MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

GM: Tái sinh đâu có dễ!

30-01-2013 - 16:39 PM | Tài chính quốc tế

Mặc dù đã trở nên mạnh mẽ hơn sau khủng hoảng, General Motors (GM) vẫn chưa thể “tìm lại chính mình”

Bị hoãn lại nhiều lần do những khó khăn về tài chính của GM và sau đó là sự kiện GM sụp đổ kèm theo gói cứu trợ của chính phủ, tưởng chừng như siêu xe Corvette Stingray sẽ không bao giờ có thể xuất hiện trở lại. Tuy nhiên, vào ngày 13/1 vừa qua, khi buổi triển lãm Detroit motor show sắp kết thúc, một nhóm các nhà báo và những người đam mê xe thể thao (họ đã phải trả 1.200 USD cho mỗi vé tham dự) lại tụ tập tại 1 nhà kho bỏ hoang và chứng kiến chiếc “Little Red Corvette” xuất hiện trên sân khẩu. Kèm theo đó là những tràng pháo tay không ngớt.

Đối với GM, mọi thứ còn trở nên tốt đẹp hơn vào buổi sáng hôm sau, khi chiếc  Cadillac ATS nhận được giải thưởng cao nhất của triển lãm – danh hiệu chiếc xe Bắc Mỹ của năm. Sự kiện này càng làm tăng thêm hi vọng rằng Cadillac – một trong số các nhãn hiệu cao cấp nhất của GM – có thể bắt kịp với các dòng siêu xe của châu Âu như BMW hay Range Rover. Giờ đây, GM có thể mơ ước về việc nâng cấp hình ảnh từ “chiếc xe của những tay thợ hàn” sang nhà sản xuất những chiếc xe hạng sang sánh ngang với Porsche và Ferrari.

GM đã có lợi nhuận trở lại, gia tăng được sản lượng và tiếp tục thuê mướn nhân công để mở rộng hoạt động – giống như thời kỳ trước khủng hoảng. Mark Reuss, chủ tịch Bắc Mỹ của hãng, tin rằng GM sẽ quay trở lại quỹ đạo và có được vị thế như xưa.

Những dòng xe như Corvette chắc chắn sẽ không thể mang lại mức lợi nhuận đủ lớn để tác động mạnh lên lợi nhuận của GM. Tuy nhiên, dòng xe này đã tạo nên sự hứng khởi và có thể thu hút người tiêu dùng đến với các showroom của GM – nơi họ có thể đưa ra quyết định mua các dòng xe hạng trung.

Quan trọng hơn, dòng xe được GM ra mắt tại triển lãm là phiên bản mới của dòng xe bán chạy nhất – xe bán tải Silverado. Không giống như các khách hàng châu Âu, người Mỹ ưa chuộng dòng xe bán tải và sẵn sàng chi tiền cho loại này. Một chiếc xe bán tải có thể đem lại mức lợi nhuận 15.000 USD, cao hơn nhiều so với mức 4.000 USD đối với 1 chiếc xe thông thường.

Có thể nói, lịch sử hơn 100 năm của GM đang bước sang trang mới. Theo Peter Nesvold, chuyên gia đến từ ngân hàng đầu tư Jefferies, các mẫu xe hiện đang đóng góp khoảng một nửa tổng doanh số của GM sẽ được thay thế hoàn toàn. 

Năm 2013 cũng là 1 năm quan trọng đối với GM vì nhiều lý do khác. Dan Akerson, ông chủ của GM, hi vọng trong năm 2013 các hãng xếp hạng tín dụng sẽ khôi phục lại mức xếp hạng “đáng để đầu tư” cho GM (bắt đầu từ năm 2005, GM bị xếp ở mức “rác”).  Quan trọng hơn, chính phủ Mỹ đang lên kế hoạch bán nốt số cổ phần tại hãng này.

Tuy nhiên, liệu điều này có thể trở thành sự thực?

Trước tiên, điều mà GM cần nhất chính là những dòng sản phẩm mới. Trên thị trường Mỹ, thị phần của GM đã sụt giảm xuống mức thấp nhất kể từ những năm 1920. Mặc dù doanh số bán ra trên thị trường quốc tế đạt 9,2 triệu chiếc -  cao nhất kể từ năm 2007, thị phần của hãng vẫn bị thu hẹp (xuống còn 11,5%).  Trong khi đó, Toyota dự báo sẽ bán được 9,7 triệu chiếc và Volkswagen đang đuổi theo sát nút với con số 9,1 triệu chiếc.

Tại thị trường Trung Quốc – thị trường xe hơi lớn nhất thế giới, GM hiện đang bỏ xa Ford và Chrysler và hưởng lợi từ các liên doanh với nhiều nhà sản xuất nội địa. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng đã chậm lại trong 2 năm gần đây. Đồng thời, những dấu hiệu dư thừa đang xuất hiện ở Brazil – 1 “cỗ máy in tiền” khác của GM.

GM đã sống sót nhưng từng đó là chưa đủ. Cổ phiếu của GM hiện dao động quanh mức 30 USD, thấp hơn mức 33 USD khi hãng quay trở lại thị trường chứng khoán hồi năm 2010 và thấp hơn nhiều so với mức 70 USD để có thể bù đắp cho số tiền 50 tỷ USD mà người nộp thuế đã bỏ ra trong gói giải cứu. 

Theo giới phân tích, cổ phiếu của GM có thể tăng lên mức 72 USD. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc rất lớn vào việc liệu GM có thể giải quyết dứt điểm vấn đề tại Opel-Vauxhall  - bộ phận tại châu Âu đang làm ăn thua lỗ - hay không. Kể từ năm 1999, Opel đã thua lỗ tổng cộng khoảng 18 tỷ USD và trong bối cảnh thị trường xe hơi châu Âu ảm đạm như hiện nay, con số này được dự báo sẽ tiếp tục tăng lên.
Opel cũng đang xây dựng liên minh với Peugeot, một hãng xe Pháp cũng đang trong tình cảnh thua lỗ. Theo đó, 2 hãng sẽ cùng nghiên cứu phát triển các mẫu xe và động cơ mới để có thể tiết kiệm được 1 tỷ USD mỗi năm. Cũng có tin đồn cho rằng Peugeot sẽ mua lại Opel.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia phân tích bày tỏ lo ngại về các ưu đãi lớn mà GM đưa ra để giảm lượng hàng tồn kho. Chính tình trạng sản xuất dư thừa và sau đó phải bán dưới giá vốn là nguyên nhân khiến GM sụp đổ.  

GM cũng cần phải cắt giảm mạnh chi phí ở nhiều mảng khác. Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2010, một trong những quyết định cứng rắn nhất của Akerson là đảo ngược quá trình thuê ngoài (outsourcing) của hệ thống IT vốn đang hỗn độn. Akerson hi vọng lấy lại được quyền kiểm soát hệ thống phần mềm sẽ giúp GM dễ dàng thay đổi mô hình kinh doanh cũng như giúp các lãnh đạo có cái nhìn rõ ràng hơn về mức lợi nhuận mà mỗi sản phẩm có thể tạo ra.  

Rõ ràng là, phải mất một thời gian dài nữa để GM thoát khỏi tình trạng thua lỗ ở châu Âu cũng như để Akerson hoàn thành sắp xếp lại bộ máy của hãng. GM cũng không còn là kẻ thua cuộc như trong quá khứ. Nhưng, sẽ phải mất thêm một, hoặc thậm chí là 2 năm nữa, để khẳng định chắc chắn GM đã được tái sinh. 
Thu Hương

huongnt

Economist

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên