MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gary Becker - Cha đẻ của kinh tế học hành vi

14-05-2014 - 19:21 PM | Tài chính quốc tế

Ngày 3/5 vừa qua, các nhà kinh tế học trên toàn thế giới tỏ lòng tiếc thương trước sự qua đời của nhà kinh tế học xã hội Gary Becker.

Tại sao các nhà kinh tế học lại có thói quen đưa ra quan điểm trước mọi sự vật hiện tượng? Gary Becker – nhà kinh tế học vừa qua đời hôm 3/5 vừa qua – sẽ trả lời câu hỏi này. Không thỏa mãn với cách thức nghiên cứu các nền kinh tế trên thế giới, ông là người đầu tiên áp dụng các công cụ kinh tế vào mọi mặt của đời sống. 

Phát hiện của ông Gary Becker tưởng chừng rất đơn giản: mọi người thường cố ý hoặc vô ý khi đưa ra các quyết định, bất kỳ đó là quyết định gì (đổi việc, nghiện ma túy hay ly hôn). Phát triển từ ý tưởng này, công trình nghiên cứu của Becker đã giúp ông đạt giải Nobel năm 1992. Năm 2001, Milton Friedman đã nhận định Becker là “nhà khoa học xã hội vĩ đại nhất còn sống và làm việc trong thế kỷ 21”.  

Quan điểm cốt lõi trong công trình nghiên cứu của Becker là “các cá nhân sẽ tối đa hóa phúc lợi  khi họ nhận thức được nó”. “Phúc lợi” không nhất thiết phải là thu nhập mà có thể là sự dễ chịu khi vị tha hoặc nỗi lo sợ bị lầm đường lạc lối. Tuy nhiên, điều quan trọng là Becker nhấn mạnh rằng mọi người phản ứng với sự khích lệ.  

Becker lần đầu tiên sử dụng cách tiếp cận này trong nghiên cứu về phân biệt đối xử.  Trong những năm 1950, các mô hình kinh tế học cho rằng chủ sử dụng lao động chỉ quan tâm đến sản lượng mà không quan tâm đến màu da của công nhân. Tuy nhiên, Becker cho rằng rất nhiều người có “quan điểm phân biệt chủng tộc và tự cảm thấy họ sẽ nghèo đi nếu buộc phải làm việc cùng những người thuộc chủng tộc khác. Sau đó, Becker nghiên cứu sự khác biệt này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến thị trường lao động. 

Ở Mỹ, nơi người da màu chiếm chưa đến 1/10 dân số, phân biệt đối xử với người da đen đã dẫn đến thu nhập của người da trắng bị giảm đi một phần khá nhỏ trong khi làm giảm đáng kể thu nhập của người lao động da đen. Còn ở Nam Phi – nơi có nhiều người da đen hơn – phân biệt chủng tộc khiến thu nhập của cả nền kinh tế sụt giảm. 

Becker chỉ ra rằng mặc dù có nhiều sự cạnh tranh từ các doanh nghiệp có thể dần dần xóa bỏ tình trạng phân biệt, các lực đẩy trên thị trường hiếm khi xóa bỏ được sự phân biệt xuất phát từ “khẩu vị” của người lao động hay người tiêu dùng. Quan điểm này được thể hiện trong cuốn “Kinh tế học phân biệt đối xử”. 

Ông tiếp tục tập trung vào hành vi của tội phạm. Thích thú sau khi xem xét xác suất xảy ra và những chi phí phải trả khi bị ghi vé phạt đỗ xe, Becker xem xét kỹ lưỡng quan điểm thịnh về tội phạm đang thịnh hành thời đó: hành vi phạm tội chỉ đơn giản là một dạng bệnh về tâm thần. Ông cho rằng một số hành vi phạm tội được đưa ra sau khi đã xem xét kỹ lưỡng những chi phí phải bỏ ra và lợi ích thu được. Quy tắc này có thể áp dụng với mọi hành vi phạm tội, từ đỗ xe sai chỗ cho tới gian lận tài chính. 

Cùng với người đồng nghiệp Jacob Mincer ở ĐH Columbia, Becker lại một lần nữa trở thành người đi tiên phong phát triển khái niệm “vốn con người” – khoản đầu tư các cá nhân đổ vào giáo dục. 

Ông cho rằng đầu tư vào giáo dục và đào tạo nên được nhìn nhận là một lựa chọn mang tính kinh tế chứ không phải làm giàu vốn kiến thức. Sau khi nghiên cứu sự khác biệt giữa kiến thúc chung chung và những kỹ năng chuyên biệt, ông có thể giải thích tại sao các công nhân lành nghề thường ít có xu hướng chuyển công ty. Vốn con người cũng lý giải sự khác biệt trong tiền lương của các nhóm dân số (ví dụ như giữa nam giới và nữ giới). 

Những nghiên cứu này đặt nền tảng cho “kinh tế học gia đình”. Becker giả định mọi lựa chọn của thành viên trong gia đình, kể cả quyết định kết hôn hay ly hôn, đều có động cơ là mong muốn cải thiện tài sản của chính họ. Ví dụ, những gia đình giàu hơn có tỷ lệ ly hôn thấp hơn.

Các nghiên cứu của ông cũng giúp giải thích tại sao tỷ lệ sinh của các nước phát triển lại giảm. Vì lương tăng lên (đặc biệt là đối với nữ giới), chi phí cơ hội của việc nuôi một đứa trẻ cũng tăng lên. Đồng thời, gia đình quy mô lớn cũng trở thành lựa chọn kém hấp dẫn. Hơn nữa, vì giáo dục gắn bó chặt chẽ hơn với thành công về kinh tế, các bậc cha mẹ ngày càng đầu tư nhiều hơn vào con cái bởi đây cũng có thể coi là một khoản đầu tư đem lại lợi ích khi về già.

Thu Hương

huongnt

Economist

Trở lên trên