MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đường ống dẫn dầu Myanmar – Trung Quốc khiến bản đồ dầu khí thế giới thay đổi

06-02-2015 - 09:53 AM | Tài chính quốc tế

Với đường ống này, các tàu chở dầu của Trung Đông có thể bốc dỡ hàng hóa ở bờ biển Myanmar và chuyển thẳng tới Trung Quốc thay vì mất thêm 2 tuần để đi qua eo biển Malacca.

Tuần trước, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin một đường ống dẫn dầu nối từ Trung Quốc sang Myanmar đã được đưa vào chạy thử. Điều đáng chú ý là đường ống mới này sẽ đem đến những thay đổi lớn trong dòng chảy năng lượng dầu thô trên toàn cầu. 

Đây là một trong những dự án tham vọng nhất mà ngành năng lượng thế giới từng chứng kiến với chiều dài 771 km nối từ cảng Kyaukphyu thuộc miền Tây Myanmar, chạy dọc suốt chiều dài nước này và điểm đến cuối cùng là ở thành phố Côn Minh của Trung Quốc.

Đường ống dẫn dầu này đã được triển khai trong nhiều năm. Công việc xây dựng được bắt đầu từ năm 2010 và hoàn thành vào tháng 5/2014. Năm ngoái một đường ống dẫn khí cũng đã được đưa vào hoạt động.

Quy mô của đường ống này rất đáng chú ý. Tuy nhiên, vị trí của nó là điều quan trọng hơn khi xét đến dòng chảy của dầu thô trên thế giới ở thời điểm hiện tại.

Dự án đã mở ra cánh cửa giữa Trung Quốc và các tàu chở dầu từ Trung Đông. Hiện nay, các tàu chở dầu của Trung Đông vẫn phải đi qua eo biển Malacca nằm giữa Indonesia và Malaysia để có thể tiếp cận người mua ở châu Á. Quãng đường này khiến cuộc hành trình từ Saudi Arabia đến Thượng Hải tăng thêm trung bình 2 tuần.

Giờ đây, với dự án đường ống dẫn mới, lượng dầu thô này có thể được bốc dỡ ở bờ biển Myanmar và sau đó được chuyển thẳng tới Trung Quốc. Người mua tiết kiệm được nhiều chi phí và như vậy Trung Quốc có được lợi thế rất lớn so với các nước châu Á khác như Hàn Quốc và Nhật Bản trong chuyện đảm bảo nguồn cung. Công suất của đường ống mới cũng rất đáng chú ý: có thể chuyển đượng 160 triệu thùng/năm, tương đương 440.000 thùng/ngày. Con số này xấp xỉ 0,5% nhu cầu dầu mỏ trên toàn thế giới.

Giới phân tích dự báo đường ống này thậm chí còn có thể tác động lớn đến giá một số loại dầu thô. Đây là một loại tài sản chiến lược đối với các nước châu Á.

>>> Lợi hại của hợp đồng khí đốt khổng lồ Nga-Trung

 

Thu Hương

Thu Hương

Business Insider

Trở lên trên