MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá dầu giảm đang buộc Saudi Arabia thay đổi

09-01-2016 - 15:05 PM | Tài chính quốc tế

Phía sau một loạt quyết định bất ngờ và vội vã mà Saudi Arabia công bố trong một tuần qua...

Saudi Arabia vốn được biết đến là một trong những xã hội đề cao truyền thống và thận trọng nhất thế giới. Nhưng chỉ trong một tuần qua, nước này bất ngờ đưa ra hàng loạt quyết định lớn.

Và theo hãng tin Bloomberg, điều này xuất phát từ sự giảm sâu của giá dầu.

Chỉ trong vòng 8 ngày, Saudi Arabia xử tử một loạt nhân vật bị cáo buộc có dính líu đến chủ nghĩa khủng bố, cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran, và tiếp đó tuyên bố giảm vai trò của nhà nước trong nhiều lĩnh vực, bao gồm khả năng tư nhân hóa hãng dầu lửa quốc doanh Saudi Aramco - một trong những công ty lớn nhất thế giới.

Tất cả đều diễn ra bất ngờ và vội vã.

Nhiều khả năng các quyết định này chủ yếu được đưa ra bởi Mohammed bin Salman, vị hoàng tử mới ngoài 30 tuổi, con trai của nhà vua Salman. Tham vọng hiện đại hóa của hoàng tử Mohammed đã nhận được nhiều lời khen ngợi, nhưng cũng dẫn đến nhiều lo ngại.

“Người Saudi Arabia có tiếng là thận trọng và kín kẽ. Giờ thì đang có sự lo ngại về những quyết định chóng vánh của họ”, nhà nghiên cứu Eckart Woertz từ Trung tâm Các vấn đề quốc tế Barcelona nhận định.

Ngày 1/1, Saudi Arabia tuyên bố tử hình 47 nhân vật bị cáo buộc tội danh khủng bố, bao gồm giáo sỹ dòng Shiite Nimr al-Nimr. Phản ứng trước động thái này của Saudi Arabia, người Hồi giáo dòng Shiite ở Iran đã biểu tình, phóng hỏa vào đại sứ quán Saudi Arabia ở Tehran. Ngày 3/1, Saudi Arabia tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran.

Tiếp đó, trong một cuộc trả lời phỏng vấn tờ Economist ngày 7/1, hoàng tử Mohammed tuyên bố có thể sẽ thực hiện vụ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) đối với Saudi Aramco. Vụ IPO này sẽ là một phần trong chương trình thúc đẩy tư nhân hóa nền kinh tế của Saudi Arabia.

Hoàng tử Mohammed gọi chương trình này là một cuộc cách mạng “kiểu Thatcher” - so sanh với cuộc cải tổ nền kinh tế Anh thời Thủ tướng Margaret Thatcher hồi thập niên 1980.

Ông cho biết, các nhà đầu tư tư nhân sẽ được mời đóng một vai trò lớn hơn trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, và một số mảng quốc phòng; đất đai thuộc sở hữu nhà nước sẽ được bán; và sẽ có thuế tiêu thụ đối với hàng tiêu dùng.

Theo chuyên gia Saud Al Tamamy thuộc Đại học King Saud ở Riyadh, chính quyền của nhà vua Salman, người vừa lên cầm quyền cách đây hơn một năm, đang nhanh chóng từ bỏ phong cách cũ kỹ, chậm chạp của các chính quyền tiền nhiệm.

Ông Tamamy nhấn mạnh, Saudi Arabia đã “nâng lên hạ xuống” việc tăng giá xăng suốt nhiều thập kỷ, nhưng chỉ trong vòng một ngày của tuần trước, nước này tuyên bố tăng gấp đôi giá bán lẻ xăng dầu và thực thi ngay lập tức. Vào tháng 11, việc đóng thuế hàng năm đối với đất đô thị chưa được xây dựng cũng được thông qua chóng vánh sau nhiều năm tranh cãi trước đó.

Áp lực buộc Saudi Arabia phải thay đổi đang đến từ thâm hụt ngân sách lên tới 15% GDP trong năm 2015, trong bối cảnh giá dầu giảm 2/3 so với thời điểm vào giữa năm 2014. Saudi Arabia đang phải rút dần dự trữ ngoại hối để bù đắp mức lạm chi, khiến dự trữ này giảm 10 tháng liên tiếp tính đến tháng 11 vừa qua.

Giới đầu tư hiện đang đặt câu hỏi liệu Saudi Arabia có buộc phải phá giá đồng tiền, hoặc thay đổi chiến lược đang áp dụng trong Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC), chấp nhận cắt giảm sản lượng khai thác dầu để đẩy giá lên.

Hoàng tử Mohammed là một người trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm, nhưng danh hiệu hoàng tử cho phép ông nắm quyền kiểm soát quân đội, ngành dầu lửa, và hầu hết các lĩnh vực khác của nền kinh tế.

“Chúng tôi chứng kiến sự tập trung quyền lực chưa từng có tiền lệ trong tay một vị hoàng tử khá trẻ”, ông Allison Wood, chuyên gia phân tích thuộc công ty Control Risks ở Dubai, nhận xét.

Tuy nhiên, mở cửa nền kinh tế Saudi Arabia theo hướng mà hoàng tử trẻ đề xuất có thể sẽ vấp phải sự phản đối của những người có quan điểm bảo thủ, đặc biêt là các giáo sỹ dòng Sunni. Các giáo sỹ này đang được hưởng những ưu đãi lớn để đổi lấy việc họ chống lại các nhóm Hồi giáo cực đoan như al-Qaeda.

Bên cạnh đó, giới chức Mỹ và châu Âu đã bày tỏ quan ngại rằng việc Saudi Arabia tử hình giáo sỹ al-Nimr có thể đẩy căng thẳng sắc tộc gia tăng ở Syria, Yemen, và các quốc gia khác tại Trung Đông. Căng thẳng gia tăng sẽ tiêu tốn thêm ngân sách của Saudi Arabia cho cuộc chiến ở Yemen, đồng thời sẽ khiến Saudi Arabia khó thu hút được dòng vốn mà hoàng tử Mohammed cần cho các chương trình cải cách kinh tế mà ông đề xuất.

Theo ông Reva Bhalla, chuyên gia phân tích địa chính trị thuộc công ty tư vấn chiến lược Stratfor, hoàng tử Mohammed “xuất hiện với tư cách một nhà lãnh đạo trẻ ‘Tây hóa’, và có phần hơi ngây thơ. Một số người sẽ cảm thấy bị đe dọa”.

Theo Diệp Vũ

VnEconomy

Trở lên trên