn một khu vực rộng 2,6 km2 ở trung tâm Yangon với hơn 1.000 căn nhà cổ, trong số đó có nhiều nhà thờ và đền chùa theo nhiều phong cách như Hồi giáo, đạo Hindu, đạo Phật và cả một thánh đường Do Thái.

Tuy nhiên, nhiều tòa nhà trong số này nằm trong một “mạng nhện” chủ sở hữu. Những cư dân sống ở đây lâu năm có thể sở hữu căn hộ của riêng họ nhưng tòa nhà và phần đất sẽ thuộc về người khác. Các vụ mua bán đất đai được kiểm soát bởi những luật lệ cổ xưa và sẽ gây trở ngại cho việc đầu tư.

Đúng là giá đất ở Yangon và toàn Myanmar đang tăng lên và một phần nguyên nhân là do giới đầu cơ. Dẫu vậy, giá cao cũng bởi vì Yangon không có thị trường chứng khoán phát triển trong khi hệ thống ngân hàng thì nghèo nàn và do đó không có nhiều lựa chọn đầu tư ở đây.

Một tổ chức phi chính phủ của Nhật Bản là JICA đã xây dựng “siêu kế hoạch” cho sự phát triển của Yangon trong vòng 25 năm tới. Tuy nhiên, kế hoạch này gặp nhiều trở ngại vì những lời dèm pha. Một số nhìn nhận đây chỉ là một dự án cơ sở hạ tầng nhưng một số cho rằng đây chỉ là cơ hội cho các doanh nghiệp Nhật Bản.

Năm nay 25 tuổi, Htet Myet Oo sinh ra ở miền Đông Bắc nước Anh nhưng sau đó đã quay trở lại Yangon khi đã có bằng đại học và hiện giờ đang sở hữu quán trà Rangoon Tea House. Anh cho rằng đôi khi triển vọng dài hạn có thể được giải quyết bằng cách sửa chữa những vấn đề ngắn hạn.

“Thay vì xây cầu vượt để giảm tắc nghẽn giao thông, trước mắt hãy sửa đèn tín hiệu. Tương tự, quản lý rác thải cũng là một thách thức lớn trong dài hạn, nhưng vấn đề sẽ trở nên rất nhỏ nếu đặt nhiều thùng rác hơn ở quanh thành phố”. Gần đây đường ống dẫn bị vỡ khiến anh không có nước trong 3 ngày. Không muốn đóng cửa hàng, Oo đã dùng tới 500 lít nước đóng chai.

Nước vẫn còn là vấn đề của Yangon. Hầu hết cư dân thành phố vẫn phụ thuộc vào nước mưa, ao hồ và nước giếng khoan. Các cơ sở hạ tầng khác cũng không khá khẩm hơn. Hệ thống cống rãnh đã được nâng cấp kể từ khi chúng được xây dựng năm 1888. Cảnh mất điện vẫn xảy ra thường xuyên.

Khin Sanda Win hiện đang điều hành một khách sạn và cũng đang cải tạo một tòa nhà cũ để mở rộng hoạt động kinh doanh. Cô so sánh hoạt động kinh doanh của mình giống như “điều hành một thành phố nhỏ”: chúng tôi phải tự cung cấp các dịch vụ mà ở nơi khác sẽ được chính quyền địa phương cung cấp như xử lý rác thải và nguồn điện ổn định.

Vì giá thuê nhà đắt đỏ, nhiều cư dân đã sống lâu năm ở thành phố đang bắt đầu chuyển ra ngoại ô và sống cùng những người di cư lên thành phố tìm việc làm. Đây chính là công thức tạo nên những khu ổ chuột ở Mumbai (Ấn Độ).

Yangon cũng phải đối mặt với một rủi ro khác: quá trình cải cách chính trị có thể chững lại, khiến dòng tiền đổ vào đây cạn dần. Nói cách khác, nếu Yangon không tìm được lối đi, quỹ bảo tồn của Myint-u có thể sẽ phải thực hiện chiến dịch bảo tồn một vài di tích ít ỏi minh chứng cho niềm lạc quan mà Yangon đã từng có.

>>> Nhà giàu mới nổi ở Myanmar

Thu Hương

Thu Hương

Economist

Trở lên trên