MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hào phóng như người Ireland

08-04-2014 - 09:21 AM | Tài chính quốc tế

Các biện pháp ưu đãi để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đã góp phần giúp Ireland đối phó tốt hơn với khủng hoảng.

Mối quan hệ giữa các công ty đa quốc gia và chính phủ các nước là mối quan hệ như thế nào? Làm cách nào để phát triển mối quan hệ này sao cho cả hai bên cùng có lợi? Đó chính là chủ đề của báo cáo đặc biệt được tạp chí kinh tế nổi tiếng The Economist thực hiện mà chúng tôi xin lược dịch và mong muốn giới thiệu tới bạn đọc.


Nền kinh tế Ireland đang trải qua thời kỳ khó khăn sau cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008. Sản lượng sụt giảm nhanh chóng (giảm 21% trên giá trị danh nghĩa), tỷ lệ thất nghiệp tăng từ 5% lên 15%. Do sự “tụt dốc” của giá nhà (giảm tới 47%), nhiều ngân hàng đứng trước bờ vực phá sản và cần được giải cứu; gián tiếp đẩy tỷ lệ nợ/GDP lên đến 123%. Nước này buộc phải xin gói cứu trợ khẩn cấp từ liên minh EU, và bước đầu đã có sự khởi sắc trở lại.

Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, trong suốt cuộc khủng hoảng vừa qua, chính phủ Ireland đã từ chối thay đổi một vấn đề: giữ nguyên mức thuế 12.5% trên lợi nhuận doanh nghiệp. Điều này đã giúp giữ chân các doanh nghiệp Mỹ. 

Theo thống kê của Cơ quan phát triển Ireland (IDA), Mỹ chiếm khoảng 70% tổng vốn đầu tư trực tiếp ngoài vào nước này. Từ năm 2009 đến 2011, tỷ lệ vốn FDI trong tổng GDP của Ireland đã giảm từ 23,9% xuống còn 10,5%, tuy nhiên con số này đã phục hồi ở mức 19.4% năm 2012. Như vậy, trong vòng 3 năm từ 2009-2012, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng kinh tế, Ireland vẫn nằm trong top 10 địa điểm có tỷ trọng vốn FDI trên tổng GDP lớn nhất thế giới. Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân giúp nước này thành công trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài có liên quan đến chế độ quản lý. Các công ty không có lý do để e ngại rằng thuế sẽ đột nhiên tăng vọt ở đây.

Nếu không có sự trợ giúp từ các công ty đầu tư nước ngoài, tình trạng khủng hoảng ở Ireland sẽ tồi tệ hơn. Theo tính toán của tổ chức IDA, các công ty đã tạo việc làm cho hơn 270,000 lao động, chi trả khoảng 17 tỷ euro tiền lương mỗi năm, tạo ra giá trị xuất khẩu 122 tỷ euro và đóng góp vào ngân sách thuế gần 2,8 tỷ euro. Thêm vào đó, lao động ở các doanh nghiệp này cũng phải đóng thuế thu nhập cá nhân, tham gia tiêu dùng trên thị trường, thanh toán thế chấp, và giúp nhà nước giảm chi phí trợ cấp thất nghiệp đáng kể. Trong trường hợp này, chính phủ Ireland được hưởng mức lợi nhuận tương đương 2.6% GDP (mức trung bình EU) để bù đắp cho chính sách thuế doanh nghiệp thấp hơn mức bình thường. 

Ngài Barry O’Leary từ tổ chức IDA cho rằng nhiều công ty nước ngoài đầu tư vào Ireland thuộc ngành công nghệ vẫn chưa thu được lợi nhuận và không thực sự được hưởng lợi từ chính sách thuế thấp của nước này. Rob Skinner thuộc công ty thanh toán Online PayPal cho biết tập đoàn này là một trong số các công ty tiếp cận thị trường Ireland sớm nhất năm 2003. Một công ty công nghệ đầu tư cùng lúc đó vào Ireland với khoảng 25 nhân viên. Sau đó, PayPal thâu tóm lại công ty này, đến nay số nhân viên của cả tập đoàn đã lên tới hơn 2,000 người.

Thuế không phải là ưu tiên suy nhất hấp dẫn PayPal. Ngài Skinner cho rằng các cơ quan ở Dublin cung cấp cơ sở giúp các công ty mở rộng hoạt động trên khắp thị trường châu Âu, Trung Đông hay châu Phi. “Lao động tại Ireland có thể thông thạo nhiều thứ tiếng, giúp chúng tôi giao dịch với các khách hàng từ khắp nơi trên thế giới” ông giải thích.

Tập đoàn Gilt – thương hiệu bán lẻ thời trang nổi tiếng Online, đã hoạt động tại Ireland từ năm 2011. Michelle Peluso, giám đốc điều hành thương hiệu miêu tả Ireland như “một thị trường sôi động". "Chi phí thấp và địa điểm lý tưởng đôi khi không có tác dụng nếu bạn không có nguồn nhân lực thực sự tốt. Chất lượng nhân viên ở Ireland khá cao và họ có tài thực sự trong lĩnh vựa khoa học hay tính toán.” Sự chênh lệch múi giờ giữa hai bán cầu Âu-Mỹ giúp nhân viên của tập đoàn này có thể hoạt động 24/24. Đội ngũ nhân viên ở Mỹ đến nơi làm việc vào sáng sớm và nhận thấy chỉ qua một đêm, các đồng nghiệp ở Ireland đã giải quyết hết các vấn đề của ngày hôm trước.

Ngài O’Leary cho biết IDA tập trung thu hút đầu tư trên 5 lĩnh vực chính: dông nghệ (các tập đoàn tiêu biểu như IBM hay HP); dược phẩm (Novartis hay Abbott); dịch vụ tài chính (các tập đoàn quản lý tài sản lớn tìm đến Dublin như trụ sở cho các quỹ ở châu Âu); công nghệ kỹ thuật số (Google hay PayPal); thực phẩm (Ireland có thể tiếp tục phát huy lợi thế trong ngành công nghiệp bơ sữa).

Dublin, Cork và Galway tập trung khoảng 65-70% tổng số dự án FDI; vì vậy IDA mong muốn các công ty có thể đầu tư xa hơn vào các thành phố khác. Ví dụ, tập đoàn Gilt đã đồng ý xây dựng trụ sở tại Limerick với sự hỗ trợ của IDA. Mặc dù các điều lệ của EU ngăn cản các nước trợ cấp cho một số ngành công nghiệp đặc biệt; một số ưu đãi vẫn được cho phép để giúp các công ty chuyển đến các địa điểm mới – với điều kiện các công ty đáp ứng đủ tiêu chuẩn để nhận khoản trợ cấp này.

Chính sách thuế doanh nghiệp thấp của Ireland đã gây nên nhiều tranh cãi từ các nước EU; nhưng đây dường như là biện pháp duy nhất họ có thể thực hiện trong lúc này. Là một nền kinh tế nhỏ, nằm ở ngoại vi khu vực EU, Ireland phải nỗ lực rất nhiều để thu hút các công ty đa quốc gia. Nếu thất bại, các nhà đầu tư tiềm năng như Mỹ sẽ không ngần ngại rút khỏi nước này để tìm kiếm các thị trường hấp dẫn hơn. 

Thảo Phương

huongnt

Economist

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên