MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Janet Yellen quay ngược nước Mỹ về những năm 1950?

24-05-2015 - 11:41 AM | Tài chính quốc tế

Trong thời gian tới kinh tế Mỹ sẽ không có lạm phát và cũng không có suy thoái.

Phát biểu trong một sự kiện ở Rhode Island hôm thứ 6 vừa rồi, Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Janet Yellen đã khẳng định lãi suất sẽ tăng nhẹ trong năm nay. Sau đó, trong vài năm tới lãi suất sẽ dần dần tăng nhỏ giọt. Như vậy lãi suất ở Mỹ sẽ dần quay trở lại trạng thái bình thường trong vài năm tới.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Larry Kudlow của tờ CNBC, chính sách tiền tệ của nước Mỹ sẽ không bao giờ quay trở lại trạng thái bình thường (tức là lãi suất vào khoảng 4%). Theo quan điểm của ông, bà Yellen đang áp dụng phương pháp tiếp cận với lãi suất giống với thời kỳ những năm 1950.

Điều này có nghĩa là gì? Kudlow dự báo trong thời gian tới kinh tế Mỹ sẽ không có lạm phát và cũng không có suy thoái. Tất cả các cuộc suy thoái kinh tế trong thời kỳ hậu Chiến tranh thế giới thứ hai đều được báo hiệu bằng đường cong lãi suất bị đảo chiều, tức lợi suất ngắn hạn cao hơn lợi suất dài hạn. Điều này sẽ không xảy ra trong nhiều năm tới. Bên cạnh đó, suy thoái có thể xuất phát từ nguyên nhân giá dầu tăng vọt, trong khi giá năng lượng thế giới đang trong chu kỳ đi xuống.

Nhìn lại lịch sử, trong những năm 50 của thế kỷ trước, từ thời cựu Tổng thống Eisenhower đến John F. Kennedy, trung bình lãi suất nằm trong khoảng 1 – 2%, lạm phát vào khoảng 1,5%, USD gắn với giá vàng, lợi suất Trái phiếu dài hạn nằm trong khoảng 2 – 3% và tốc độ tăng trưởng thực của nền kinh tế chỉ ở mức 2,5%. Thị trường chứng khoán tăng gần gấp đôi (từ những mức rất thấp).

Ngày nay, bối cảnh đã có nhiều điểm khác biệt. Tuy nhiên, lãi suất đang ở trong trạng thái siêu thấp tương tự như giai đoạn trên, cùng với đó là nền kinh tế ì ạch.

Tuy cho rằng bà Yellen đang điều chỉnh chính sách tiền tệ theo đúng hướng, Kudlow khẳng định Chủ tịch Fed vẫn đang có một vài quan điểm sai lầm. Đầu tiên, bà Yellen mong muốn lạm phát tăng lên nhưng đó là một sai lầm. Lạm phát thấp sẽ thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng. Đồng thời, chúng ta nên lấy các chỉ số hàng hóa (đặc biệt là vàng) làm thước đo giá trị của đồng USD. May mắn thay, đồng USD đang tăng giá và giá hàng hóa đang giảm.

Duy trì giá cả ổn định và đồng USD ở mức giá hợp lý nên là nhiệm vụ duy nhất của Fed. Tuy nhiên bà Yellen đang lấy thị trường lao động làm tiêu chí đầu tiên để quyết định có thắt chặt chính sách hay không.

Số người có việc làm tăng lên sẽ không đẩy tăng lạm phát mà “tiền xấu” mới là thủ phạm gây ra lạm phát. Tuy nhiên bà Yellen đã đúng khi chỉ ra những vấn đề tồn tại trong thị trường việc làm.

Chúng ta có tỷ lệ thất nghiệp chính thức ở mức 5,4%. Tuy nhiên, nếu tính đến cả những người đang làm công việc bán thời gian nhưng mong muốn có công việc toàn thời gian, những người mong muốn chuyển đổi công việc và cả những người đã ngừng tìm việc, tỷ lệ có thể lên đến 10,8%. Do đó tổng cộng sẽ có khoảng 16 triệu người thất nghiệp. Nhưng Fed không thể giải quyết được vấn đề này, đây là vấn đề thuộc về thuế, chính sách và cải cách an sinh xã hội.

Bà Yellen cũng đúng khi nói về tình trạng các doanh nghiệp thiếu vốn đầu tư và nhiều vốn hơn sẽ giúp tăng sản lượng. Tuy nhiên, một lần nữa đây không phải là việc của Fed. Ngày nay chính sách quan trọng nhất giúp ích cho tăng trưởng là cải cách thuế doanh nghiệp. Giảm thuế suất và giám sát thuế chặt chẽ hơn sẽ mang về thêm khoảng gần 2.000 tỷ USD tiền thuế mỗi năm.

Xét đến tất cả các yếu tố trên, Fed đã đúng khi chưa vội nâng lãi suất. Quay trở lại những năm 50 của thế kỷ trước, chúng ta có lãi suất ở mức siêu thấp trong một thời gian dài và đó cũng không phải là điều tệ hại. Bài học rút ra để tránh lặp lại những sai lầm của thời kỳ này là tránh đánh thuế quá nặng và kiểm soát nền kinh tế quá chặt chẽ.

4 lý do khiến Fed không thể nâng lãi suất trong năm 2015

Thu Hương

CNBC

Trở lên trên