MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh tế Trung Quốc: Hạ cánh?

22-04-2015 - 08:19 AM | Tài chính quốc tế

Kinh tế Trung Quốc (TQ) tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 2009 là dấu hiệu của một cuộc hạ cánh cứng hay mềm?

GDP của TQ tăng 7% trong 3 tháng đầu tiên của năm 2015 so với cùng kỳ năm trước. Đây là quý tăng trưởng thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009. Một sự suy giảm được nhiều người coi là cần thiết và không thể tránh khỏi khi nước này đang thay đổi mô hình tăng trưởng trước đây là sản xuất và xuất khẩu bằng tiêu thụ nội địa và dịch vụ. Tháng trước, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã công bố mục tiêu tăng trưởng của TQ "khoảng 7%" cho năm 2015. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế TQ chỉ tăng trưởng khoảng 6,8%, thấp hơn mức 7% mà chính phủ nước này đề ra cho cả năm 2015.

"Chúng tôi dự báo sự sụt giảm mạnh trong tăng trưởng kinh tế. Khi nền kinh tế đi vào quỹ đạo bình thường", sự sụt giảm tốc độ tăng trưởng là tốt cho điều chỉnh cơ cấu và chuyển đổi", Sheng Laiyun, người phát ngôn của NBS cho biết. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách muốn tránh suy giảm đột ngột vì có thể gây ra tình trạng thất nghiệp tăng vọt và đe dọa sự ổn định tài chính với một làn sóng vỡ nợ. Ngân hàng Nhân dân TQ đã cắt giảm lãi suất hai lần kể từ tháng 10 năm ngoái trong một nỗ lực kích thích đầu tư.

Các chỉ số quan trọng của kinh tế TQ

Những dữ liệu riêng biệt cho thấy hình ảnh khác của sự suy giảm. Sản lượng các nhà máy đã tăng với tốc độ thấp kỷ lục 5,6% trong tháng. Đầu tư tài sản cố định, trong đó bao gồm chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, trang thiết bị nhà máy và xây dựng bất động sản tăng trưởng mức thấp nhất trong 14 năm qua là 13,5%. Có thể thấy bóng mây đen tối nhất đối với kinh tế TQ là thị trường bất động sản đang đóng băng. Giá nhà đã giảm 6% so với năm trước.

Một cách làm ấm lại thị trường bất động sản là sử dụng các ngân hàng để bơm tiền vào nền kinh tế, như TQ đã làm trong năm 2008 khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra. Tuy nhiên, đây có thể là một sai lầm nữa khi nước này đang cố gắng để đối phó với hậu quả của việc ồ ạt cho vay trước đó. Tổng số nợ đã tăng lên, từ khoảng 150% GDP trong năm 2008 lên hơn 250% hiện nay. Đây đều là dấu hiệu của các khủng hoảng tài chính ở Nhật Bản vào những năm 1990 và các nước phương Tây trong thập kỷ qua.

Trong khi đó, doanh số bán lẻ cũng tăng trưởng ở mức thấp nhất trong 9 năm là 10,2%. Ngoài chính sách nới lỏng tiền tệ, chính quyền địa phương của TQ cũng đã công bố kế hoạch tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng nhằm bù đắp sự suy giảm đầu tư vào trang thiết bị xây dựng và nhà máy. IHS Ecnomics lưu ý năm nay chính quyền TQ sẽ ưu tiên cho vế cải tổ nhiều hơn là tập trung vào các kế hoạch kích thích kinh tế.

Tăng trưởng GDP của TQ

Điều quan trọng hơn đối với kinh tế TQ lúc này là sự thay đổi trong cơ cấu kinh tế. Theo lời một chuyên gia của Ngân hàng Nhật Bản Mizuho, tăng trưởng chậm lại của TQ không đáng quan ngại nếu như nền kinh tế nước này phát triển trên cơ sở lành mạnh hơn, có khả năng tạo thêm việc làm cho người dân và thu hẹp hố bất bình đẳng trong xã hội.

Thực tế, mảng dịch vụ năm ngoái của TQ chiếm 48,2% sản lượng, ngành công nghiệp đã giảm xuống còn 42,6%. Với ngành dịch vụ phát triển, TQ hiện nay có thể tạo ra nhiều việc làm hơn. Mặc dù tăng trưởng đã giảm xuống thấp nhất trong hơn hai thập niên năm ngoái, TQ đã tạo ra công ăn việc làm cho hơn 13,2 triệu người ở các khu đô thị mới. Thị trường việc làm mạnh mẽ đã cho phép tiền lương tiếp tục tăng ổn định, một điều kiện tiên quyết cho việc người dân tiêu thụ nhiều hơn.

Ở Gushi, một quận được phân loại là nghèo khó, vẫn có đông người tụ tập tại các cửa hàng quần áo và nhà hàng KFC. Giống như nhiều người, Zhang Youling, 43 tuổi, đã dành 6.000 nhân dân tệ (970 USD) để sắp tới đưa gia đình đến Bắc Kinh vào ngày nghỉ. "Chúng tôi tiết kiệm mọi thứ. Nhưng lúc này thì tôi tự tin để dành một chút tiêu pha cho những gì chúng tôi kiếm được", ông nói.

Theo Thụy Kha

PV

Doanh nhân Sài Gòn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên