MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khởi nguồn cho các cuộc di cư kinh hoàng từ sau Thế chiến thứ II

19-11-2015 - 08:19 AM | Tài chính quốc tế

Châu Âu đang đối mặt với cuộc khủng hoảng người di cư nghiêm trọng nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai với phần lớn người di cư đến từ Syria và các nước châu Phi khác.

Châu Âu đang đối mặt với cuộc khủng hoảng người di cư nghiêm trọng nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai với phần lớn người di cư đến từ Syria và các nước châu Phi khác. Theo Tổ chức Di trú Quốc tế (IOM), từ đầu năm 2015 đến nay, dòng người tị nạn tới châu Âu bằng đường biển đã lên tới 800.000 người, gấp gần 4 lần con số của cả năm 2014.

Câu hỏi đặt ra là tại sao lại xảy ra tình trạng khủng hoảng tị nạn quy mô lớn như vậy và nó bộc lộ sự bất ổn ở Syria và khu vực châu Phi đến mức nào?

Hiện Syria là chiến trường “nóng bỏng,” tiềm ẩn sự đụng độ nguy hiểm giữa các nước lớn và là nơi tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) đang gieo rắc nỗi kinh hoàng cho người dân vô tội. Đây là nguyên nhân chính khiến làn sóng người tị nạn tràn sang châu Âu để lánh nạn.

Trong khi đó, châu Phi là châu lục đứng thứ ba trên thế giới về diện tích và dân số, giàu khoáng sản và tài nguyên thiên nhiên, giàu tiềm năng về nhân lực, được coi là có triển vọng phát triển trong tương lai. Tuy nhiên, hiện nay nhiều quốc gia ở châu lục này đang phải chịu cảnh nội chiến, thất nghiệp, dịch bệnh, nghèo đói, biến đổi khí hậu và bất ổn chính trị. Đó là nguyên nhân sâu xa của những làn sóng người di cư khổng lồ.

Thời gian gần đây, lực lượng Hồi giáo cực đoan Boko Haram đã gia tăng đáng kể các cuộc tấn công khủng bố ở khu vực biên giới phía Đông Bắc Nigeria và các nước láng giềng khiến nhiều dân thường Nigeria, Cameroon, Chad phải rời bỏ quê hương đi lánh nạn.

Riêng năm 2014, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) đã giúp định cư cho hơn 20.000 người Nigeria trong các trại tị nạn ở Niger. Cuộc nội chiến trong 6 tháng qua tại Burundi cũng đã làm hơn 300 người thiệt mạng và khiến hơn 35.000 người phải chạy sang các nước láng giềng như Rwanda, Tanzania và Cộng hòa Dân chủ Congo.

Bên cạnh đó, với tác động của biến đổi khí hậu, tình trạng hạn hán kéo dài, đất đai thoái hóa và diện tích đất canh tác, đồng cỏ bị thu hẹp đáng kể đã làm cho số người di cư ở châu Phi, nhất là khu vực Đông Phi tăng mạnh. Năm 2014, nạn hạn hán nghiêm trọng đã khiến gần 20 triệu người tại khu vực Đông Phi không có đủ lương thực.

Theo dự báo của IOM, đến năm 2020, hơn 60 triệu người có thể rời khu vực Nam Sahara tới các quốc gia Bắc Phi và châu Âu và đến năm 2050, khoảng 200 triệu người ở châu lục này sẽ phải di dời vĩnh viễn vì lý do môi trường.

Tương tự, khu vực Hồ Chad, nơi 300 dân tộc thiểu số đang sống nhờ vào nguồn nước hiện đang bị cạn kiệt nghiêm trọng, khiến cho người dân ở đây phải di cư để tránh sự khốc liệt của thời tiết và các nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng khan hiếm.

Một đứa trẻ Syria trong trại tị nạn ở Liban. (Nguồn: Usnews)
Một đứa trẻ Syria trong trại tị nạn ở Liban. (Nguồn: Usnews)

Tại khu vực Tây Phi, dịch bệnh Ebola mới đây đã trở thành mối đe dọa lớn đối với nền kinh tế các nước khu vực này, vì nó làm cạn kiệt nguồn ngân sách và khiến tăng trưởng kinh tế sụt giảm mạnh do các doanh nghiệp nước ngoài lần lượt rời bỏ vùng đất này để lại nhiều dự án dang dở. Giá dầu mỏ trên thế giới giảm cũng tác động lớn tới các nền kinh tế châu Phi.

Các nước như Nigieria, Angola, Gabon và Congo có giàn khoan ở ngoài khơi bị ảnh hưởng nặng nề. Algeria và Libya cũng thiệt hại lớn vì 97% nguồn thu của họ phụ thuộc vào bán dầu khí.

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cảnh báo rằng thế giới đang chìm vào cuộc khủng hoảng việc làm chưa từng có, trong đó khu vực Nam Sahara bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Trong năm 2013, thế giới có 75 triệu thanh niên thất nghiệp, trong đó một nửa là ở châu Phi. Hiện có khoảng 40% số người thất nghiệp tham gia các phong trào cực đoan, bạo loạn và các tổ chức khủng bố.

Trong bối cảnh tình hình chiến sự căng thẳng, khốc liệt tại Syria và nhiều nước châu Phi khác hay việc giá dầu thế giới từ nay tới năm 2016 được dự báo vẫn ở mức thấp và kinh tế thế giới chưa thể khởi sắc nhanh chóng, châu Phi nói chung và khu vực Bắc Phi nói riêng tiếp tục phải đối mặt với những thách thức to lớn và khôn lường. Và như vậy, giải quyết vấn đề người châu Phi di cư sang châu Âu vẫn là bài toán nan giải đối với tất cả các bên.

Mới đây, tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU)-châu Phi ở Malta, các nhà lãnh đạo hai châu lục đã nhất trí cần hành động khẩn cấp để ngăn chặn làn sóng di dân từ châu Phi đổ vào châu Âu. Đặc biệt, EU đã quyết định thành lập quỹ trị giá 1,8 tỷ euro (khoảng 2 tỷ USD) để giúp các nước châu Phi giải quyết cuộc khủng hoảng di cư hiện nay. Tuy nhiên, con số này chỉ như “muối bỏ biển."

Hội nghị cũng tồn tại nhiều bất đồng lớn về lập trường và cách tiếp cận vấn đề người di cư. AU cùng với nhiều nước châu Phi phản đối kế hoạch của EU xây dựng các trung tâm tiếp nhận người tị nạn tại các nước thứ ba, cụ thể là các nước châu Phi, vì theo họ, đây là sự vi phạm nghiêm trọng quyền con người. Ngoài ra, AU cũng cảnh báo các trung tâm này có thể trở thành nơi nuôi dưỡng những phần tử khủng bố và cực đoan, và như vậy sẽ chỉ đào sâu hơn vấn đề các bên đang muốn giải quyết.

Tổng thống Senegal Macky Sall và người đồng cấp Niger Mahamadou Issoufou nhấn mạnh rằng về lâu dài, để giải quyết triệt để vấn đề người di cư từ châu Phi sang châu Âu, Liên hợp quốc và EU cần tạo điều kiện thuận lợi để châu Phi phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện cuộc sống của hơn 1 tỷ dân ở châu lục này. Các nhà lãnh đạo châu Phi cũng kêu gọi EU hỗ trợ “lục địa Đen” nhiều hơn và có trách nhiệm hơn để châu Phi có thể tự giải quyết vấn đề nhạy cảm này trong tương lai.

PV

Theo Vietnam+

Trở lên trên