MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Goldman Sachs: Giá dầu sẽ xuống dưới 20 USD/thùng

10-02-2016 - 11:00 AM | Tài chính quốc tế

Jeff Currie, trưởng bộ phận nghiên cứu hàng hóa tại Goldman, nhận định vì một số nơi không còn nơi để chứa dầu, giá dầu cần phải giảm đủ sâu để khiến các nhà sản xuất cắt giảm sản lượng.

Theo dự báo mới nhất vừa được ngân hàng Goldman Sachs đưa ra, giá dầu có thể rơi xuống mức dưới 20 USD/thùng. Cũng theo ngân hàng này, công cuộc tìm kiếm mức giá có thể cân bằng giữa cung và cầu sẽ khiến giá dầu biến động mạnh hơn nữa.

Jeff Currie, trưởng bộ phận nghiên cứu hàng hóa tại Goldman, nhận định vì một số nơi không còn nơi để chứa dầu, giá dầu cần phải giảm đủ sâu để khiến các nhà sản xuất cắt giảm sản lượng.

“Một khi đã hết chỗ chứa dầu, giá phải rơi xuống dưới mức chi phí trả bằng tiền mặt (cash cost) vì một số nơi phải đóng cửa nhà máy gần như ngay lập tức. Do đó mức độ biến động của thị trường sẽ tăng lên và tôi sẽ không ngạc nhiên nếu giá dầu xuống dưới ngưỡng 20 USD/thùng”, Currie nói trong buổi phỏng vấn với kênh truyền hình Bloomberg Television.

Dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ đang được giao dịch ở gần mức 30 USD/thùng. Trước đó, ngày 20/1, giá của loại dầu này chạm đáy thấp nhất 12 năm, ở gần mức 26 USD/thùng trong bối cảnh OPEC tăng sản lượng và các công ty dầu đá phiến của Mỹ vẫn hoạt động mạnh mẽ và khiến tình trạng dư cung thêm trầm trọng.

Currie nhận định trong 6-9 tháng tới giá dầu sẽ giao động trong khoảng 20 – 40 USD/thùng.

Dự báo không mấy lạc quan mà Goldman đưa ra trùng hợp với những nhận định mà Tổ chức Thông tin năng lượng quốc tế IEA đưa ra trong bản báo cáo thị trường tháng 2. IEA nhận định tình trạng dư cung trên thị trường dầu mỏ toàn cầu lớn hơn ước tính. Nguy cơ giảm giá đang tăng lên vì hai thành viên của OPEC là Iran và Iraq tăng sản lượng trong khi phía lực cầu tăng trưởng chậm.

Mặc dù dự báo giá dầu sẽ biến động mạnh hơn, Currie cho rằng đà giảm giá sẽ không làm “đoàn tàu” kinh tế thế giới “trật bánh”.

“Sự khác biệt giữa giá dầu hiện nay và các chu kỳ trong quá khứ là chúng ta có rất nhiều thỏa thuận chia sẻ rủi ro. Tất cả những cơ chế như tỷ giá linh hoạt ở Nga hay thị trường trái phiếu rác có mức thanh khoản cao ở Mỹ đều được thiết kế để giúp cho hệ thống tài chính trở nên an toàn hơn.

Trái với sự lo lắng của một vài chuyên gia, Currie cho rằng không có “mối liên quan nào giữa diễn biến của thị trường hàng hóa và sự ra đời của rủi ro hệ thống”.

Thu Hương

Bloomberg

Trở lên trên