MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Động lực nào sau vụ Jack Ma thâu tóm tờ SCMP Hong Kong?

17-12-2015 - 15:16 PM | Tài chính quốc tế

Việc tỷ phú Jack Ma mua lại tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) của Hong Kong với giá 266 triệu USD được xem là hành động lấy lòng chính phủ Trung Quốc và làm đẹp hình ảnh quốc gia vốn bị phương Tây đưa tin phiến diện lâu nay.

Tập đoàn thương mại điện tử nổi tiếng của Trung Quốc Alibaba thuộc sở hữu của tỷ phú Jack Ma mới đây đã mua lại tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) của Hong Kong, một trong những tờ báo tiếng Anh nổi tiếng tại châu Á với giá 266 triệu USD. Việc Alibaba mua tờ báo danh tiếng ra đời từ năm 1903 này đã khiến nhiều người nghi ngại đặc biệt là giới truyền thông phương Tây. Một số người cho rằng Alibaba đang tìm cách lấy lòng chính phủ Trung Quốc do đó họ sẵn sàng mua SCMP để phục vụ nhu cầu làm đẹp hình ảnh của Bắc Kinh.

Theo tạp chí Foreign Policy, Đối với giới truyền thông phương Tây, việc nhìn nhận hình ảnh Trung Quốc qua lăng kính giá trị phương Tây là điều hoàn toàn bình thường. Nói cách khác, phương Tây thường đưa ra những nhận định về việc Trung Quốc nên như thế nào chứ không phải Trung Quốc đang làm gì. Song cách thức này không hoàn toàn đúng bởi nó sẽ gây ra những hiểu nhầm. Theo đó, Bắc Kinh nên được đánh giá theo góc độ quan điểm lịch sử và văn hóa của họ.

Điển hình, dựa trên những kinh nghiệm lịch sử, Trung Quốc đưa ra sáng kiến "Một vành đai, một con đường" là nhằm khôi phục hoạt động con đường tơ lụa trên đường biển và trên bộ cổ xưa để phục vụ phát triển kinh tế thế kỷ 21. Chiến lược này hiện đang được triển khai với quy mô lớn và có khả năng làm thay đổi toàn bộ đại lục Á – Âu.

Trên thực tế, việc Trung Quốc triển khai sáng kiến "Một vành đai, một con đường" là chuyện không còn mới lạ khi mà hàng thế kỷ qua, hoạt động thương mại của Trung Quốc đối mặt với tình cảnh tuột dốc và chịu tác động quản lý lên xuống thất thường từ chính quyền Bắc Kinh.

Ngoài ra, ý tưởng đằng sau sáng kiến "Một vành đai, một con đường" cũng tương tự như hoạt động thương mại của Trung Quốc trong giai đoạn trước. Xét theo một số khía cạnh, nó hoàn toàn phù hợp với thời kỳ Internet hiện đại. Theo đó, mỗi quốc gia duy trì hệ thống vận hành nội bộ của riêng mình. Còn các bên tham gia chấp nhận những điều khoản được quy định chặt chẽ hơn (như quy định thương mại, quyền sở hữu và giải quyết tranh chấp) để tiến hành trao đổi kinh tế. Và sức mạnh quân sự là yếu tố cần thiết để bảo vệ hoạt động của các tuyến đường thương mại. Song trọng tâm của chiến lược "Một vành đai, một con đường" vẫn là phát triển kinh tế chứ không phải là một cuộc xâm chiếm hay thực dân hóa.

Trong hàng thế kỷ qua, Trung Quốc đã thi hành chính sách ngoại giao không can thiệp vào chuyện nội bộ của các quốc gia khác. Cụ thể, khi Trung Quốc tổ chức các cuộc đàm phán tự do thương mại với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á vào năm 2002, Thủ tướng Trung Quốc lúc bấy giờ là ông Chu Dung Cơ đã nhấn mạnh Bắc Kinh không phải đang muốn tìm cách giành thế độc quyền tại Đông Nam Á.

Ngay cả trong một cuộc họp thượng đỉnh ở Nam Phi hồi tháng 12 năm ngoái với các nhà lãnh đạo châu Phi, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết tài trợ 60 triệu USD cho các nước châu Phi và không quên nhấn mạnh Bắc Kinh sẽ không can thiệp vào công việc chính trị nội bộ của châu Phi.

Tuy nhiên, các nhà quan sát phương Tây vẫn hoài nghi trước tuyên bố của ông Chu và ông Tập cũng như xem mọi động thái của Trung Quốc là nhằm tư lợi riêng. Và thực tế, mọi hành động của Trung Quốc cũng chỉ nhằm phục vụ lợi ích quốc gia. Theo quan điểm của Trung Quốc, mối quan hệ tốt đẹp cần phải dựa trên tiêu chí đôi bên cùng có lợi. Ngoài ra, kinh nghiệm lịch sử đã dạy Trung Quốc rằng không dại gì can thiệp vào chuyện nội bộ của các quốc gia khác khi lợi ích nước mình không bị ảnh hưởng.

Phương pháp tiếp cận quan hệ với các nước của Trung Quốc cũng hoàn toàn khác biệt so với phương Tây mà đặc biệt là Mỹ. Cụ thể, khác với Trung Quốc, mục tiêu của Mỹ là chuyển đổi các quốc gia khác theo mô hình giá trị dân chủ như Washington. Chính quan điểm này đã ảnh hưởng tới những phân tích và nhận định khách quan của phương Tây về Trung Quốc cũng như thái độ của Bắc Kinh với Hong Kong.

Việc tập đoàn Alibaba mua lại SCMP bị nhìn nhận như hành động chống lại cuộc cách mạng của Hong Kong trong việc thoát khỏi chế độ thuộc địa của Anh để trở thành một đặc khu tại Trung Quốc. Khi Hong Kong còn là thuộc địa của Anh, tờ SCMP được thành lập để phản ánh quan điểm nhìn nhận thế giới của London. Dưới sự quản lý của nhà tài phiệt truyền thông Rupert Murdoch, người đã tiến hành tư nhân hóa tờ SCMP vào năm 1987, quan điểm đánh giá thế giới của London trở thành quan điểm văn hóa Anglo-Saxon. Tới năm 1993, tỷ phú Malaysia Robert Kuok đã nắm quyền kiểm soát cổ phần của SCMP và từ đây, số lượng tin bài về Trung Quốc được tăng lên đáng kể.

Còn hiện tại, thế giới nhìn nhận SCMP giống như "một đất nước, hai chế độ". Quan điểm của tờ báo thay đổi theo đội ngũ lãnh đạo chứ không phải sự can thiệp của quá trình biên tập. Do đó, câu hỏi đặt ra là tập đoàn Alibaba của tỷ phú Jack Ma sẽ tác động tới quan điểm của SCMP như thế nào trong những năm tới?

Sau năm 1997, khi Anh trao trả Hong Kong cho Trung Quốc, vai trò quan trọng của SCMP tại Hong Kong bị sụt giảm so với các tờ báo địa phương của Trung Quốc. Theo đó, các nhà lãnh đạo đặc khu Hong Kong hiện quan tâm nhiều hơn tới nội dung đăng tải trên các tờ báo Trung Quốc. Song tầm quan trọng của SCMP đối với các độc giả tiếng Anh tại Hong Kong và ở nước ngoài lại tăng mạnh. Có thể nói, đối với thế giới, SCMP là tờ báo tiếng Anh uy tín nhất đưa tin về Trung Quốc bởi không có một tờ báo nào dành nhiều thời lượng tin bài về Trung Quốc như SCMP. Trong đó, hơn 2/3 lượng độc giả của ấn bản điện tử SCMP sinh sống ngoài Trung Quốc và Hong Kong.

Do đó, quan điểm khách quan lâu nay về Trung Quốc khiến độc giả của tờ SCMP quan tâm tới những thay đổi mạnh mẽ của tờ báo sau khi được bán cho tỷ phú Trung Quốc. Nếu tỷ phú Jack Ma thay đổi chính sách biên tập của SCMP, tờ báo sẽ mất đi không chỉ tính chính thống mà còn cả giá trị kinh tế. Ngoài ra, tương lai của tập đoàn Alibaba cũng bị chi phối từ tương lai phát triển của Trung Quốc.

Theo Minh Thu

Infonet

Trở lên trên