Kinh tế thế giới trong tuần qua những con số
Chứng khoán Mỹ lao dốc, IMF hạ mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu, du lịch Hồng Kông thiệt hại nặng vì biểu tình … là những thông tin đáng chú ý về kinh tế thế giới trong tuần 6 - 12/10.
- 07-10-2014IMF hạ mạnh triển vọng kinh tế toàn cầu
- 11-10-2014S&P 500 có tuần tệ nhất 2 năm
- 06-10-2014Ngành du lịch Hong Kong thiệt hại nặng vì biểu tình
Thị trường chứng khoán New York giảm mạnh trong ngày giao dịch cuối cùng của tuần do sự lo lắng tăng lên về những bất ổn của kinh tế toàn cầu và những tác động của nó đối với lợi nhuận của các công ty Mỹ khi mùa công bố lợi nhuận quý III sắp tới
Trong cả tuần, ba chỉ số đã giảm 2,7% đối với Dow Jones, 3,1% đối với S&P và 4,5% cho chỉ số Nasdaq.
Đây là tuần giảm mạnh nhất của 2 chỉ số S&P500 và Nasdaq kể từ tháng 5/2012.
IMF hạ mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2014 xuống còn 3,3%
Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) hôm 7/10 đã công bố hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay và năm tới. Theo tuyên bố mới, IMF cho rằng kinh tế toàn cầu năm nay sẽ tăng trưởng 3,3%, giảm so với mức dự đoán đưa ra vào tháng 7 là 3,4%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2015 là 3,8%, giảm so với dự đoán trước đó là 4%.
Việc hạ mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu của IMF thể hiện triển vọng kinh tế không sáng sủa của khu vực đồng euro, Nga, Trung Đông và Nhật Bản. Khu vực Eurozone và Nhật Bản chỉ phục hồi “ì ạch” (Eurozone tăng lần lượt 0,8% năm 2014 và 1,3% năm 2015; Nhật Bản tăng 0,9% và 0,8%). Tuy nhiên, IMF vẫn lạc quan với triển vọng tăng trưởng kinh tế của Vương quốc Anh. IMF dự báo nền kinh tế Anh sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh và vẫn duy trì dự báo tăng trưởng 3,2% trong năm nay và 2,7% trong năm tới.
IMF cũng nâng mạnh dự báo tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong năm nay từ 0,5% lên 2,2%.
13 triệu USD/ngày là thiệt hại nặng nề cho ngành du lịch Hong Kong vì biểu tình
Hội đồng Du lịch Hong Kong mới đây xác nhận Cục Du lịch quốc gia Trung Quốc đã ngừng cấp phép cho các tour du lịch theo nhóm từ Trung Quốc Đại lục sang Hong Kong vì lý do an ninh, trong bối cảnh các cuộc biểu tình căng thẳng tiếp diễn.
Theo dự báo của ngành du lịch Hong Kong, lệnh cấm trên có thể khiến số lượng các tour du lịch theo nhóm của du khách Trung Quốc Đại lục tới thành phố này trong năm nay giảm một nửa, gây thiệt hại gần 13 triệu USD mỗi ngày cho 229 khách sạn của Hong Kong.
13 tỷ USD tháo chạy khỏi Nga trong quý III/2014
Theo số liệu ước tính của ngân hàng trung ương Nga, dòng vốn tháo chạy khỏi Nga giảm xuống 13 tỷ USD trong quý III. Trước đó, giới đầu tư đã liên tiếp rút 48,6 tỷ USD và 23,7 tỷ USD lần lượt trong quý 1 và II. Như vậy, giới đầu tư đã rút tổng 85 tỷ USD ra khỏi Nga trong 9 tháng đầu năm.
Mặc dù dòng vốn chảy ra khỏi Nga có xu hướng chậm lại nhưng chưa có dấu hiệu nào cho thấy giới đầu tư sẽ ngừng rút vốn khỏi nước này trong tương lai gần, theo nhận định của một số chuyên gia kinh tế.
1,95 tỷ USD là giá trị của khách sạn Waldorf Astoria - khách sạn hạng sang được coi là biểu tượng của New York vừa được tập đoàn Hilton Worldwide bán lại cho hãng bảo hiểm của Trung Quốc
Công ty bảo hiểm Anbang đến từ Trung Quốc tuyên bố sẽ trở thành chủ sở hữu mới của khách sạn sang trọng Waldorf Astoria. Anbang đã đồng ý trả cho tập đoàn Hilton Worldwide Holdings 1,95 tỷ USD để sở hữu khách sạn sang trọng tọa lạc trên đại lộ Park danh tiếng. Đây là mức giá cao nhất được trả cho một khách sạn tại Mỹ từ trước tới nay và nâng số tiền mà các nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư vào New York bất động sản trong năm nay lên đến 2,7 tỷ USD.
17,5 tỷ euro là mức thặng dư thương mại của Đức trong tháng 8, giảm 4,7 tỷ euro so với tháng 7 và giảm 1 tỷ euro so với dự đoán của các nhà kinh tế. Thặng dư thương mại giảm chủ yếu do xuất khẩu của Đức giảm mạnh 5,8% trong tháng 8, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 1 năm 2009. Nhập khẩu điều chỉnh theo mùa đã giảm 1,3% trong tháng, trong khi các nhà kinh tế đã dự kiến tăng 1,0%. Đây là một dấu hiệu suy yếu của nền kinh tế lớn nhất châu Âu trong bối cảnh kinh tế Eurozone mong manh và những căng thẳng chính trị với Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraina.
Air France có thể mất 600 triệu USD vì đình công
Công ty mẹ của hãng bay - Air France-KLM vừa ra cảnh báo lợi nhuận năm nay có thể giảm mạnh do phi công Air France đình công 2 tuần hồi tháng trước. Theo đó, hãng có khả năng mất 500 triệu euro (631 triệu USD) lợi nhuận hoạt động năm nay. Trong đó có 320 triệu euro là lỗ trực tiếp. Lợi nhuận trước thuế sẽ vào khoảng 1,7 tỷ - 1,8 tỷ euro, thấp hơn nhiều mục tiêu ban đầu là 2,2 tỷ-2,3 tỷ euro.
Cuộc đình công giữa tháng 9 là một trong những vụ dài nhất lịch sử Air France. Sự việc này diễn ra đúng lúc hãng đang vật lộn cạnh tranh với các hãng giá rẻ như Ryanair và easyJet.
Nguyễn Lê (tổng hợp)