MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Indonesia - "Công xưởng" mới của thế giới

14-08-2014 - 12:45 PM | Tài chính quốc tế

Nền kinh tế trong nước vững chắc và bất ổn chính trị ở các quốc gia láng giềng sẽ giúp Indonesia trở thành trung tâm sản xuất mới của châu Á.

CNBC đăng tải chùm bài viết có chủ đề “Asia tomorrow” (tạm dịch: Tương lai của châu Á) trả lời cho các câu hỏi: Châu Á đối mặt với những thay đổi chưa từng có tiền lệ như thế nào? Các nhà hoạch định chính sách châu Á đang làm gì và điều này có ý nghĩa như thế nào đối với các doanh nghiệp cũng như nhà đầu tư? Chúng tôi xin lược dịch series này với mong muốn đem đến cho bạn đọc những thông tin bổ ích.

Bài viết này nói về tiềm năng phát triển của Indonesia - nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á.

Giới phân tích nhận định nền kinh tế trong nước vững chắc và bất ổn chính trị ở các quốc gia láng giềng sẽ giúp Indonesia trở thành trung tâm sản xuất mới của châu Á.

“Indonesia có nhiều tiềm năng để chiếm được vị trí số 1 trong ngành sản xuất ở châu Á nhờ sự kết hợp giữa các yếu tố kinh tế và chính trị”, Wellian Wiranto – chuyên gia kinh tế đến từ ngân hàng OCBC – nhận định.

Một số công ty đã thông báo kế hoạch mở rộng hoạt động ở Indonesia. Hồi tháng 5, General Electric cho biết đang tìm hiểu về khả năng biến Indonesia trở thành trung tâm của hãng ở khu vực Đông Nam Á, trong khi LG cũng có kế hoạch sớm mở một nhà máy sản xuất máy điều hòa nhiệt độ ở West Java.

Toyota - nhà sản xuất xe hơi của Nhật Bản – tuyên bố coi Indonesia là trung tâm sản xuất hàng xuất khẩu. Hãng sẽ đầu tư 337 triệu USD vào một nhà máy mới ở Indonesia.
Hoạt động sản xuất ô tô của Indonesia đứng thứ hai ở khu vực, chỉ sau Thái Lan. Bộ Thương mại Indonesia dự báo xuất khẩu xe hơi của nước này sẽ đạt 5 tỷ USD trong năm nay, tức tăng trưởng 10% so với năm ngoái.

Báo cáo mới được công bố của Euromonitor đưa ra một vài nhân tố giúp Indonesia trở nên hấp dẫn đối với các nhà sản xuất, trong đó bao gồm chi phí nhân công thấp và dân số đông.
“So với các quốc gia khác ở châu Á Thái Bình Dương, Indonesia là nước có chi phí nhân công ở mức hấp dẫn nhất. Điều này có nghĩa là chi phí sản xuất giảm xuống và lợi nhuận mà các nhà sản xuất thu được sẽ tăng lên”.

Về khía cạnh này, Indonesia nổi trội so với Trung Quốc – nơi tiền lương đã tăng từ 10 đến 15% trong mấy năm gần đây, đe dọa vị thế là “công xưởng của thế giới”.

Là nước đông dân thứ tư thế giới (250 triệu người), sức tiêu thụ của người tiêu dùng Indonesia cũng là nhân tố hấp dẫn. Các hộ gia đình ở Indonesia với thu nhập khả dụng hàng năm trên 10.000 USD đã tăng từ mức 6 triệu của năm 2008 lên 16 triệu trong năm 2013.

OCBC nhận định bất ổn chính trị ở Thái Lan cũng giúp Indonesia thu hút đầu tư nước ngoài. Cuộc đảo chính quân sự diễn ra hồi tháng 5 đe dọa đến vị thế là trung tâm sản xuất giá rẻ của nước này. Sản lượng công nghiệp tháng 4 đã giảm xuống mức thấp nhất 2,5 năm, đánh dấu tháng giảm thứ 13 liên tiếp.

Bất chấp tình hình đã ổn định hơn, giới phân tích vẫn đưa ra những nhận định khá bi quan về Thái Lan. Trong một nghiên cứu mới được công bố, Hozefa Topiwalla – chuyên gia đến từ Morgan Stanley – nhận định rủi ro chính trị sẽ khiến tăng trưởng kinh tế của Thái Lan tiếp tục chậm lại trong một thời gian nữa.

Tổng thống mới đắc cử Joko Widodo cũng là một nhân tố sẽ tạo nên thuận lợi cho Indonesia. Ông đã từng là doanh nhân buôn đồ gỗ trước khi tham gia vào chính trường và luôn nhận được sự ủng hộ của công chúng vì sự gần gũi với người dân và sự trong sạch.

Thu Hương

huongnt

CNBC

Trở lên trên