MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khủng hoảng tài chính là “cơn bão 100 năm”

15-09-2013 - 16:12 PM | Tài chính quốc tế

Đây là nhận định vừa được Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Hank Paulson đưa ra trong cuộc trả lời phỏng vấn với CNBC hôm 13/9 vừa qua - gần 5 năm sau khi Lehman Brothers sụp đổ.

Khủng hoảng tài chính 2008 là cơn bão 100 năm, không ai có liên quan đến cơn bão này đã từng chứng kiến thứ gì tương tự như vậy. Đây là nhận định vừa được Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Hank Paulson đưa ra trong cuộc trả lời phỏng vấn với CNBC hôm 13/9 vừa qua - gần 5 năm sau khi Lehman Brothers sụp đổ. 

“Một quả bong bóng tín dụng khổng lồ đã vỡ tung và tôi nghĩ đã có sai lầm lớn trong việc phân bổ. Chúng ta thật may mắn khi [nền kinh tế] đã có thể phục hồi ở mức này”, Paulson nhận định trong chương trình "Squawk Box".

Paulson, người cũng đã từng đảm nhiệm vị trí Chủ tịch vào CEO của Goldman Sachs, là người đứng đầu Bộ Tài chính Mỹ trong suốt thời kỳ khủng hoảng và cũng là người giúp thiết kế nên chương trình Giải cứu tài sản xấu (TARP) – chương trình có mục đích ngăn chặn hệ thống tài chính sụp đổ. 

Paulson chia sẻ ông đã hợp tác với nhiều CEO điều hành các công ty lớn trong suốt khủng hoảng. Mặc dù một số người có năng lực hơn so với những người còn lại, họ đều là những người xuất sắc và đã đối phó với cuộc khủng hoảng mà họ chưa từng gặp trong cuộc đời. Đây là “cơn bão 100 năm” với những nhân tố được tích lũy từ nhiều năm. Các CEO đã hành động xuất sắc bất chấp áp lực và hầu hết trong số họ đã làm mọi thứ có thể để hợp tác.

Khi đó, Paulson cũng đã làm việc chặt chẽ với Chủ tịch Fed Ben Bernanke. Ông khẳng định chọn Bernanke vào chức vụ này là một trong những quyết định tốt nhất mà cựu Tổng thống George W. Bush đã làm được.

Được hỏi về người kế nhiệm Bernanke, Paulson nhận định cả Phó Chủ tịch Fed Janet Yellen và cố vấn kinh tế cho ông Obama Larry Summers đều là người xứng đáng. Trên thực tế, Summers là người mà Paulson tiếp xúc nhiều hơn. "Tôi và Larry là bạn" Paulson nói. Tuy nhiên, ông khẳng định mình sẽ không tham gia vào cuộc tranh luận ai xứng đáng hơn với vị trí này bởi ông bị áp lực khi đây là vấn đề đã bị chính trị hóa. "Tôi không biết điều này đã xảy ra như thế nào, nhưng rõ ràng đây là điều không nên. Đây là một công việc quan trọng". 

Nhận định về nền kinh tế Mỹ, ông cho rằng đó là một điều khó tin khi nền kinh tế có thể tăng trưởng như vậy trong khi đang thực hiện quá trình giải chấp (deleveraging). Chương trình mà ông tham gia thiết kế để thoát khỏi khủng hoảng và nhanh chóng tái cấu trúc hệ thống tài chính của nước Mỹ là một sự thành công lớn. Ông cũng tin vào chương trình kích thích của Ben Bernank. 

Tuy nhiên, Paulson cũng thừa nhận rằng nhà đầu tư cần phải dự đoán được rằng vào một ngày nào đó, tình trạng lãi suất siêu thấp sẽ chấm dứt. Fed đã khẳng định sẽ duy trì lãi suất ở mức gần 0 trong tương lai gần. Tuần tới, Ủy ban thị trường mở FOMC sẽ có cuộc họp quyết định chính sách và nhà đầu tư đang mong chờ các tín hiệu định hướng. Câu hỏi lớn nhất là liệu lần này Fed có thông báo bắt đầu giảm quy mô chương trình mua 85 tỷ USD trái phiếu mỗi tháng hay không. 

Paulson không trực tiếp đưa ra bất kỳ bình luận nào về động thái “giảm dần cho đến hết” của Fed. Tuy nhiên, ông cho rằng “một thế giới mới trong đó tài sản được giao dịch dựa trên lợi suất mà nó mang lại và các nền kinh tế được đánh giá dựa trên các yếu tố cơ bản” là điều cuối cùng sẽ trở thành hiện thực.  

Ông cũng nhận định kinh tế Mỹ có thể được đẩy mạnh nếu Washington có thể thực hiện các cải cách lớn mang tính chất cấu trúc, bao gồm cải cách về thuế và nhập cư.  

Thu Hương

huongnt

CNBC

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên