MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh tế ngầm Trung Quốc ở châu Âu

24-08-2015 - 10:38 AM | Tài chính quốc tế

Chuyển tiền bất hợp pháp từ kinh tế ngầm Trung Quốc ở châu Âu về đại lục đang trở thành mối quan tâm đặc biệt không chỉ của Ý, nơi có 4 cán bộ chi nhánh Ngân hàng Trung Quốc và 287 công dân Ý gốc Hoa đang bị điều tra về tội rửa tiền, trốn thuế

Theo báo cáo năm 2015 của Cục Đặc trách chất gây nghiện quốc tế và Thực thi pháp luật thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, cơ quan theo dõi các vụ chuyển tiền bất hợp pháp (còn gọi là rửa tiền) quốc tế, Trung Quốc hiện đứng đầu thế giới về nguồn rửa tiền xuyên biên giới nhưng không chịu hợp tác với các nước khác để giải quyết vấn đề này.

Dòng sông tiền

Vụ án chuyển lậu 4,5 tỉ euro từ Ý về đại lục từ năm 2006 đến 2010 thông qua dịch vụ chuyển tiền Money2Money dưới đây là một ví dụ điển hình.

Hãng tin AP ngày 5-8-2015 dẫn lời ông Giulio Monferini, Phó Viện trưởng Viện Công tố vùng Tuscany, cho biết gần một nửa số tiền nêu trên (2,2 triệu euro, theo nhật báo Ý La Repubblica) do chi nhánh Ngân hàng Trung Quốc (BOC) ở Milan chuyển về đại lục, hưởng trên 758.000 euro tiền hoa hồng. Ý đã khởi tố vụ án và khởi tố các bị can. Phiên tòa đầu tiên dự kiến sẽ được tiến hành vào tháng 3-2016.

Theo các nhà điều tra Ý, Money2Money là một công ty của Hoa kiều tại Ý, hoạt động kiểu mafia. Nó dùng những thủ đoạn bất chính để nắm độc quyền chuyển tiền của Hoa kiều Ý về Trung Quốc. Cuộc điều tra phá án có mật danh “Dòng sông tiền” tiến hành từ năm 2008 phát hiện một chi tiết quan trọng: Money2Money ký hợp đồng độc quyền với BOC Milan. Theo đó, ngân hàng này không được nhận chuyển ngân cho bất cứ tổ chức nào khác từ Ý về Trung Quốc ngoài Money2Money.

Nguồn tiền chuyển về Trung Quốc được xác định là đồng tiền bẩn thu được từ kinh doanh hàng giả (kể cả tiền giả), mại dâm, bóc lột lao động và trốn thuế của người Hoa ở Ý. Để tránh sự dòm ngó của cơ quan thuế vụ, tiền chuyển đi được chẻ nhỏ, mỗi lần gửi không quá 2.000 euro. Ban lãnh đạo BOC Milan và nhân viên kiểm toán đã không báo cáo về hoạt động chuyển ngân này theo luật định.

Khi phát hiện vụ việc, nhà chức trách Ý liên hệ với nhà cầm quyền Bắc Kinh kêu gọi hợp tác chống rửa tiền nhưng không được đáp ứng. Cảnh sát Ý không được phép đến Trung Quốc để điều tra. Ngân hàng Trung Quốc đã bác bỏ mọi cáo buộc. Họ nhấn mạnh rằng hợp đồng giữa chi nhánh Milan của BOC và Money2Money “phù hợp với chính sách của BOC” cho nên “không có trách nhiệm hợp tác với các nhà điều tra Ý” (Thời báo Hoàn cầu, Trung Quốc). Trong khi đó, nhóm luật sư đại diện cho Money2Money khẳng định rằng khách hàng của họ chẳng làm gì sai. Lãnh sự quán Trung Quốc ở Florence, thủ phủ vùng Tuscany và Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói họ không hay biết gì về chuyện này.

Điều này hoàn toàn trái ngược với tuyên bố của Bắc Kinh, theo đó, họ sẵn sàng hợp tác với các nước phương Tây chống tội phạm xuyên biên giới, đặc biệt là giúp bắt giữ và dẫn độ các quan tham Trung Quốc đào thoát sang các nước phương Tây cùng với số tài sản “khủng”.

Tiền bẩn đi về đâu?

Hơn 4,5 tỉ euro bốc hơi khỏi nước Ý lọt vào túi ai ở Trung Quốc? Pietro Suchan, Phó Viện trưởng Viện Công tố Florence, chia sẻ với hãng tin AP: “Trong khi kinh tế Ý suy thoái thì Phố Tàu ở Florence ngày càng giàu sụ. Các xưởng may và sòng bài của người Hoa sáng đèn suốt đêm. Người Hoa thâu tóm bất động sản, nhà hàng, quán cà phê Ý. Thế nhưng, điều này không hề được thể hiện trên sổ sách thuế. Vậy tiền bạc đi đâu? Không lẽ họ đã ăn hết?”.

Tất nhiên, tiền không ăn được. Nó được chuyển lậu về đại lục, theo kết quả 4 năm điều tra của Ý. Do nhà cầm quyền Trung Quốc viện cớ khác biệt về luật pháp để từ chối hợp tác, Ý không thể thu hồi tiền chuyển ngân lậu. Trong bối cảnh đó, mafia Trung Quốc tha hồ tung hoành, bành trướng các hoạt động phi pháp nhưng siêu lợi nhuận. Các ngân hàng nhà nước Trung Quốc trở thành “thiên đường tài chính” của bọn chúng.

Theo phóng sự điều tra riêng của hãng tin AP (Mỹ) đăng hồi tháng 5 rồi, bọn làm hàng giả Trung Quốc dùng những ngân hàng này - trong đó có BOC - để chuyển tiền ngoài tầm kiểm soát của cơ quan thực thi pháp luật nước sở tại. Tài liệu tịch thu được tại Money2Money cho biết một trong những nơi nhận tiền thường xuyên mang tên Công ty Ngoại thương Dầu thực vật và Thực phẩm, có địa chỉ giao dịch ở Thượng Hải. Tuy nhiên, tìm đỏ mắt khắp thành phố cảng cũng không thể thấy công ty này. Nó nằm ở Ôn Châu, một thành phố của tỉnh Chiết Giang, cách Thượng Hải 465 km. Tên thật của nó là Công ty Ngoại thương Ôn Châu. Hầu hết người Hoa di cư ở Ý đến từ Ôn Châu.

Chỉ biết được một nửa sự thật

Igor Angelini, Trưởng nhóm tình báo tài chính của Europol (Cảnh sát châu Âu), cho biết tầm hoạt động của Money2Money bao trùm khắp Tây Âu, đặc biệt là Pháp và Tây Ban Nha - nơi có cộng đồng người Hoa rất lớn. “Chúng tôi nắm được đường đi nước bước của dòng tiền do Money2Money luân chuyển qua biên giới các nước. Nó giống như một thỏi nam châm hút tiền mặt” - Angelini cho biết.

Với những máy tính tịch thu tại các trung tâm của Money2Money và nhờ sự hỗ trợ của 2 nhân viên cũ của công ty, cảnh sát Ý đã lần ra một mạng lưới tên giả dùng để che giấu nhân thân người gửi tiền. Từ đó, họ phát hiện hơn 1,5 triệu giao dịch chuyển tiền liên quan đến các doanh nghiệp và doanh nhân Trung Quốc nhỏ - phần lớn có xưởng may dùng lao động là người Hoa nhập cư lậu được trả lương rẻ mạt. Những người này khai doanh thu hằng năm chỉ vài chục ngàn euro nhưng số tiền chuyển lậu về nước lên đến hàng trăm ngàn euro.

Ông Pietro Suchan, Trưởng nhóm điều tra Ý, nói ông tin rằng tiền gửi về nước dùng để mua hàng giả, hàng nhái sản phẩm nổi tiếng của Âu - Mỹ sản xuất tại Trung Quốc rồi xuất ngược về châu Âu nhưng không thể chứng minh được điều đó do Trung Quốc bất hợp tác. “Chúng tôi chỉ biết được một nửa sự thật” - ông Suchan lo ngại.

Theo Nguyễn Cao

Người Lao Động

Trở lên trên