MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không phải kịch bản, đây mới là bí quyết tạo nên 1 bộ phim bom tấn Hollywood

10-03-2016 - 08:57 AM | Tài chính quốc tế

Có những bộ phim Hollywood khi mới khởi quay đã trở thành tâm điểm "bom tấn” nhưng khi ra thì lại thất bại về mặt doanh thu. Vậy câu hỏi đặt ra đâu là công thức thành công phòng vé của một bộ phim Hollywood?

Vào năm 1983, William Goldman, một nhà biên kịch nổi tiếng thời bấy giờ cho rằng ở Hollywood: “Chẳng ai biết cái gì cả” khi nhắc đến khả năng thành công về mặt doanh thu của một bộ phim.

Để tìm hiểu xem liệu câu nói đó còn đúng trong thời đại ngày nay hay không, tạp chí The Ecomomist đã thực hiện phân tích doanh thu của hơn 2.000 bộ phim với kinh phí trên 10 triệu USD tại thị trường Bắc Mỹ từ năm 1995 để xem đâu là những yếu tố giúp một bộ phim thành bom tấn.

Đầu tiên vẫn là TIỀN ĐÂU

Thu thập các thông tin từ trang The Numbers, một website chuyên thu thập dữ liệu về ngày phát hành phim, và trang đánh giá nổi tiếng Rotten Tomatoes, tờ The Economist đã nhận ra yếu tố quan trọng nhất trong dự báo thành công của một bộ phim nằm chính ở kinh phí sản xuất của nó.

Ngay cả khi giàn cast trong phim chẳng có ai quá nổi, thì cứ 1 USD mà nhà hãng phim bỏ ra, một bộ phim trung bình sẽ đem lại 0,8 USD tại thị trường Bắc Mỹ. Kinh phí sản xuất của phim sẽ được thông báo trong quá trình bấm máy, nhằm tạo ra tiếng vang cũng như dấu hiệu chất lượng của bộ phim, cho dù kinh phí thực tế có thể thay đổi rất nhiều so với con số công bố.

Ngoài ra, các hãng phim càng cam kết đầu tư vào một bộ phim bao nhiêu thì họ cũng càng cần phải quảng bá bộ phim bấy nhiêu. Kinh phí phim cũng giúp quyết định “độ phủ sóng” rạp chiếu phim.

Với ngân sách trong khoảng từ 10 – 40 triệu USD, thì phim chỉ có thể công chiếu trung bình 1.600 rạp trong tổng số 6.000 rạp tại Bắc Mỹ, trong khi nếu như có kinh phí trên 100 triệu USD thì con số có thể lên tới 3.500 rạp.

Tiếp cận đám đông hiệu quả

Những phần tiếp theo cũng như phim nhượng quyền thương mại cũng là những cách để các hãng phim hạn chế rủi ro. Gần 1/5 số lượng phim Hollywood sản xuất ra ngày nay là phần tiếp theo, trong khi 10 năm trước, con số này chỉ là 1/12.

Trung bình, những phần phim kế tiếp kiếm được hơn 35 triệu USD so với những phim mới hoàn toàn trên bảng xếp hạng doanh thu. Những năm gần đây, những phim nhượng quyền thương mại, đặc biệt là dòng phim siêu anh hùng ngày một nở rộ.

Hollywood chỉ sản xuất 8 bộ phim siêu anh hùng từ năm 1996 đến năm 2000 nhưng trong 5 năm qua, họ đã cho ra mắt tới 19 bộ phim.

Những dòng phim siêu anh hùng có kinh phí khoảng 200 triệu USD có thể kiếm hơn 58 triệu USD so với những dòng phim khác có cùng chi phí. Có lẽ bởi dòng phim này (trừ phim "Deadpool" mới ra rạp) đều phù hợp với mọi lứa tuổi, kể cả trẻ em, trong khi nếu gắn mác R (bị hạn chế người xem) thì sẽ kiếm ít hơn 16 triệu USD.

Bên cạnh đó, một bộ phim trước đây của một ngôi sao sẽ giúp dự đoán khả năng thành công của bộ phim sắp tới như thế nào. Với sự xuất hiện của một ngôi sao lớn, nếu 5 năm trước chỉ có thêm 1 đồng thì hiện tại có thêm lên tới 5 đồng.

Đặc biệt đối với những ngôi sao hạng A như Jennifer Lawrence và Leonardo Di Caprio (những ngôi sao sở hữu những bom tấn có doanh thu trên 500 triệu USD) có thể đảm bảo gia tăng lượng bán vé ít nhất 10 triệu USD.

Vậy liệu những nhà phê bình có đóng góp gì không cho sự thành công của một bộ phim? Thực tế thì chẳng nhiều như người ta vẫn nghĩ. Giữa năm 1996 đến năm 2000, cứ tăng 10% điểm trung bình đánh giá trên Rotten Tomatoes thì đồng nghĩa với tăng 4 triệu tiền bán vé, nhưng giờ con số chỉ còn là 1 triệu USD.

Ngày nay, cảm nhận của phần đông khán giá có ý nghĩa hơn nhiều: Nếu sự gia tăng tương tự mang tính tích cực của khán giả trên Rotten Tomatoes thì điều đó đồng nghĩa với khả năng tăng 11,5 triệu USD doanh thu phòng vé.

Tóm lại, những yếu tố trên mới chỉ ảnh hưởng tới 60% doanh thu của một bộ phim tại thị trường Bắc Mỹ. Theo đánh giá thì nếu có chiến thuật và chi tiêu marketing bài bản thì có thể tăng thêm 20% tỷ lệ thành công về mặt doanh thu. Còn lại khoảng 20% các yếu tố khác hiện chưa thể mô hình hóa.

Điển hình là bộ phim "John Carter" có mức kinh phí khủng lên tới 275 triệu USD nhưng đã trở thành một trong những "Bom xịt" nhất mọi thời đại của Hollywood khi chỉ có thể kiếm được 75 triệu USD. Đúng là chẳng ai có thể biết được điều gì hết.

Tuy nhiên, phân tích của tờ The Economist đã chỉ ra một công thức giúp tối đa hóa tỷ lệ thành công của một bộ phim. Đầu tiên, đó chắc hẳn là một bộ phim siêu anh hùng “thân thiện” với trẻ nhỏ, gắn liền với phiên bản gốc của nhân vật nhượng quyền thương mại.

Tiếp theo đó, cần phải có kinh phí thật khủng để gây ấn tượng. Rồi thuyết phục nhà sản xuất và bên phát hành phin nên tung ra vào mùa hè (kiếm hơn 15 triệu USD so với thời điểm khác trong năm).

Cuối cùng, tuyển khoảng 2 diễn viên cứng của làng điện ảnh, không cần quá ăn khách và cát xê ở mức vừa đủ để trả. Với mức đánh giá hợp lý từ các nhà phê bình và khán giá, bộ phim có thể kiếm thêm 125 triệu trong bảng xếp hạng.

Nhưng đừng làm phim vì tiền, mà hơn hết hãy vì những tràng vỗ tay của khán giả: để xứng đáng có cơ hội là 1 trong 500 bộ phim có thể đem về tượng vàng Oscar.

Theo Ngọc Quân

Trí thức trẻ/Cafebiz

Trở lên trên