Ông Dominique Strauss-Kahn, giám đốc điều hành Quỹ tiền tệ
quốc tế (IMF), cho rằng chính phủ các nước đang mạo hiểm với một cuộc chiến
tranh tiền tệ nếu họ sử dụng tỷ giá để giải quyết vấn đề nội địa.
Đáng nhớ, vào cuối tháng 9/2010, ông đã tuyên bố không nhìn
thấy rủi ro của cuộc chiến tiền tệ. Tuy nhiên sau một loạt động thái mới của
chính phủ các nước, ông đã thay đổi quan điểm của mình.
Ông Dominique Strauss-Kahn đã đưa ra bình luận trên trước
khi đồng yên hạ giá so động thái nới lỏng chính sách tiền tệ và hạ lãi suất cơ
bản của Ngân hàng Trung ương Nhật. Ngân hàng Trung ương Nhật ngoài ra còn lập
nên 1 quỹ để mua trái phiếu chính phủ và một số loại tài sản khác.
Trong bài phát biểu với FT ngày thứ Hai, ông nói: “Rõ ràng ý
tưởng phổ biến hiện nay chính là các đồng tiền đang được sử dụng như vũ khí
chính sách. Chuyển từ ý tưởng sang hành động, rủi ro đối với đà phục hồi của
kinh tế toàn cầu không hề nhỏ. Cách tiếp cận trên sẽ có ảnh hưởng xấu trong dài
hạn.”
Ngày thứ Ba, đồng yên hạ giá so với đồng USD sau khi BOJ
công bố quyết định mới nhất. Giá trái phiếu chính phủ, cổ phiếu và vàng đồng
loạt tăng bởi dự báo về khả năng đợt chính sách nới lỏng định lượng mới chuẩn
bị được áp dụng.
Những tuần gần dây, chính phủ của nhiều nền kinh tế lớn trên
thế giới đã đưa ra nhiều biện pháp để giảm bớt áp lực tăng giá của đồng nội tệ.
Nhật can thiệp bán đồng yên để hạ giá đồng yên. Braxin đe dọa đưa ra chính sách
hạn chế đồng real tăng giá và trong ngày thứ Hai đã tăng thuế đối với hoạt động
mua trái phiếu chính phủ Braxin của nhà đầu tư nước ngoài để hạn chế bớt dòng
vốn vào.
Nhà hoạch định chính sách kinh tế châu Âu tuyên bố họ đã có
điểm bất đồng với Thủ tướng Ôn Gia Bảo trong buổi họp mới đây tại Brussels. Họ cho rằng
đồng nhân dân tệ đang bị định giá thấp quá mức.
Trong tuần này, Thủ tướng Ôn Gia Bảo tuyên bố sẽ mua trái
phiếu chính phủ Hy Lạp. Tuy nhiên cac chuyên gia kinh tế tính toán rằng hoạt
động Trung Quốc mua trái phiếu chính phủ Hy Lạp sẽ chỉ khiến đồng euro tăng
mạnh hơn so với đồng nhân dân tệ.
Cuối tuần này sẽ diễn ra buổi họp thường niên của Quỹ tiền
tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WorldBank). Chủ đề được quan tâm nhiều
nhất dự kiến là kinh tế toàn cầu còn nhiều rắc rối và yếu tố bất ổn trong thâm
hụt tài khoản vãng lai.
Ngọc Diệp
Theo FT