MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Già trước khi giàu

22-11-2013 - 19:10 PM | Tài chính quốc tế

Liệu Trung Quốc có thể trở nên giàu có trước khi quá già? Trong quá khứ, câu trả lời thường là không. Tuy nhiên, động thái nới lỏng chính sách một con vừa được thực hiện có thể khiến nhận định trên thay đổi.

Liệu Trung Quốc có thể trở nên giàu có trước khi quá già? Đó là câu hỏi được đặt ra trong nhiều năm qua, kể từ khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới bắt đầu phải đối mặt với xu hướng dân số già hóa. Trong quá khứ, câu trả lời thường là không. Tuy nhiên, động thái nới lỏng chính sách một con vừa được thực hiện có thể khiến nhận định trên thay đổi.

Trong 3 thập kỷ tới, dân số Trung Quốc sẽ có cơ cấu khá giống với Nhật Bản. Nhật là một trong số các nước có dân số già nhất với độ tuổi trung bình cao nhất thế giới. Mỗi người già ở đây sẽ nhận được ít hơn sự trợ giúp từ những người trẻ tuổi. Cấu trúc dân số như vậy sẽ là một lực cản lớn đối với tăng trưởng, bởi phải trích ra nhiều hơn để hỗ trợ người già – bộ phận chỉ khiến tăng trưởng giảm xuống. Nói theo cách khác, tiêu chuẩn sống phải giảm xuống hoặc sản lượng được tạo ra phải đổ nhiều hơn vào tiêu dùng thay vì được đầu tư nhằm tạo ra dòng vốn mới và công nghệ mới.  

Với tuổi thọ trung bình ngày càng tăng, dân nhập cư ít hơn nhiều so với số dân di cư và tỷ lệ sinh được kiểm soát bởi chính sách một con, Trung Quốc đang nhanh chóng hướng đến cơ cấu dân số tương tự như Nhật Bản. Mặc dù khác nước Nhật ở chỗ số dân vẫn đang tăng lên, dân số già hóa đang làm cạn kiệt một trong những cỗ máy tăng trưởng hùng mạnh nhất của Trung Quốc: đô thị hóa. 

Thành thị là nơi giúp người lao động nâng cao năng suất bằng cách nâng cao chất lượng cuộc sống, giúp họ tiếp cận với công nghệ tiên tiến cũng như nguồn vốn dồi dào hơn. Ở thành phố, có thể dễ dàng xây dựng và duy trì nhà máy, có nguồn cung cấp năng lượng ổn định. Người lao động và gia đình họ cũng dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ y tế, giáo dục và nhiều dịch vụ khác. 

Xét về đô thị hóa, Trung Quốc đi sau Nhật Bản khoảng 4 thập kỷ. Có khoảng hơn 50% dân số Trung Quốc sinh sống ở thành thị - tương đương với tỷ lệ ở Nhật Bản vào năm 1950. Tuy Trung Quốc đô thị hóa với tốc độ cao hơn, khoảng 30 năm nữa Trung Quốc sẽ “già” bằng Nhật Bản bây giờ. Điều đó có nghĩa là Trung Quốc sẽ không thể phát triển hết tiềm năng kinh tế trước khi trở nên quá già. Tiếp tục đô thị hóa có thể giúp Trung Quốc đối mặt với gánh nặng hưu trí trong tương lai, nhưng tăng trưởng và chất lượng cuộc sống vẫn bị ảnh hưởng tiêu cực. 

Nới lỏng chính sách một con có thể đảo ngược những gì sẽ diễn ra trong tương lai. Nếu tỷ lệ sinh tăng khoảng 20% trong 2 thập kỷ tới – trước khi Trung Quốc “già” như Nhật Bản bây giờ, số lao động tham gia vào lực lượng lao động cũng sẽ tăng lên 20%. Trong 1 thập kỷ nữa, tỷ lệ tăng có thể đạt 5%.  Cùng lúc đó, tỷ lệ lao động nghỉ hưu cũng sẽ tăng lên. 


Bằng cách giảm bớt tốc độ già hóa, Trung Quốc sẽ có nhiều thời gian hơn để thúc đẩy tăng trưởng. Tất nhiên là nước này vẫn phải đối mặt với những khó khăn khác như môi trường pháp lý yếu kém và nạn tham nhũng tràn lan, nhưng những động lực tăng trưởng chính không phải chịu nhiều quá nhiều sức ép. 

Chính sách một con đã trở thành một phần của nền văn hóa Trung Quốc trong nhiều thập kỷ qua, và bất kỳ thay đổi nào cũng sẽ ảnh hưởng đến những quyết định lớn của từng gia đình. Những gia đình có một con thường sẽ đầu tư rất nhiều vào đứa trẻ đó. Tuy nhiên, khi họ có nhiều con hơn, có 3 điều sẽ xảy ra cùng một lúc: 1) cha mẹ sẽ làm việc chăm chỉ hơn để có thêm tiềm lực tài chính nuôi 2 đứa con, mặc dù điều này khiến thời gian chăm sóc con cái và nghỉ ngơi giảm xuống; 2) cha mẹ phải phân bổ nguồn lực cho 2 đứa con; 3) họ có thể chăm chút nhiều hơn cho đứa con có tương lai hơn hoặc cần nhiều sự trợ giúp hơn. 

Rất nhiều gia đình ở Trung Quốc vẫn chưa đưa ra quyết định của mình. Thay vào đó, họ đầu tư mọi thứ có thể vào những ‘tiểu hoàng đế” của mình với chế độ dinh dưỡng, chăm sóc y tế và nền giáo dục tốt hơn. Rõ ràng là những bước tiến vượt bậc trong chỉ số phát triển con người (được Liên hợp quốc tính toán) ở Trung Quốc suốt từ những năm 1980 đến nay có công rất lớn của chính sách một con. Tuy nhiên, nới lỏng chính sách này trước khi người dân Trung Quốc đủ giàu có để chăm sóc tốt cho dân số đang ngày càng tăng lên có thể khiến tăng trưởng chậm lại. 


Quá trình chuyển đổi sang chính sách hai con cũng có thể tạo nên nhiều rủi ro. Nguồn cung lao động đột ngột tăng lên có thể làm tăng tỷ lệ thất nghiệp, kéo theo bất ổn xã hội. Tỷ lệ người thành phố gốc tăng lên cũng có thể khiến quá trình đô thị hóa chậm lại nếu như cuộc đua giành việc làm gây tổn hại đến người nhập cư. 

Các báo cáo đều cho thấy quá trình chuyển đổi sẽ diễn ra một cách từ từ và do đó những rủi ro sẽ được kiềm chế phần nào. Thêm vào đó, không phải gia đình nào cũng sẽ quyết định có thêm con. Dẫu vậy, không thể phủ định rằng nới lỏng chính sách một con sẽ ít nhiều khiến kinh tế Trung Quốc xáo trộn trong dài hạn. 

Thu Hương

huongnt

Foreign Policy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên