MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khi euro không còn là euro

12-07-2013 - 12:35 PM | Tài chính quốc tế

Mắc kẹt trong các qui định được áp dụng từ tháng 3 (vốn là điều kiện của gói cứu trợ dành cho các ngân hàng bên bờ phá sản của Síp), đồng euro ở Síp không còn giống với ở Pháp, Đức hay Hy Lạp.

Trong chuyến đi tới Athens hồi đầu năm, Marios Loucaides – doanh nhân đến từ đảo Síp – nhìn thấy một căn hộ nằm ở trung tâm thủ đô của Hy Lạp và anh quyết định sẽ mua căn hộ này. Loucaides nói với với chủ căn hộ rằng số tiền 170.000 euro (tương đương 220.000 USD) sẽ được chuyển qua ngân hàng ngay khi anh trở lại Síp. 

Tuy nhiên, sau khi trở về nhà, Loucaides phát hiện ra rằng anh không thể chuyển số tiền gửi trong tài khoản ngân hàng ở Nicosia đến Hy Lạp, bất chấp hai nước cùng sử dụng một đồng tiền. Hơn nữa, chí ít thì trên lý thuyết, hai nước đã cam kết để cho dòng vốn được lưu chuyển tự do. 

Ở bên ngoài eurozone

Vụ mua bán của Loucaides sụp đổ và niềm tin châu Âu đang có một đồng tiền chung cũng tan vỡ. Mắc kẹt trong các qui định được áp dụng từ tháng 3 (vốn là điều kiện của gói cứu trợ dành cho các ngân hàng bên bờ phá sản của Síp), đồng euro ở Síp không còn giống với các đồng euro ở Pháp, Đức hay Hy Lạp. 

Các biện pháp kiểm soát vốn đã từng là một công cụ được các chính phủ sử dụng thường xuyên trong thời kỳ khủng hoảng. Tuy nhiên, gần như người ta không thấy chúng xuất hiện ở châu Âu. Iceland, quốc gia vẫn chưa phải là thành viên của Liên minh châu Âu và vẫn sử dụng đồng tiền riêng, đã áp dụng các biện pháp này năm 2008 sau khi 3 ngân hàng lớn nhất nước này đổ vỡ.

Với GDP ở mức 23 tỷ USD và vẫn ở trên đà suy giảm, Síp là một sai sót của nền kinh tế có qui mô lên đến 9.500 tỷ USD của khu vực eurozone. Tuy nhiên, Síp cũng là quốc gia đầu tiên sử dụng đồng euro để giới hạn dòng chảy của vốn. Điều này dẫn đến một câu hỏi quan trọng: liệu có phải eurozone tan vỡ - điều mà các nhà lãnh đạo châu Âu đã cố gắng hết sức để ngăn chặn với những cuộc họp căng thẳng ở Brussels và chuỗi các gói cứu trợ có giá trị hàng trăm tỷ euro – đã bắt đầu xảy ra trên thực tế?

Có vẻ như Tổng thống Síp Nicos Anastasiades nghĩ như vậy. “Chúng ta đã ở bên ngoài eurozone”. Ông còn khẳng định giờ đây đồng euro của Síp đang có giá trị và vị thế thấp hơn so với đồng euro của Pháp, Đức và 14 nước còn lại trong khối eurozone. 

Hiệp ước Maastricht năm 1992 nghiêm cấm các chính sách hạn chế sự chuyển động của dòng vốn. Tuy nhiên, các biện pháp của Síp được NHTW châu Âu (ECB) và Ủy ban châu Âu (EC) cho là cần thiết để ngăn chặn dòng tiền chạy khỏi quốc đảo này. Trong khi ECB từ chối bình luận về tình hình ở Síp, các quan chức ở Brussels khẳng định họ tuân thủ đúng cam kết duy trì khối đồng tiền chung.  Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tài chính cho rằng Cyprus vừa rút khỏi eurozone một cách lặng lẽ. 

Cho đến nay, các qui định đã được giảm bớt. Các cá nhân và công ty giờ đây đã có thể chuyển tiền ra nước ngoài và chuyển tiền giữa các ngân hàng ở Síp – hoạt động bị cấm lúc ban đầu. Tuy nhiên, họ phải xuất trình nhiều loại giấy tờ. Nếu một công ty chuyển hơn 500.000 euro (tương đương 640.000 USD) hoặc một cá nhân chuyển hơn 300.000 euro (tương đương 380.000 USD), họ phải có được sự chấp thuận của NHTW. 

Mở một tài khoản mới là điều không thể, trừ khi khách hàng đã có một tài khoản ở cùng ngân hàng đó. Các cá nhân không được rút quá 300 euro một ngày, trong khi mức tối đa cho các công ty là 500 euro. Những tấm biển ở sân bay cảnh báo hành khách không được mang quá 3.000 euro ra khỏi Síp. 

Tất cả những luật lệ này khiến chi phí giao dịch bị đội lên và đồng euro của Síp cũng sụt giảm giá trị so với các đồng euro có thể tự do di chuyển trong eurozone. Alexandros Diogenous – CEO của công ty nhập khẩu xe hơi ở Nicosia có tên Unicars – cho biết ông phải trả mức lãi suất 7,75% cho các khoản vay dài hạn trong khi đối tác ở Đức chỉ phải chịu mức lãi suất 3 – 4%. 

Bao giờ các qui định mới được dỡ bỏ?

Thế nhưng, đó chưa phải là tất cả. Hầu hết các ngân hàng ở Síp đều đã ngừng cấp khoản vay mới. 
Harris Georgiades – Bộ trưởng Tài chính mới của Síp – cho rằng vấn đề đối với đồng euro ở Síp là thách thức đối với eurozone. Ông cho biết có kế hoạch dỡ bỏ tất cả các giới hạn vào cuối năm nay, nhưng Síp cần sự trợ giúp từ ECB để đảm bảo hệ thống ngân hàng có thể đứng vững. 

Vấn đề lớn đối với các biện pháp kiểm soát vốn là chúng sẽ kéo dài hơn so với dự tính một khi đã được áp dụng bởi nỗi lo sợ điều gì sẽ xảy ra nếu không còn các biện pháp này. Các biện pháp ở Iceland tồn tại đến 5 năm. Ban đầu, chính quyền Síp nói rằng các biện pháp chỉ có hiệu lực trong 1 tuần và sau đó họ kéo dài ra 1 tháng. Tính đến nay, chúng đã có hiệu lực suốt 4 tháng. 

Trong khi đó, Síp không thể tận hưởng lợi thế của một nước nằm ngoài eurozone: phá giá đồng nội tệ. Ở Liên minh châu Âu, đây là đặc quyền của Anh, Thụy Điển và những nước quyết tâm giữ lại đồng tiền của chính họ. 

Michael Kammas, người đứng đầu Hiệp hội các ngân hàng Síp, cho biết tổ chức của ông ủng hộ việc dỡ bỏ tất cả các giới hạn vốn đang ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động thương mại. Thư tín dụng (L/C) được phát hành bởi một ngân hàng Síp hiếm khi được chấp nhận ở nước ngoài hoặc thậm chí ở ngay tại Síp. Các bên buộc phải thanh toán bằng tiền mặt. 

Tuy nhiên, không ai háo hức cho rằng các biện pháp nói trên sẽ sớm được dỡ bỏ. Điều này chỉ xảy ra khi niềm tin quay trở lại với hệ thống ngân hàng vốn đã chao đảo quá mạnh cách đây chỉ 4 tháng. 

Thu Hương

huongnt

NYT

Trở lên trên