MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Iran trước vận hội mới

06-04-2015 - 16:08 PM | Tài chính quốc tế

Khi hiệp ước về thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và Nhóm P5+1 có hiệu lực, các hạn chế, khó khăn sẽ dần được cởi bỏ đối với hàng ngàn doanh nghiệp Iran.

Các doanh nghiệp Iran đang háo hức với thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân chính phủ nước này đạt được với Nhóm P5+1 (Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) vừa qua. Hiệp ước khi được thông qua đồng nghĩa với nhiều biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Tehran sẽ được dỡ bỏ, kỳ vọng mang đến sự bùng nổ cho nền kinh tế quốc gia Tây Á.

Ramin Rabii, Giám đốc điều hành Công ty Đầu tư Turquoise Partners, có trụ sở tại Tehran, cho biết ông rất phấn khởi với thỏa thuận vừa đạt được bởi điều đó đi kèm với các lệnh trừng phạt kinh tế sẽ được dỡ bỏ. Theo ông Rabii, nhiều năm qua, Turquoise Partners phải vật lộn với những tác động từ biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ và phương Tây: tăng trưởng không ổn định, lạm phát cao, những giới hạn từ các ngân hàng quốc tế và thiếu hụt nguồn vốn.

Khi hiệp ước về thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và Nhóm P5+1 có hiệu lực, các hạn chế, khó khăn sẽ dần được cởi bỏ đối với hàng ngàn doanh nghiệp Iran. Điều này tạo sự bùng nổ cho kinh tế Iran, mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp trong nước cũng như nước ngoài và có thể làm thay đổi cán cân kinh tế tại vùng Vịnh.

Nhà kinh tế Mehrdad Emadi của Công ty Tư vấn Betamatrix ở London (Anh) nhận định những lĩnh vực Iran và nhiều nước phương Tây đã từng thảo luận hợp tác như dầu mỏ, sản xuất xe hơi giờ đã có thể xúc tiến nhanh. Ông Emadi dự đoán tốc độ tăng trưởng của Iran khi hiệp ước về hạt nhân được thông qua sẽ tăng 2%, đạt mức 5% trong năm nay. Và con số này sẽ có thể ở mức 7-8% ở 18 tháng tiếp theo, tương đương mức tăng của các “con hổ kinh tế châu Á” trong giai đoạn khởi sắc. “Về trao đổi thương mại giữa Iran với Liên minh châu Âu (EU), con số này năm 2014 là 7,6 tỷ EUR, nhưng có thể sẽ tăng 400% vào giữa năm 2018” - ông Emadi nói.

Giới quan sát tin rằng một trong những biện pháp trừng phạt gây tổn hại nghiêm trọng nhất cho nền kinh tế Iran do Bộ Tài chính Hoa Kỳ áp dụng là Điều 311 của Đạo luật Ái quốc, xác định Iran là khu vực rửa tiền, sớm được dỡ bỏ. Điều này sẽ tạo bước ngoặt đối với thương mại và đầu tư của Iran bởi các ngân hàng nước ngoài làm ăn với Iran không còn lo sợ trở thành mục tiêu bị trừng phạt của Hoa Kỳ.

Iran cũng có thể tham gia trở lại hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, vốn đã “cấm cửa” Tehran từ năm 2012. Trong khi đó, nền công nghiệp sản xuất của Iran sẽ có cơ hội phát huy hết năng lực. Ông Rabii cho hay nền công nghiệp nước này chỉ đang hoạt động khoảng 60-70% công suất. Còn 30% ngưng trệ do ảnh hưởng từ các biện pháp trừng phạt.

Không chỉ nền kinh tế Iran được hưởng lợi khi các biện pháp trừng phạt bị dỡ bỏ mà còn cả các quốc gia khác trong vùng Vịnh như Dubai, bạn hàng truyền thống của Iran và là nơi có rất đông người Iran sinh sống. Các biện pháp trừng phạt khiến trao đổi thương mại giữa 2 bên bị giảm đi 1/3. Với thỏa thuận hạt nhân này, các chuyên gia kinh tế cho rằng sẽ chứng kiến một làn sóng các doanh nghiệp của Dubai quay trở lại thị trường Iran.

Các công ty hoạt động trong lĩnh vực hàng không, logistics trong khu vực cũng được “thơm lây”. Tarek Sultan, Giám đốc điều hành công ty logistics Agility của Kuwait, cho rằng sức hút từ Iran rất lớn bởi việc bị cô lập đã thúc đẩy sự tự cường của nền kinh tế nước này. “Khi các hạn chế, rào cản được dỡ bỏ, Agility sẽ là một trong những công ty đầu tiên có mặt tại Iran” - ông Sultan khẳng định.

Theo Đức Hoàng

PV

Sài Gòn đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên