MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh tế Mỹ sẽ bước vào “thập kỷ mất mát” giống Nhật những năm 1990?

30-03-2009 - 09:10 AM | Tài chính quốc tế

Những sai lầm về đường lối chính sách kinh tế những năm 1930 không lặp lại ở hiện tại sẽ ngăn kinh tế Mỹ đình trệ.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng thời kỳ hiện tại là khoảng thời gian kinh tế đi xuống tệ hại nhất từ Đại Khủng Hoảng - kinh tế đình trệ thời kỳ những năm 1930, tuy nhiên nhiều người cho rằng bất chấp những khó khăn, kinh tế Mỹ sẽ không đình trệ một lần nữa.

Liệu đây có phải là thời kỳ kinh tế đi xuống mạnh nhất từ Đại Khủng Hoảng? Kinh tế Mỹ có đình trệ lần thứ hai không?

Câu trả lời cho câu hỏi thứ nhất đã rõ ràng. Xét trên nhiều phương diện, đối với nhiều chuyên gia kinh tế học và người Mỹ bình thường, đây là lần khủng hoảng kinh tế tệ hại nhất từ Đại Khủng Hoảng năm 1930.

Câu trả lời cho câu hỏi thứ hai không rõ ràng như vậy. Cơ quan nghiên cứu kinh tế quốc gia (NBER) có thể chính thức tuyên bố về thời điểm khởi đầu và kết thúc của suy thoái, không ai có thể đưa ra số liệu tương tự như vậy đối với sự đình trệ của nền kinh tế.

Nhìn chung các chuyên gia kinh tế đồng thuận rằng một lần đình trệ khác sẽ không xảy ra. Tuy nhiên, khả năng nước Mỹ đương đầu với sự đình trệ hiện nay đã lớn hơn rất nhiều so với chỉ một vài tháng trước đây.

Tại sao lần suy thoái kinh tế này lại tệ hại như vậy?

Rõ ràng đây là lần kinh tế Mỹ đi xuống mạnh nhất từ Đại Khủng Hoảng 1930. Thế nhưng trước đây, kinh tế Mỹ cũng trải qua hai thời kỳ suy thoái khác là giữa thập niên 1970 và đầu thập niên 1980.

Xét trên nhiều phương diện, lần suy thoái hiện tại tệ hại hơn hai lần suy thoái trước.

Thời kỳ suy thoái dài nhất từ sau Đại Khủng Hoảng 1930 kéo dài 16 tháng, đó là vào những năm 1973-1975 và suy thoái 1981-1982. Lần suy thoái hiện nay bắt đầu từ tháng 12/2007, như vậy đến tháng 4/2009 này, suy thoái bước vào tháng thứ 17.

Lần suy thoái hiện tại gây tác động sâu rộng hơn bất kỳ cuộc suy thoái nào từ 1930. Theo số liệu từ FED, từ tháng 11/2008, 86% công ty thuộc các ngành đã thu hẹp sản xuất. Đây là mức độ cắt giảm sản xuất mạnh nhất trong 42 năm FED thu thập số liệu này.

Việc các công ty cắt giảm sản xuất trên diện rộng là điều đáng lo ngại bởi một khi thất nghiệp người lao động không thể đến công ty khác để xin việc.

Lần đầu tiên trong 32 năm, tỷ lệ thất nghiệp tại tất cả các bang của Mỹ đều tăng mạnh.

9 tháng qua, tài sản của người dân giảm kỷ lục tính từ sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai.

Kinh tế Mỹ sẽ không đình trệ lần hai?

Tính đến thời điểm hiện tại, GDP của Mỹ tăng trưởng -1,7%. Các chuyên gia kinh tế dự báo mức độ suy giảm của cả đợt suy thoái là - 3,4%.

Trên thực tế, đã có những quý kinh tế suy giảm sâu hơn mức trên. Mức độ suy giảm so với cùng kỳ của năm có thể là 6,6%. Kinh tế Mỹ quý 1/2009 có thể đi xuống mạnh hơn mức trên.

Tuy nhiên tính toán mức độ đi xuống của hoạt động kinh tế từ đầu đến cuối thời kỳ suy thoái là cách các chuyên gia kinh tế học đánh giá mức độ tệ hại của cuộc suy thoái đó. Và mức độ -3,4% là mức suy giảm chưa từng có nếu tính trung bình.

Dù sao mức độ này vẫn còn tốt hơn rất nhiều so với mức -26,5% thời kỳ 1929 – 1933.

Một trong những lý do các chuyên gia kinh tế cho rằng việc tiêu dùng và tài sản người dân sụt giảm là không đủ để đẩy kinh tế vào giai đoạn đình trệ.

Trên thực tế, việc thị trường chứng khoán sụp đổ và bong bóng nhà đất không phải khi nào cũng khiến kinh tế đình trệ.

Đổi mới về chính sách từ thập niên 1930 giảm tác hại của suy thoái kinh tế

Chương trình bảo hiểm thất nghiệp, an sinh xã hội và nhiều chương trình khác ở cấp liên bang liên tục bơm tiền vào nền kinh tế ngay cả khi người tiêu dùng và doanh nghiệp cắt giảm chi tiêu.

Ông Keith Hembre, chuyên gia kinh tế trưởng tại First American Funds, nhận xét hiện nay người dân Mỹ nhận được nhiều sự đảm bảo hơn.

Ông nhận định kế hoạch kích thích tăng trưởng kinh tế trị giá 787 tỷ USD sẽ giúp hoạt động kinh tế Mỹ sớm hồi phục.

Hơn thế nữa, FED đã bơm hàng nghìn tỷ USD vào nền kinh tế thông qua chương trình cho vay mới, đây là hành động quyết liệt chưa từng có trong lịch sử. Thời kỳ Đại Khủng Hoảng 1930, nguồn cung tiền đã bị thắt chặt.

Các chuyên gia kinh tế cũng nhận xét rằng nhiều sai lầm về đường lối chính sách kinh tế những năm 1930 đã không lặp lại, cụ thể là rào cản có khả năng bóp chết thương mại quốc tế và việc hạn chế giá cả, sản xuất.

Ngay cả nếu Quốc hội Mỹ áp dụng điều khoản Buy American trong bản kế hoạch 787 tỷ USD được Quốc hội thông qua, điều khoản đó cũng không hề giống với chế độ bảo hộ tệ hại thập niên 1930.

Dù nước Mỹ sẽ không bước vào thời kỳ đình trệ nhưng không có nghĩa khủng hoảng kinh tế lần này dễ chịu hơn đối với người Mỹ. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng suy thoái kinh tế sẽ chưa sớm chấm dứt.

Họ cho rằng nước Mỹ có thể sẽ phải trải qua thời kỳ trì trệ kéo dài giống như “thập kỷ mất mát” trước đây của Nhật.

Ngọc Diệp

Theo CNN


ngocdiep

Trở lên trên