MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hội nhập kinh tế ở Thái Bình Dương: Những "công xưởng bay"

07-01-2015 - 10:08 AM | Tài chính quốc tế

Đông Á đã trở thành một trong những khu vực có mạng lưới thương mại nhộn nhịp nhất trên thế giới.

"Thời đại Thái Bình Dương" là tiêu đề của báo cáo đặc biệt được đăng tải trên tờ The Economist. Báo cáo này nói về lịch sử phát triển, vị trí chiến lược và tầm quan trọng về kinh tế cũng như chính trị của khu vực Thái Bình Dương. 

Năm 1999, Andy Chan - một thương nhân người Hồng Kông - mở một công ty tại Thâm Quyến, cách biên giới đất liền Trung Quốc vài km. Tại đây, ông đã bày bán những bánh xà phòng được đóng gói xinh xắn, vốn là hàng tồn kho sau lễ Giáng sinh tại Mỹ. Mỗi bánh xà phòng có giá 10 USD - tương tự như giá bán lẻ tại hệ thống Walmart. Công ty của ông tự sản xuất, đóng gói và vận chyển hàng trăm nghìn sản phẩm trong mỗi container - với giá chỉ 4 USD. 

Trong năm đầu tiên, ông đã thu được một món hời lớn. Nhận viên của công ty được trả công rất rẻ mạt, 290 nhân dân tệ (sau này tăng lên 35 USD/tháng). Trong khi đó giá nguyên liệu nhập khẩu từ Malaysia thấp gần như cho không.

Tuy nhiên, tỷ giá hối đoái đồng Nhân dân tệ bất ngờ tăng vọt. Điều này khiến mức lương ông phải cho công nhân tăng "gấp 10 lần". Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng bắt đầu thực thi các qui định kiểm soát làm thêm giờ và hạn chế cạnh tranh gay gắt. Các doanh nghiệp bắt đầu phá sản hàng loạt. Bây giờ, ông đang làm nghề lái taxi. "Bạn không thể kinh doanh một cách thuận lợi tại Thâm Quyến nữa, trừ khi "phá vỡ các luật lệ". Bạn nên chuyển tới Đông Nam Á," ông chia sẻ một cách buồn bã.

Kể từ khi các  tập đoàn Nhật Bản thành công với mô hình kinh tế "đàn nhạn bay" cuối những năm 1980, các nhà máy ở châu Á đã di cư từ Trung Quốc sang vùng đất "kỳ diệu" Đông Nam Á. Đa số các nhà máy này thuộc sở hữu của các tập đoàn đầu tư nước ngoài, hướng tới thị trường lao động giá rẻ và mang lại hiệu quả cao. Các thành phố ven biển Trung Quốc có giá lao động khá cao, trong khi những khu vực sâu trong nội địa như Trùng Khánh, có giá nhân công thấp hơn cả Việt Nam hay Campuchia, trở thành những địa điểm tiềm năng mới.

Tuy vậy, mô hình "đàn nhạn bay" không còn thích hợp trong thời điểm hiện tại. Bộ máy sản xuất đã phát triển chằng chịt như mạng nhện; các nhân tố luôn biến động bất ngờ và hàng hoá được trung chuyển qua biên giới một cách phổ biến. 

Victor và William Fung là chủ sở hữu công ty Li and Fung, có trụ sở tại Hồng Kông nhưng chuyên về quản lý chuỗi phân phối sản phẩm trên toàn cầu. Họ cho rằng mạng lưới cung ứng này sẽ "phá huỷ chuỗi nhà máy truyền thống". Các nhà cung ứng có thể đến từ bất cứ đâu trên thế giới. Trong cuốn sách "Competing in a Flat World" (tạm dịch: Cạnh tranh trong một thế giới phẳng) hợp tác với Yoram Wind, anh em nhà Fung đã lấy ví dụ về chiếc quần short họ sản xuất cho thị trường bán lẻ Mỹ. Chiếc cúc đến từ Trung Quốc, khoá kéo đến từ Nhật Bản, sợi vải được xử lý tại Bangladesh, nhuộm màu ở Trung Quốc, sản xuất thành phẩm cuối cùng tại Pakistan. "Tuy nhiên, mỗi chiếc quần short trông hoàn chỉnh như thể tất cả các khâu được thực hiện trong cùng một nhà máy."

Mạng lưới hỗn loạn

Đông Á đã trở thành một trong những khu vực có mạng lưới thương mại nhộn nhịp nhất trên thế giới. Quan hệ thương mại giữa các quốc gia EU thậm chí còn rộng mở hơn nhưng họ đều có chung một thị trường chung thống nhất. Trong khi đó, thị trường Đông Á chỉ vận hành dựa trên một số hiệp định tự do thương mại. Prema-chandra Athukorala, nhà kinh tế học đến từ Úc, cho biết từ cuối những năm 1990, mạng lưới thương mại đã trở thành một phần quan trọng trong lĩnh vực sản xuất - xuất khẩu. Thị phần của các quốc gia khu vực Đông Á tăng mạnh 14% trong giai đoạn 1992 - 1993, và hơn 30% trong giai đoạn 2007 - 2008, nhờ động lực chính đến từ Trung Quốc.
 
Theo ý kiến của Arvind Subramanian và Martin Kessler đến từ Viện nghiên cứu Peterson, vai trò to lớn của Trung Quốc trong việc kiến tạo "Công xưởng Châu Á" đã khiến đồng tiền của hầu hết các nước trong khu vực có xu hướng lệ thuộc vào đồng Nhân dân tệ hơn là đồng USD. Tuy nhiên, cho dù nắm giữ ảnh hưởng to lớn, Trung Quốc chỉ là một mắt xích trong toàn bộ mạng lưới chứ không phải trung tâm của nó. "Điều đặc biệt ở khu vực này là sự phối hợp chặt chẽ giữa hai làn sóng hội nhập khu vực và hội nhập thế giới. Chuỗi cung ứng có sự tham gia của thị trường hàng hoá tại Mỹ và châu Âu," Razeen Sally đến từ Học viện chính sách công cộng Lý Quang Diệu (Singapore) nói.

Thương mại toàn cầu đang phục hồi chậm chạp trong hai năm vừa qua. Năm 2012, lần đầu tiên các giao dịch thương mại khu vực Đông Á với các đối tác khác trên thế giới không mang lại hiệu quả tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, bất chấp những hậu quả còn sót lại từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008, các mạng lưới thương mại vẫn giữ vai trò không thể thay thế.

Xuất khẩu, đặc biệt tới thị trường châu Mỹ, đã có dấu hiệu tăng mạnh trong mùa hè này. Sudhir Shetty, trưởng ban kinh tế - đại diện ngân hàng thế giới World Bank tại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương - kỳ vọng các nền kinh tế mới nổi trong khu vực sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 7% trong năm nay, tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu thế giới.

Trong khi tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc có dấu hiệu chững lại, những nỗ lực mạnh mẽ từ các nước thành viên ASEAN bao gồm Indonesia, Philippines, Singapore và Việt Nam đã giúp khu vực duy trì tốc độ phục hồi. ASEAN đang tiến tới thiết lập một "cộng đồng kinh tế chung" - một thị trường duy nhất giúp trao đổi vào lưu thông hàng hoá thuận lợi xuyên biên giới. 

Tuy nhiên, các tranh chấp lãnh thổ gần đây giữa Trung Quốc và một số nước láng giềng trên vùng biển Đông đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ thương mại khu vực, đặc biệt với một số đối tác quan trọng như Nhật Bản và Việt Nam. Mặc dù những biến động này chưa tạo ra các ảnh hưởng kinh tế rõ rệt, nhiều nguy cơ bắt đầu lộ diện.

James Reilly đến từ trường đại học Sydney cho rằng tình trạng hiện giờ của Trung Quốc là một mô hình xây dựng dựa trên nguyên lý tên là "nghệ thuật quản lý nhà nước". Trọng tâm của chiến lược này là khai thác tối đa nguồn lực kinh tế để tăng cường sức mạnh đối ngoại, hay còn có tên gọi khác là: "chiến lược cây gậy và củ cà rốt". Ở châu Á, củ cà rốt tượng trưng cho hệ thống cơ sở hạ tầng bao gồm đường ống, đường sắt và đường bộ mà Trung Quốc đã đầu tư trong khu vực, chủ yếu được sử dụng để cung cấp nguyên liệu thô cho thị trường nội địa Trung Quốc. Tuy nhiên, nó mang ý nghĩa to lớn đối với một số nước láng giềng có điều kiện khó khăn.

Tuy nhiên, ép buộc quá sẽ phản tác dụng. Năm 2012, các quan chức chính phủ Trung Quốc gián tiếp khuyến khích người tiêu dùng tẩy chay hàng hoá Nhật Bản khi nước này tái khẳng định chủ quyền đối với quần đảo đang tranh chấp có tên Senkaku (tiếng Nhật )/Điếu Ngư (tiếng Trung). Các quan chức hải quan cũng thắt chặt kiểm soát hàng hoá nhập khẩu từ Nhật Bản. Tuy nhiên, Nhật Bản cũng có các hành động đáp trả. Họ thiết lập quan hệ đồng minh với một số nước trong khu vực, những nơi cũng phản đối thái độ gây hấn của Trung Quốc, ông Reilly cho biết. Cũng trong năm đó, các biện pháp hạn chế nhập khẩu chuối từ Philippines của Trung Quốc đã dẫn đến phản ứng dữ dội trong cộng đồng người Filipinos, đưa nước này gần hơn với Mỹ. 

Kể từ đó, các quan chức Mỹ cho rằng các nước đồng minh trong khu vực đang có xu hướng tăng cường mối quan hệ vđể tránh các áp lực từ phía Trung Quốc. Vốn đầu tư từ Nhật Bản vào Trung Quốc đã giảm từ 13,5 tỷ USD năm 2012 xuống 9,1 tỷ USD năm 2013. Trong khi đó, số vốn Nhật Bản đầu tư vào khu vực Đông Nam đã tăng gấp đôi, lên tới 23,6 tỷ USD. 

Myanmar, vốn là một đồng minh lâu năm của Trung Quốc, gần đây đã bày tỏ thái độ cởi mở hơn với phương Tây. Thậm chí ngay tại Singapore, nơi cộng đồng người Hoa chiếm đa số và được xem như là cầu nối văn hoá giữa phương Đông và phương Tây, rất nhiều người đã lên tiếng phản đối các động thái của Trung Quốc. 

Vấn đề nội bộ của Trung Quốc

Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có dấu hiệu không bền vững, mức sống trung bình còn tương đối yếu kém. Không kể tới sự bùng nổ của tầng lớp trung lưu tại các thành phố ven biển, GDP bình quân cả nước vẫn dừng ở mức tương tự Malaysia hay Philippines, cách khá xa các nước phát triển trong khu vực như Hàn Quốc và Nhật Bản. 

Điều này có nghĩa Trung Quốc cần tiếp tục cải cách kinh tế, nâng cao chất lượng hàng hoá và dịch vụ sản xuất nội địa, với kỳ vọng sẽ đạt được thành công như Singapore hay Hồng Kông. Trong đó, tỷ trọng dịch vụ (ngân hàng...) sẽ tạo ra giá trị hơn hẳn các ngành công nghiệp sản xuất.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng cải cách dịch vụ là một trong những trọng tâm phát triển hàng đầu hiện nay. Bên cạnh đó, sự phát triển của công nghệ robot, in 3D và các xu hướng đại chúng mới đến từ Bắc Mỹ cũng tạo nên áp  lực vô hình lên hệ các "công xưởng sản xuất" ở châu Á. Nhiều cơ hội tiềm năng thay thế ngành sản xuất bắt đầu xuất hiện. 

Mùa hè năm ngoái đánh dấu thành công kỷ lục của Alibaba IPO, khi họ phát hành cổ phiếu lần đầu tiên trên thị trường chứng khoán New York. Đây là một trong những tiềm năng mới của Trung Quốc trên lĩnh vực thương mại kỹ thuật số. Tencent, một công ty Internet Trung Quốc, đạt doanh thu và lợi nhuận hơn hẳn Facebook. Lisa Hanson đến từ Niko Partners - trung tâm tư vấn có trụ sở tại thung lũng Silicon cho biết, các công ty như Tencent đã giúp Trung Quốc đi đầu trong lĩnh vực Game Online trên toàn thế giới.

Một trong những công cụ tốt nhất để thúc đẩy cải cách kinh tế là mở rộng tự do thương mại và cạnh tranh quốc tế để buộc các ngành công nghiệp - dịch vụ truyền thống phải đổi mới. Giang Trạch Dân, tổng thống Trung Quốc tại thời điểm Trung Quốc gia nhập tổ chức kinh tế thế giới WTO năm 2001, ý thức rõ điều này. Thủ tướng Nhật Bản, Shinzo Abe, cũng chung ý tưởng khi ông tham gia vào Trans-Pacific Partnership, hiệp hội thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương dẫn đầu bởi Mỹ. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra ở đây là liệu ông Tập và ông Abe có thực sự để tâm đến các Hiệp định và sử dụng chúng như một động lực duy trì cải cách, và liệu Mỹ có luôn sẵn sàng sát cánh cùng họ?

Thảo Phương

huongnt

Economist

Trở lên trên