MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

IMF, WB quá dễ dãi đối với quan chức cấp cao?

18-05-2011 - 17:45 PM | Tài chính quốc tế

Người ta nghi ngờ việc tuyển chọn các vị trí cấp cao tại các tổ chức này quá lỏng lẻo và chịu nhiều áp lực chính trị đến nỗi đã để lọt lưới những nhân cách tồi.

Dù cuối cùng Tổng giám đốc IMF có tội hay vô tội, vụ bắt giữ ông đã khiến người ta phải đặt câu hỏi liệu các tổ chức quốc tế có quá dễ dãi với quan chức hàng đầu của họ trong những vấn đề như vậy.

Vụ bê bối này xảy ra ở thời điểm các công ty tư nhân đang ngày một khắt khe hơn với hành vi xâm phạm tình dục của các giám đốc điều hành cao cấp. Rất nhiều công ty đã sa thải giám đốc điều hành vì những vụ tai tiếng như vậy.

Ông Strauss-Kahn, tổng giám đốc IMF, đã bị bắt giữ ngày thứ Bẩy tuần trước, khi ông chuẩn bị rời đến Paris sau khi một hầu phòng tại New York tố cáo ông đã cố tình cưỡng hiếp cô.

Luật sư của ông tuyên bố thân chủ của mình vô tội thế nhưng chỉ riêng việc bị bắt giữ đã làm tiêu tan hy vọng tranh cử Tổng thống Pháp vào năm 2012 hoặc tiếp tục giữ chức vụ Tổng giám đốc IMF.

Dù cuối cùng vụ việc như thế nào, các chuyên gia phân tích cho rằng các tổ chức quốc tế có thể không đủ khắt khe trong tiêu chuẩn tuyển dụng của họ,

Ông Strauss-Kahn, vốn nhận được sự ủng hộ của Liên minh châu Âu, vào năm 2008 đã đương đầu với cáo buộc quan hệ bất chính với một nữ kinh tế gia tại IMF.

Khi đó ông đã phải xin lỗi về sai lầm của mình. Ban điều hành của IMF kết luận rằng báo cáo về việc ngoại tình của ông không có sức nặng quyết định liệu ông có phải lãnh đạo tài năng hay không.

Ông Paul Wolfowitz, cựu Chủ tịch Ngân hàng Thế giới, sau khi chiến thắng vang dội vào năm 2005 với sự hậu thuẫn của cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush, đã phải từ chức 2 năm sau đó bởi căng thẳng dư luận lên cao sau khi ông đã nâng lương cho “người tình”.

Câu hỏi lớn về quá trình tuyển dụng

Các vụ việc trên là bằng chứng cho một số yếu kém trong quá trình chọn lựa lãnh đạo tại các tổ chức quốc tế.

Ông Yasmeen Hassan, phó giám đốc điều hành tổ chức Equality Now và từng làm việc tại Liên hợp quốc, nhớ lại về tổ chức này: “Tôi nghĩ khi người ta được thăng tiến lên vị trí cao, họ được các chính phủ đẩy lên và vì thế các vấn đề hóc búa được bỏ qua.”

IMF và Ngân hàng Thế giới được coi như các tổ chức thuộc UN nhưng trên thực tế UN không hề quản lý hay bổ nhiệm lãnh đạo tại đây.

Thế nhưng chính tại UN, nơi lãnh đạo thường tuyên bố không khoan nhượng với hành vi lạm dụng tình dục, cũng có những vấn đề riêng.

Đáng chú ý nhất phải kể đến vụ việc Ruud Lubbers, cựu cao ủy Liên hợp quốc phụ trách về người tị nạn, vào năm 2004 đã bị buộc tội quấy rối tình dục. Năm 2005, ông đã buộc phải từ chức.

Tại Tòa án quốc tế ở Hague, một tổ chức không thuộc Liên hợp quốc, công tố viên Luis Moreno-Ocampo vào năm 2006 đã bị tố cáo “sàm sỡ” một nữ nhà báo. Lời tố cáo về sau đã bị cho là thiếu căn cứ.

Liên hợp quốc tuyên bố họ biết rất rõ về các vụ việc trên và đang đẩy mạnh thắt chặt quản lý nhân viên.

Ông Catherine Pollard, trưởng bộ phận nhân sự tại Liên hợp quốc, khẳng định quá trình tuyển dụng được tiến hành thông qua quá trình cạnh tranh và chọn lựa cẩn thận và ứng viên cần phải công khai về bất kỳ vụ việc rắc rối nào cũng như lý do rời khỏi nơi làm việc cũ.

Nhân viên cấp cao phải hoàn thành các khóa đào tạo về tránh lạm dụng tình dục cũng như quyền lực.

Càng cao càng dễ?

Thế nhưng chẳng phải ai cũng tin vào các luận điểm trên. Ông George G. Irving, luật sư tại Liên hợp quốc, cho biết dù với các vị trí thấp, hồ sơ được chọn lựa và kiểm tra kỹ càng, nhưng đến các vị trí cao cấp, chẳng thể rõ quá trình trên có được thực hiện hay không.

Các tổ chức quốc tế luôn bảo vệ quy trình tuyển dụng của họ.

Tại Brussels, phát ngôn viên Pia Ahrenkilde-Hansen của Ủy ban châu Âu khẳng định quá trình tuyển dụng tại tổ chức khắt khe nhất thế giới và chủ tịch cũng như các ủy viên đều trải qua quá trình tuyển chọn khắt khe.

Quan chức NATO cho biết mọi nhân viên thuộc tổ chức, ngoại trừ người đứng đầu, phải chịu kiểm tra cực kỳ khắt khe.

Một quan chức NATO nói: “Họ xem xét mọi thứ và nói chuyện với tất cả những ai mà bạn từng quen biết.”

Trong lịch sử của NATO, chỉ duy nhất một Tổng thư ký bị buộc phải từ chức, ông Belgian Willy Claes đã phải rời khỏi chức vụ, và cuối cùng ông bị buộc tội nhận hối lộ.

Quan điểm luôn tự bảo vệ mình của các tổ chức quốc tế trong khi đó tương phản hoàn toàn với cách hành xử của các công ty tư nhân, từ HP cho đến BP về các vụ bê bối tình dục.

Các công ty tư nhân thường không chấp nhận tha thứ với các hành vi tồi tệ bởi họ lo ngại cuối cùng, dù vụ việc đó lớn hay nhỏ, sẽ lại tác động xấu đến công ty và vì thế họ cực kỳ thận trọng.

Ngọc Diệp
Theo Diễn đàn doanh nghiệp/CNBC


ngocdiep

Trở lên trên