Hãng hàng không Nhật Bản muốn sở hữu cổ phần của Vietnam Airlines là ai?
Mới đây, thông tin ANA Holdings – tập đoàn điều hành hãng hàng không Nhật bản All Nippon Airways (ANA) đang thảo luận mua lại cổ phần chiến lược của hãng hàng không quốc gia Việt Nam - Vietnam Airlines nhằm thâm nhập vào thị trường Đông Nam Á, đã gây chú ý cho giới đầu tư trong và ngoài nước.
- 24-09-2015Hé lộ nhà đầu tư chiến lược của Vietnam Airlines
- 31-08-2015Vietnam Airlines phải bồi thường vụ đâm rách máy bay!
- 21-08-20156 tháng đầu năm 2015, Vietnam Airlines lãi 430 tỷ đồng
Theo một số nguồn tin, ANA thực chất đã lên kế hoạch mua lại tới 49% cổ phần hãng Asian Wings Airways của Myanmar với giá 25 triệu USD nhưng đã hủy bỏ do thị trường tại đây quá khốc liệt.
Giờ đây, ANA Holdings lại muốn đóng vai trò ảnh hưởng trong Vietnam Airlines. Vậy tập đoàn này là ai và có vị trí như thế nào tại Nhật Bản?
ANA Holdings Inc. (ANA Group)
ANA group được thành lập vào ngày 27 tháng 12 năm 1952, tiền thân là công ty kinh doanh vận tải hàng không (máy bay chở khách, chở hàng và máy bay trực thăng). Với hơn 60 năm hình thành và phát triển, tập đoàn này đã trở thành tập đoàn hàng không lớn nhất Nhật Bản và hiện diện tại các quốc gia phát triển trên thế giới.
Thời kì từ năm 1974 đến 1985 được coi là thời đại hoàng kim của tập đoàn này khi hàng loạt các hãng hàng không, sân bay, công ty con phục vụ vận tải được thành lập như Nippon Kinkyori Airways (mà sau này là là All Nippon Airways), Nippon Cargo Airlines hay Narita Airport.
ANA Holdings sở hữu tới 57 công ty con và 18 chi nhánh với quy mô 34,919 nhân viên. Tập đoàn đã chia thành phân khúc chở khách và chở hàng, bên cạnh việc tham gia vào các hoạt động kinh doanh liên quan tới hàng không như chăm sóc hành khách và dịch vụ công nghệ thông tin. Hiện nay, tập đoàn này còn lấn sân sang lĩnh vực thương mại và bán lẻ hàng hóa tiêu dùng.
Trong báo cáo hết năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2015, doanh thu của ANA Holdings phần lớn đến từ kinh doanh vận tải hàng không với 72,9%, các ngành liên quan đến dịch vụ hàng không là 11%. Tiếp theo đó, du lịch và bán lẻ lần lượt là 8,3 % và 6,2%. Các ngành kinh doanh khác chiếm 1,6%.
ANA Holdings có 235 chiếc máy bay bay tới 84 điểm đến và vận chuyển 44 triệu hành khách mỗi năm. Doanh thu thuần trong năm 2014 khoảng hơn 1700 tỷ yên (công bố vào tháng 3 năm 2015).
Tập đoàn hiện đang đứng số 1 châu Á và đứng thứ 8 thế giới trong bảng xếp hạng các tập đoàn hàng không dựa trên doanh thu. Cũng trong mùa hè năm nay, ANA đã đánh bại Delta Airlines của Mỹ để mua 16,5% cổ phần tại hãng hàng không giá rẻ đang gặp khó khăn của Nhật Bản là Skymark.
Hãng hàng không All Nippon Airways
All Nippon Airways (ANA) là hãng hàng không quốc tế và nội địa lớn thứ hai của Nhật Bản sau hãng hàng không quốc gia Japan Airlines, đặt trụ sở chính tại Tokyo và trực thuộc ANA Group. Hiện hãng bay này đang phục vụ 49 điểm đến trong nước và 32 tuyến bay quốc tế. ANA có quy mô 33.000 nhân viên tính đến tháng 8 năm 2013. Kể từ năm 2010, lượt khách hàng năm của ANA tăng trưởng đều đặn, trung bình 7,8%/năm. Nếu tính riêng phân khúc khách hàng quốc tế thì còn số này vào khoảng 22% với 2,07 triệu lượt khách.
Hãng hàng không ANA còn nắm quyền kiểm soát hàng loạt các hãng bay, vận tải quốc tế giá rẻ khác như Air Do, Vanilla Air, Allex Cargo (ANA Cargo) và các công ty con trực thuộc như ANA Wings, ANA & JP Express. Hãng bay này cũng đã mua lại AirAsia chi nhánh tại Nhật Bản, đồng thời là cổ đông lớn nhất của Peach – hãng vận chuyển giá rẻ được đầu tư bởi tập đoàn First Eastern Investment.
All Nippon Airways có các chi nhánh tại châu Âu, Singapore, Bắc Mỹ và hiện diện trên hầu hết các sân bay lớn tại các quốc gia.
ANA là thành viên của Liên minh ngôi sao (Star Alliance) và được công nhận là hãng hàng không năm sao vào ngày 29 tháng 3 năm 2013 do Skytrax bình chọn. Năm 2011, doanh thu ANA vào khoảng 1400 tỷ yên với thu nhập ròng là 28,17 tỷ yên.
Đầu tư vào Vietnam Airlines
Với việc bàn thảo mua lại cổ phần của Vietnam Airlines, ANA đang có tham vọng trở nên nhà đầu tư chiến lược tại hãng hàng không quốc gia Việt Nam. Thực tế, sau thất bại trong việc thâu tóm 49% của Asian Wings Airways của Myanmar càng khiến cho ANA Holdings Inc, trở nên quyết tâm hơn trong thương vụ này.
Ông Shinichiro Ito - Chủ tịch ANA cho biết tập đoàn hàng không đang thương thảo với nhiều hãng khác, một phần trong chiến lược mở rộng hoạt động ra toàn cầu và tìm đồng minh tại thị trường châu Á, đặc biệt trong bối cảnh thị trường hàng không giá rẻ tại châu Á đang bị "ngập lụt" với quá nhiều đối thủ cạnh tranh.
Đông Nam Á được dự báo là thị trường tăng trưởng tốt nhất của ANA
ANA Holdings đã để mắt tới phân khúc thị trường hàng không Đông Nam Á trong nhiều năm. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán không đi đến được thỏa thuận cuối cùng. Ông Ito nói rằng kế hoạch củng cố vị thế của ANA bị cản trở nhiều hơn tại châu Á so với châu Âu và Mỹ. Tác nhân là số lượng lớn các hãng vận chuyển thuộc sở hữu nhà nước một phần hoặc toàn bộ.
“Gần như không thể đạt được thỏa thuận. Vì vậy, thay vì thâu tóm toàn bộ công ty, chúng tôi sẽ nắm giữ tỷ lệ cổ phần nhỏ tại mỗi hãng, làm quen và bắt tay hợp tác. Đây cũng là kế hoạch đang được chúng tôi triển khai", ông Ito cho hay.
Chuyên gia phân tích Ryota Himeno của ngân hàng Barclays dự đoán các hãng hàng không châu Á có thể sáp nhập trong 5 năm tới. “Khi những hãng hàng không giá rẻ gia tăng thị phần nhiều hơn, các hãng lớn sẽ chịu áp lực và hợp nhất là điều dễ xảy ra. ANA đang rất thận trọng với những cơ hội này”, ông nhận định.
Thị trường Việt Nam được đánh giá có thể là điểm đến tiếp theo của ANA, nhất là khi họ muốn giảm sự hiện diện tại Trung Quốc.
Có vẻ như thương vụ này sẽ có cơ hội thành công khi Financial Times dẫn một nguồn tin thân cận cho biết, phía Vietnam Airlines cũng đang xem xét bán 20% cổ phần cho một đối tác chiến lược.
Trí Thức Trẻ/CafeBiz