MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khi nợ xấu biến thành kho báu (P2)

11-10-2013 - 08:39 AM | Tài chính quốc tế

Giới đầu tư quốc tế ưa thích đầu tư vào AMC bởi họ nhận định đây là các công ty được chính phủ hỗ trợ và có nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai.


Hồi tháng 8, Goldman Sachs ước tính Trung Quốc có thể mất khoảng 3.000 tỷ USD vì tín dụng tăng trưởng quá nhanh trong 4 năm qua, đặc biệt là ở các bên cho vay không phải là ngân hàng. 

Dẫn đầu bởi UBS và Standard Chartered, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã mua cổ phần của China Cinda Asset Management Co. - công ty quản lý tài sản đang có kế hoạch IPO trị giá 3 tỷ USD trên sàn chứng khoán Hồng Kông. Theo nguồn tin thân cận, vụ IPO sẽ diễn ra vào tháng 12 tới. 

Mua cổ phần của các công ty xử lý nợ xấu Trung Quốc có thể giúp các tập đoàn toàn cầu thu lợi nhuận từ “làn sóng” nợ xấu mới nổi lên sau đợt bùng nổ tín dụng với giá trị lên tới 6.500 tỷ USD kể từ cuối năm 2008. 

Theo Ted Osborn, chuyên gia đến từ hãng kiểm toán PricewaterhouseCoopers LLP và là một chuyên gia về nợ xấu, đến một thời điểm nào đó, Trung Quốc sẽ phải bắt tay vào việc bán nợ xấu phát sinh từ giai đoạn tín dụng bùng nổ trong thời kỳ 2009 – 2012. Giới đầu tư quốc tế ưa thích đầu tư vào AMC bởi họ nhận định đây là các công ty được chính phủ hỗ trợ và có nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai. 

Năm ngoái, Huarong cho biết đang tìm kiếm nhà đầu tư (cả nội địa và nước ngoài) để bán cổ phần ở cả thị trường nội địa và quốc tế. Trong năm 2012, các lãnh đạo Macquarie Group Inc., Goldman Sachs, Morgan Stanley, Barclays Plc và SinoPac Financial Holdings Co. đã tới thăm văn phòng của Huarong ở Bắc Kinh. Tuy nhiên, chưa có thỏa thuận nào được đưa ra. 

Tính đến cuối năm 2012, Huarong mua 680 tỷ nhân dân tệ nợ xấu (phần lớn từ Ngân hàng Công thương TQ). Công ty này đã thực hiện chương trình hoán đổi nợ thành vốn cổ phần tại 393 công ty nhà nước và vẫn nắm giữ cổ phần có giá trị 46 tỷ nhân dân tệ tại 261 công ty. 

Orient Asset Management mua hơn 710 tỷ nhân dân tệ tài sản xấu và chuyển đổi số nợ 25,3 tỷ nhân dân tệ thành vốn cổ phần tại 166 doanh nghiệp nhà nước. Tháng trước, Orient trở thành công ty đầu tiên trong số 4 AMC bán trái phiếu trên thị trường nước ngoài và huy động được 600 triệu USD. 

Cinda đã thừa hưởng và mua 1.500 tỷ nhân dân tệ nợ xấu từ hơn 10 định chế tài chính tính đến cuối năm 2011 với phần lớn đến từ Ngân hàng xây dựng Trung Quốc (ngân hàng lớn thứ 2 TQ) và Ngân hàng phát triển Trung Quốc (ngân hàng chính sách lớn nhất TQ). Tính đến cuối năm ngoái, Cinda nắm giữ cổ phần có trị giá ít nhất 45 tỷ nhân dân tệ của 136 công ty nhà nước. Rất nhiều trong số đó đã vượt qua khủng hoảng và đang chuẩn bị niêm yết cổ phiếu và do đó các khoản nợ cũng biến thành tiền mặt. 

Bộ Tài chính Trung Quốc vẫn là cổ đông lớn nhất của Cinda với 83,5% cổ phần, trong khi quỹ hưu trí quốc gia nắm 8%. UBS nắm 5% trong khi Citic Capital và Standard Chartered nắm lần lượt 2% và 1,5%. Với 20.488 nhân viên và 31 chi nhánh trên khắp cả nước, Cinda đã huy động được 10 tỷ nhân dân tệ từ đợt bán trái phiếu đầu tiên của một AMC.

Kế hoạch của Cinda và Huarong bổ sung thêm dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đã sẵn sàng để bắt đầu một đợt giải quyết nợ xấu và tái cấu trúc ngân hàng tiếp theo. Vị chuyên gia từ PwC nhận định đầu tư vào nợ xấu của Trung Quốc là chiến lược ẩn chứa nhiều rủi ro, đặc biệt là đối với các nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn xa lạ với thị trường Trung Quốc. Hợp tác với các đối tác Trung Quốc sẽ giúp phòng chống rủi ro và nâng lợi nhuận bởi Trung Quốc có thể áp đặt các giới hạn mới đối với nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào các đợt bán trái phiếu trong tương lai.  Các ngân hàng khác trên phố Wall như Citigroup Inc., JPMorgan Chase & Co. và Lehman Brothers Holdings Inc. cũng mua nợ xấu từ AMC. 

Thu Hương

huongnt

Bloomberg

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên