MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hoàng gia Qatar: nhà tài trợ chính cho bạo loạn Trung Đông

20-03-2013 - 08:47 AM | Tài chính quốc tế

Nhà al-Thani cung cấp súng ống và tiền mặt cho quân nổi dậy Syria cùng hàng tỷ USD viện trợ cho chính quyền mới ở Ai Cập và Tunisia.

Họ ở bất kỳ đâu. Trong cái thế giới khan hiếm đồng vốn và chật vật làm ăn này, Hoàng gia Qatar lại đang khẩn trương tung tiền thôn tính từ nhà chọc trời tới câu lạc bộ bóng đá, từ ngân hàng toàn cầu tới các thương hiệu nổi tiếng.

Và họ nổi tiếng không chỉ vì mỗi tiền. Tài sản có được từ kho dự trữ khí thiên nhiên lớn thứ ba thế giới của Hoàng gia Qatar đang là một vũ khí hữu hiệu để tranh giành ảnh hưởng chính trị trong những biến thiên gần đây tại Trung Đông.

Là nước ủng hộ chính cho phong trào Mùa xuân Arab, Qatar đã viện trợ hàng tỷ USD cho chính phủ mới ở Ai Cập và Tunisia. Nhà Al-Thani cũng nằm trong số những người quyết liệt ủng hộ quân nổi dậy tại Syria nhất (và trước đó là ở Libya) cả về tài chính lẫn vũ khí.

Bạn giàu là tốt, bạn chịu chi còn tốt hơn

Đây là bước chuyển đáng kinh ngạc của một quốc gia vùng Vịnh lạc hậu từng khép nép bên cái bóng khổng lồ của người hàng xóm Saudi Arabia. Qatar chỉ có 1,9 triệu dân, chưa đến 20% trong số đó có quốc tịch, nhưng đang khao khát khẳng định mình với vai trò một cường quốc trong khu vực.

Dù cách tự đánh bóng bản thân của Qatar có trái ngược hoàn toàn với chiến thuật vươn ra toàn cầu trong bí mật của Saudi Arabia, nhưng Qatar lại rất thực tế, và luôn tìm kiếm chỗ đứng vững chắc cả về chính trị và thương mại ở bất kỳ đâu họ cho là có tiềm năng.

Ở cái khu vực bất ổn kinh niên này, việc Qatar bỏ tiền ra để mua bạn hữu thế giới là một cách bảo hiểm cho mình.

Tiểu vương Hamad bin Khalifa al-Thani, nhà tài trợ cho quân nổi dậy ở Libya và Sirya.

Theo một bức điện tín ngoại giao của Mỹ rò rỉ trên Wikileak, sau khi ủng hộ 100 triệu USD cho nạn nhân bão Katrina, Thủ tướng Qatar Hamad bin Jassim al-Thani từng nói với một viên chức Mỹ: “Có thể một ngày nào đó bão Katrina sẽ viếng thăm chúng tôi.”

Cơn bão ấy có thể đến khi Mỹ tấn công Iran và phong tỏa eo biển Hormuz, con đường xuất khẩu khí hóa lỏng chính của Qatar.

Tham vọng lớn của Qatar xuất phát từ Tiểu vương Hamad bin Khalifa al-Thani, và Thủ tướng Hamad bin Jassim là người thực thi. Vai trò của Thái tử Tamim bin Hamad al-Thani ngày càng đậm nét vì sớm muộn ông cũng thừa kế ngai vàng.

Nhiều tranh cãi

Lăn lộn nhiều thì cũng va chạm nhiều, trong đó gần đây nhất là vụ chính quyền Anh điều tra xem liệu Barclays Bank có cho Qatar vay tiền đảo nợ hồi năm 2008 hay không.

Các khoản đầu tư của Qatar tại Pháp cũng gây nhiều phản ứng trái chiều, đặc biệt là khi nhà al-Thani đang cân nhắc hỗ trợ tài chính cho một quỹ đầu tư do cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy điều hành.

Ngay tại Trung Đông, Qatar có nhiều người yêu những cũng không ít kẻ ghét. Có người xem Qatar là vị cứu tinh, cũng có người coi tiểu quốc này là kẻ gian hùng chuyên xui nguyên giục bị.

Những người thân cận với Hoàng gia Qatar cho biết nhà al-Thani đã quen với những tranh cãi, đặc biệt là khi họ vẫn dùng kênh truyền hình Al Jazeera trút bom dư luận khắp nơi.

Tuy vậy, theo một số cố vấn thân cận, ban lãnh đạo Qatar đặc biệt nhạy cảm với lời chỉ trích nào có thể phương hại tới hình ảnh chói lòa mà họ đã dày công vun đắp trong con mắt nhà đầu tư.

Dài hạn là câu chuyện của tiền

Trong vụ sát nhập Xstrata và Glencore, nhờ nhà al-Thani chống lưng mà CEO của Glencore chuyển bại thành thắng, hất cẳng được CEO của Xstrata và lên ngồi ghế CEO công ty mới thành lập

Qatar đầu tư ra nước ngoài qua tập đoàn Qatar Holdings, bộ phận đầu tư trực tiếp của quỹ tài sản nhà nước Qatar Investment Authority (kể từ khi thành lập năm 2005 tới nay, tài sản của QIA đã đạt 100 tỷ USD). QIA còn là một công cụ đối ngoại của Qatar khi tiến hành đầu tư hợp vốn với nhiều nước khác như Indonesia và Libya.

“Cái chúng tôi quan tâm nhiều nhất là lợi nhuận,” Ahmad al-Sayed, CEO của Qatar Holdings, nói. “Rút cục thì chúng tôi đang đầu tư thay cho thế hệ tương lai … nếu điều ấy có làm nảy sinh những mối quan hệ hợp tác có ý nghĩa vượt trên cả lợi nhuận, thì càng tốt chứ sao.”

Hai thị trường ưa thích của Qatar là Anh và Pháp, nơi các cá nhân và doanh nghiệp có chính phủ chống lưng thường sở hữu các bất động sản giá trị, như tòa nhà Shard ở London và dãy nhà trên đại lộ Champs-Élysées ở Paris.

Tiền từ Doha ở gần nên khi Trung Đông đỏ lửa, hai cường quốc này cũng muốn tìm đến với nhà al-Thani hơn. Để thể hiện thiện chí, hiện Qatar còn đang đàm phán xây dựng hệ thống cống ngầm trị giá 10 tỷ Bảng Anh dưới lòng London.

Giới ngân hàng và tư vấn tài chính cho biết mối ưu tiên hàng đầu của Qatar đã chuyển từ “tiếng” sang “miếng”. Họ còn nghi ngờ Qatar đã đóng vai trò quyết định trong vụ sát nhập hai đại gia khai mỏ XstrataGlencore.

“Hồi xưa họ có thể làm những vụ thật lớn rồi biến mất, họ chỉ thích lên báo thôi mà, nhưng giờ thì ra tiền hay không mới là vấn đề,” một nhà tư vấn nói.

Quỳnh Oanh

tuannm

FT

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên