MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Janet Yellen - Người mang lại bình yên cho nước Mỹ

17-08-2015 - 15:20 PM | Tài chính quốc tế

Đã gần 20 tháng kể từ khi Janet Yellen trở thành chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), đủ lâu để bắt đầu đưa ra một số kết luận về hiệu quả làm việc của người đàn bà này trên cương vị chủ tịch FED. Và quả thực Janet Yellen đang làm rất tốt công việc của mình.

Nhiều người trong Quốc hội Mỹ mang tâm lý hoài nghi đã đặt ra câu hỏi về năng lực của FED trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ổn định. Trong khi đó các nhà đầu tư toàn cầu đang cho thấy họ đặt nhiều hơn niềm tin vào vị chủ tịch đương nhiệm so với hai người tiền nhiệm của bà là Ben S.Bernanke và Alan Greenspan.

Một cách tốt để đo đếm, định lượng mức độ niềm tin mà thị trường đặt vào FED đó là nhìn vào tính ổn định của giá các loại tài sản được giao dịch trên các thị trường tài chính. Nhiệm vụ chính của FED đó là làm sao tạo ra được tính ổn định trong nền kinh tế Mỹ và tính ổn định trên các thị trường tài chính. Sự ổn định trong nền kinh tế đi cùng với niềm tin kinh doanh, hai điều này sẽ tự củng cố cho nhau để tạo ra tăng trưởng kinh tế. Và khi các thị trường tài chính đầy biến động khiến giới đầu tư và các nhà điều hành doanh nghiệp lo sợ, họ sẽ trì hoãn các khoản đầu tư. Nhưng khi FED “biết cách” truyền đạt niềm tin cho giới đầu tư thì tính biến động trên các thị trường tài chính có xu hướng giảm đi.

Đó chính là những gì đang xảy ra dưới thời điều hành của Janet Yellen. Theo thống kê trên thị trường trái phiếu chính phủ Mỹ trị giá 13 nghìn tỷ USD thì mức biến động trung bình của các loại Trái phiếu kho bạc Mỹ đã giảm 35% kể từ khi bà Yellen lên nắm quyền thay ông Bernake và thậm chí còn giảm 69% so với thời Alan Greenspan.

Tại sao lại có sự chênh lệch lớn vậy? Các hoàn cảnh kinh tế tại mỗi thời điểm khác nhau sẽ trả lời một phần cho câu trả lời này. Ben S.Bernanke đã phải vật lộn với cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ Đại khủng hoảng 1930, nên cũng không ngạc nhiên gì khi các thị trường tài chính bị náo động bởi cơn hoảng loạn và đi kèm với các gói kích thích kinh tế khẩn cấp lớn nhất trong lịch sử. Còn trong 19 năm làm việc (4 nhiệm kỳ chủ tịch FED) của mình, Alan Greenspan cũng đã trải qua nhiều thăng trầm của nền kinh tế Mỹ và thế giới. Trong khi đó Janet Yellen thì ngược lại, khi bà lên nắm quyền thì lúc đó kinh tế Mỹ đã bắt đầu có những luồng gió phục hồi và điều này hỗ trợ cho bà và FED trong việc ổn định kinh tế Mỹ.

Những phải nói rằng có nhiều điều xung quanh câu chuyện “mức chênh lệch biến động” giữa các thời kỳ chủ tịch FED, chứ không riêng gì câu chuyện về thời điểm hay hoàn cảnh kinh tế.

FED dưới thời của bà Yellen đang chứng kiến sự tương tác hiệu quả hơn với giới nhà đầu tư trên thị trường tài chính và định hướng thị trường theo các chính sách tiền tệ. Vậy sự “hiệu quả trong tương tác” này mang lại điều gì? FED đã cố gắng truyền đạt thông tin, những quan điểm của họ tới thị trường một cách thận trọng để không khiến giới đầu tư hoang mang hay mơ hồ về những bước đi tiếp theo của họ.

Các nhà đầu tư sẽ không bao giờ quên sự sụp đổ của thị trường trái phiếu vào mùa xuân năm 2013, khi lợi suất Trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng ngay 1 điểm % sau khi chủ tịch FED lúc đó là Ben S.Bernanke nói rằng FED có thể bắt đầu thu hẹp dần quy mô gói kích thích nới lỏng định lượng QE3. Lo sợ kinh tế Mỹ gặp bất ổn do đó sẽ làm tăng tính rủi ro khi nắm giữ nợ, người nắm giữ trái phiếu Mỹ bán ra ồ ạt và khiến lợi suất tăng vọt. Cơn hoảng loạn nhất thời này ngay lập tức đẩy tăng lãi suất cho vay thế chấp, đe dọa nhấn chìm thị trường nhà đất đang phục hồi mong manh, đồng thời làm suy yếu sự phục hồi mong manh của kinh tế Mỹ.

Trong suốt những năm 1990, khi kinh tế Mỹ đang ở một trong những quãng thời gian tốt đẹp nhất, chủ tịch FED Alan Greenspan đã được ca ngợi ở khắp nơi và được xem là người có “ma thuật” trong việc điều hành chính sách tiền tệ. Tuy nhiên mức biến động trên thị trường trái phiếu chính phủ Mỹ vẫn tương đối mạnh hơn so với hiện tại. Đến năm 1994, FED đột nhiên thắt chặt tín dụng và đẩy lợi suất của Trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên 245 điểm cơ bản, tương đương hơn 2 điểm % trong vòng 1 năm. Các thị trường tài chính lo ngại rủi ro đối với kinh tế và trái phiếu của Mỹ. Lúc này Alan Greenspan mới đột nhiên nhận ra rằng chính sách thắt chặt tín dụng của FED chính là một “cú đấm choáng váng” đối với nền kinh tế. Các dự báo về nguy cơ lạm phát trước đó đều sai.

Bà Janet Yellen đã kế thừa sáng kiến được bắt đầu bởi cựu chủ tịch FED Ben S.Bernanke trong việc truyền đạt thông điệp của FED đối với thị trường một cách khéo léo. Và điều này đã và đang giữ cho TTCK Mỹ ổn định hơn. Thống kê cho thấy dưới thời của bà Yellen, mức Biến động niềm tin đã giảm xuống mức 14,3% từ mức 21,53% trong suốt thời kỳ ông Bernanke nắm quyền và từ mức 19,61% dưới thời của Alan Greenspan (chỉ số Biến động niềm tin được tính toán từ các mức độ biến động giá các hợp đồng quyền chọn có thời gian đáo hạn từ 1 tháng – 6 tháng của một loại chỉ số chứng khoán hay cổ phiếu nào đó. Chỉ số này càng cao thì thể hiện mức bất ổn trong niềm tin, lo lắng của nhà đầu tư càng cao).

Bà Yellen tiếp tục đưa thông điệp tới Quốc hội Mỹ rằng, kinh tế Mỹ đang ngày càng khỏe mạnh hơn, với việc tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 7 năm qua. Bên cạnh đó, khi nhìn vào chỉ số đo lường mức căng thẳng tài chính diễn ra trên các thị trường tiền tệ, trái phiếu và chứng khoán sẽ thấy rằng dưới thời bà Yellen các căng thẳng tài chính đang ở mức thấp nhất trong vòng 25 năm qua. Hơn nữa chỉ số này không chỉ tốt nếu so sánh ở Mỹ, mà chỉ số này thậm chí đang diễn biến tốt hơn nhiều so với các chỉ số cùng loại của các thị trường tài chính châu Âu.

Diễn biến các hoạt động kinh doanh không phải là chỉ báo duy nhất cho thấy niềm tin vào nền kinh tế. Hoạt động tiêu dùng của người Mỹ đang có sự phục hồi tốt. Hệ số thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) của các công ty hàng tiêu dùng thuộc chỉ số chứng khoán S&P 500 đã chạm mức cao nhất kể từ năm 1990 – cho thấy sự cải thiện rõ từ hoạt động tiêu dùng của người Mỹ. Nhưng điều đáng chú hơn nữa đó là việc chi tiêu mạnh tay đang diễn ra mà vẫn chưa có bất kỳ dấu hiệu nào của mối đe dọa lạm phát đang nhen nhóm. Lạm phát của Mỹ vẫn ở xa mức mục tiêu 2% của FED. Điều này nghĩa rằng FED sẽ chưa hoặc không phải tăng lãi suất đáng kể trong cuộc họp chính sách tiền tệ tháng 9 tới đây.

Tuấn Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên