MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Huawei, ZTE và làn sóng đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ

09-10-2012 - 12:10 PM | Tài chính quốc tế

Bất chấp những vụ lùm xùm gần đây, dòng chảy đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ vốn đang phát triển rất nhanh sẽ không giảm tốc.

Những tin tức gần đây có thể khiến mọi người nghĩ rằng Mỹ đang “đóng sầm” cánh cửa đối với thương mại và đầu tư của Trung Quốc. Ngày 17/9, Washington nộp đơn lên WTO, cáo buộc Trung Quốc vi phạm các quy tắc của Tổ chức thương mại thế giới khi hỗ trợ quá nhiều cho ngành sản xuất ô tô. 

Sau đó, ngày 28/9, Tổng thống Barack Obama thông báo cấm cửa 1 công ty đến từ Trung Quốc, không cho phép công ty này xây dựng nhà máy điện gió ở gần 1 căn cứ quân sự ở bang Oregon. Cần phải nhấn mạnh rằng đây là lần đầu tiên 1 vị Tổng thống Mỹ  cấm cửa nhà đầu tư nước ngoài với lý do an ninh trong vòng 22 năm qua. 

Cuối cùng, báo cáo của ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ được công bố ngày hôm qua (8/10) là diễn biến mới nhất. Huawei Technologies và ZTE, 2 công ty viễn thông lớn nhất Trung Quốc, bị nghi ngờ đe dọa đến an ninh quốc gia Mỹ. Theo đề xuất của ủy ban, 2 công ty này nên bị cấm không được mua lại các công ty của Mỹ.

Theo William Plummer, người phát ngôn tại Washington của Huawei, được lãnh đạo bởi 1 cựu tướng từng phục vụ trong quân đội Trung Quốc, “gã khổng lồ” Huawei đang có tới 14 văn phòng đang hoạt động ở Mỹ với 1.700 nhân viên và đã đạt doanh thu 765 triệu USD trong năm 2010. 

“Tất cả mọi người đều hiểu rằng đây là cuộc chiến căng thẳng giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới”, Plummer phát biểu trong 1 buổi phỏng vấn trước khi báo cáo này được đưa ra. Tuy nhiên, thực ra thì từ lâu Mỹ đã hạn chế hoạt động của Trung Quốc. Năm 2008, thương vụ mua lại nhà cung cấp mạng 3Com của Huawei đã gặp thất bại do vấp phải sự phản đối của chính phủ Mỹ. 

Tuy nhiên, theo Thilo Hanemann, giám đốc nghiên cứu tại tập đoàn tư vấn Rhodium, bất chấp những vụ lùm xùm gần đây, dòng chảy đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ vốn đang phát triển rất nhanh sẽ không giảm tốc. 

Theo ông, các công ty Trung Quốc với lượng tiền mặt dồi dào vẫn đang háo hức thâm nhập vào Mỹ nhằm tận dụng những ưu điểm về công nghệ, thương hiệu cũng như lực lượng lao động có tay nghề cao của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Lợi thế giá tài sản tương đối rẻ cũng là 1 điểm thu hút. 

Theo ước tính thực tế, số tiền mà Trung Quốc đầu tư vào Mỹ trong năm nay có thể lên đến 8 tỷ USD, tập trung ở các dự án năng lượng, hàng không và nhiều lĩnh vực khác. Trong đó, thương vụ mua lại tập đoàn giải trí AMC với giá 2,6 tỷ USD đánh dấu bước nhảy vọt của đầu tư Trung Quốc vào Mỹ.  

Đến năm 2020, đầu tư lũy kế của Trung Quốc vào Mỹ được dự đoán sẽ lên đến con số 200 tỷ USD và tạo ra 400.000 việc làm.
 
Và, mặc dù các vấn đề về an ninh thu hút được nhiều sự chú ý, đặc biệt là khi 2012 là năm bầu cử của nước Mỹ, phần lớn các hoạt động đầu tư của Trung Quốc vẫn không hề bị ảnh hưởng. 

Trong khi đó, Hanemann cho biết, nếu như nhìn vào các khoản đầu tư của Trung Quốc trong 2 năm gần đây, vẫn có rất nhiều thương vụ trong các lĩnh vực mà ít ai ngờ sẽ được chính phủ Mỹ thông qua, điển hình như các dự án nhà máy điện, khai thác khí gas, các dự án bất động sản và cả trong lĩnh vực hàng không. Đánh giá 1 cách công bằng, chính phủ Mỹ khá cởi mở. Tuy nhiên, viễn thông là 1 ngành chắc chắn sẽ tiếp tục ẩn chứa nhiều vấn đề.

Ngược lại, chính Bắc Kinh với những qui định giới hạn khắt khe, điển hình là sự kiểm soát chặt chẽ đối với lượng tiền được chuyển ra nước ngoài, mới là rào cản lớn. 

Minh Anh

huongnt

Bloomberg

Trở lên trên